Ông Dương Công Minh đưa người của Tập đoàn Liên Việt vào Sacombank

Ứng cử viên được giới thiệu làm thành viên HĐQT độc lập Sacombank là người từ Tập đoàn Liên Việt, một đơn vị có liên quan tới LienVietPostBank và Him Lam, nơi ông Dương Công Minh từng làm chủ tịch HĐQT

Sáng nay, ngày 20.4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018. Một trong những nội dung của đại hội là bầu thêm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2012. Theo đó, HĐQT giới thiệu ông Nguyễn Văn Huynh, thành viên đến từ Tập đoàn Liên Việt đã ứng cử làm thành viên HĐQT độc lập của Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Ông Nguyễn Văn Huynh được HĐQT Sacombank giới thiệu vào thành viên HĐQT độc lập (Ảnh: Quốc Hải)

Hai ứng viên được đề cử bầu bổ sung làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 gồm: Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank (ứng viên thành viên HĐQT) và ông Nguyễn Văn Huynh (ứng viên thành viên HĐQT độc lập).

Theo thông tin từ HĐQT Sacombank, ông Nguyễn Văn Huynh bắt đầu làm thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) từ 2008 - tháng 3.2018. Đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Văn Huynh là thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Liên Việt (từ 2013 đến nay), thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Liên Việt (từ 2009 đến nay), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH H.T.H; Thành viên HĐQT Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn.

Như vậy, có thể nói, ông Huynh là người của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021.

Trước đó, ngày 20.3.2018, Sacombank đã nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Kiều Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Đến ngày 22.3.2018, HĐQT Sacombank đã tổ chức họp và chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Kiều Hữu Dũng.

Như vậy, thời điểm hiện tại, sau khi ông Dũng từ nhiệm, số lượng thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021 chỉ còn 5 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập.

Nhằm đảm bảo cơ cấu thành viên HĐQT theo quy định tại khoản 5 điều 13 Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ, đồng thời theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 1/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 30.6.2017, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021 là 7 người nên đại hội này đã đề cử 2 ứng viên trên làm thành viên HĐQT.

Đề xuất trích 20% lợi nhuận vượt chỉ tiêu thưởng cho nhân viên

9h 30 phút, HĐQT Sacombank trình cổ đông 15 tờ trình về báo cáo hoạt động, phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh 2018, trích thưởng khi vượt kế hoạch lợi nhuận, thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT, BKS, tờ trình về sửa đổi điều lệ…

Trong các tờ trình, đáng chú ý là tờ trình về trích thưởng phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 cho tập thể cán bộ nhân viên Sacombank.

Cụ thể, theo kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2018, HĐQT Sacombank đặt ra chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế của năm tài chính 2018 là 1.838 tỷ đồng.

HĐQT Sacombank cũng đề xuất cổ đông thông qua việc trích 20% đối với phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 để thưởng cho tập thể cán bộ nhân viên Sacombank.

Báo cáo về kết quả kinh doanh, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết năm 2017, tổng tài sản hợp nhất cuối năm đạt 368.469 tỷ đồng, tăng 11%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.492 tỷ đồng, gấp 9,6 lần so với năm trước, đạt 255% kế hoạch đặt ra. Lãi sau thuế năm 2017 đạt 1.181 tỷ đồng. Các chỉ số sinh lời cũng được cải thiện đáng kể; ROE tăng từ 0,4% năm 2016 lên 5,2% năm 2017; ROA tăng từ 0,03% lên 0,34%.

Về phương án phân phối lợi nhuận, Sacombank sẽ dành 5% lãi sau thuế để trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% dùng để trích lập quỹ dự phòng tài chính. Ngoài ra, 181 tỷ đồng dùng để trích thưởng vượt kế hoạch theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2017; 202 tỷ đồng dùng để trích lập quỹ Khen thưởng và Phúc lợi.

Sau khi trích lập các quỹ, lũy kế lợi nhuận sau thuế còn giữ lại của ngân hàng là 1.657 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 430.900 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cuối năm 2017. Nguồn vốn huy động đạt 399.100 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 255.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,9% và 13,1% so với năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.838 tỷ đồng, tăng 23,2%.

Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận này, Sacombank sẽ trình cổ đông mức thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT và BKS năm 2018 dự kiến là 2% lợi nhuận trước thuế hợp nhất (tức khoảng 36,76 tỷ đồng).

10h 22 phút, đại hội tiến hành bỏ phiếu bầu thông qua các tờ trình về miễn nhiệm thành viên HĐQT ông Kiều Hữu Dũng và bầu cử bổ sung 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Huynh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm.

Đại hội tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm ông Kiều Hữu Dũng và bầu bổ xung ông Huỳnh và bà Diễm vào HĐQT (Ảnh: Quốc Hải)

10h 50 phút, đại hội tiến hành phần thảo luận:

Một cổ đông hỏi tại sao 2 năm qua không có cổ tức. Trả lời vấn đề này, ông Minh cho biết 2 năm qua Sacombank tiến hành sát nhập với Ngân hàng Phương Nam và xin đề án tái cơ cấu. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tạm thời không chia cổ tức.

Một cổ đông khác hỏi về mức lương và thu nhập bình quân của nhân viên Sacombank? Ông Minh cho biết, lương bình quân của nhân viên Sacombank là 14 triệu đồng, thu nhập bình quân là 16 triệu đồng. Tuy nhiên mức thu nhập này thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác, chỉ ngang bằng với Eximbank.

Cổ đông Nguyễn Thị Thu Hà hỏi về các biện pháp xử lý nợ xấu trong năm 2018. Trả lời vấn đề này bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết trong quý II.2018 sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3,6%, quý III.2018 xuống 3,3% và quý IV.2018 xuống dưới 3%. Kế hoạch xử lý khoảng 15 nghìn tỷ nợ xấu trong năm 2018 này.

"Tôi không thích cách trả lời của ông Dương Công Minh, sao có vẻ coi thường cổ đông nhỏ chúng tôi"

11h 02 phút, một cổ đông khác bức xúc về việc sao 2 năm không có cổ tức, "điều này rất vô lý vì chúng tôi đi đầu tư sao không có lãi? Sao chia cho cán bộ, nhân viên nhiều mà cổ đông lại không có?", cổ đông này chất vấn.

Trả lời vấn đề này, ông Minh cho biết, do đề án tái cơ cấu quy định nên không được chia cổ tức. Hiện nay giá cổ phiếu Sacombank đã tăng, các cổ đông có thể bán cổ phiếu hoặc chờ được chia cổ tức chứ chúng tôi không có phương án khác vì đây đã là quy định. Còn việc trả lương, thưởng cho nhân viên vì như thế mới khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ, công nhân viên.

“Nếu cổ đông nào hỏi về vấn đề này nữa thì chúng tôi xin phép được không trả lời”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, nếu 5 năm sau (khi đã hoàn thành tái cơ cấu) mà cổ đông vẫn không có cổ tức thì tôi sẽ ra đi chứ không phải đợi các cổ đông bức xúc.

Ông Dương Công Minh trả lời chất vấn của cổ đông (Ảnh: Quốc Hải)

“Chúng tôi vào Sacombank hồi tháng 6.2017 nhưng đến nay đã họp tới 171 phiên. Tôi nói thật, hiện nay tôi làm việc đến 1.000 phần trăm, gấp nhiều lần so với hồi bên Ngân hàng Liên Việt, nên mong quý cổ đông thông cảm và ủng hộ”, ông Minh thông tin.

Sau câu trả lời của ông Dương Công Minh, cổ đông đã phản ứng “Tôi cũng không thích cách trả lời của Chủ tịch Sacombank, ông là cổ đông lớn nhưng sao nói cổ đông chúng tôi không thích thì bán đi, có vẻ như coi thường cổ đông chúng tôi?”

Cổ đông hỏi: Khoản 600 tỷ năm ngoái được xem là bất hợp lý, bất hợp lệ nhưng sao không được nói tới? “Còn cổ phiếu STB hiện nay giá cũng đang lèo tèo, chỉ mười mấy nghìn, so với Vietcombank, Techcombank... thì xách dép, sao lại tự hào?”.

Ông Minh phân trần: “Tôi chỉ nói đến các lựa chọn cho cổ đông chứ không phải có ý như thế. Còn việc 600 tỷ đồng được xem là bất hợp lý thì không phải vì đó chỉ là lưu ý của kiểm toán. Nếu là bất hợp lý thì sao chúng tôi hạch toán được?

Cổ đông Lê Thị Kim Cúc cũng cho biết cổ đông rất buồn vì cứ mỗi một kỳ đại hội lại mất đi một người. “Cổ đông chúng tôi luôn xem Sacombank là một gia đình nhưng mỗi năm lại có người đến người đi, rất buồn”.

“Tôi rất thông cảm với cổ đông”, ông Minh chia sẻ. Ông Minh cho biết thêm: “Hôm nay chúng tôi có mời anh Đặng Văn Thành đến tham dự nhưng do việc bận đột xuất nên anh Thành không đến được. Dù vậy, anh Thành cũng gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.

Nhân đây, tôi cũng cam kết tối thiểu là 3 năm, tối đa là 5 năm Sacombank sẽ có cổ tức cho cổ đông. Và tôi khẳng định cổ tức năm sau sẽ cao hơn năm trước. Tôi cũng xin hứa tối đa 5 năm chúng tôi sẽ tái cơ cấu xong Sacombank”.

“Sacombank có cơ chế kiểm soát để tránh thất thoát cho vay không? Ví dụ như Công ty 584 vay tiền rồi cho đơn vị khác thực hiện dự án của Him Lam trước đây?’, một cổ đông chất vấn.

Trả lời vấn đề này, ông Minh khẳng định, Công ty 584 có vay Sacombank 1.000 tỷ đồng và đã trả, còn 284 tỷ thì đang thế chấp dự án ở Tân Phú. Khoản nợ này là do từ Ngân hàng Phương Nam qua không liên quan Sacombank. Sacombank vốn có cơ chế quản trị rủi ro cực tốt và trước khi tôi vào Sacombank thì phải giải quyết dứt điểm mọi vấn đề liên quan, NHNN soi rất kỹ vấn đề này, soi còn hơn cả vol75 tôi soi, ông Minh nói vui.

“Việc thí điểm basel II thực tế Sacombank đã thực hiện đến đâu?”, cổ đông khác hỏi. Ông Minh cho biết, Sacombank đã đăng ký với NHNN, cuối năm 2019 xong hiện đã đi được 1/3 lộ trình.

Một cổ đông hỏi, liệu Sacombank có chủ trương sáp nhập, mua lại ngân hàng khác và có thành lập các công ty con hay không? Có tăng vốn điều lệ hay không?

Ông Dương Công Minh cho biết, Sacombank chỉ chủ trương tăng quy mô về mở rộng mạng lưới, đang có đề án trình Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đồng thời tăng quy mô 2 ngân hàng con là Sacombank Lào và Sacombank Campuchia.

“Hiện, Sacombank không có kế hoạch sáp nhập thêm ngân hàng khác mà chỉ tập trung cho việc tái cơ cấu theo đề án đã được NHNN phê duyệt, HĐQT nỗ lực đẩy mạnh chỉ trong vòng 5 năm là hoàn thành đề án tái cấu trúc, rút gắn được thời gian so với đề án được phê duyệt. Riêng về vấn đề tăng vốn điều lệ thì sau 5 năm xử lý được toàn bộ lãi dự thu mới có thể tăng vốn”, ông Minh khẳng định.

“Sao cổ phiếu các ngân hàng khác tăng vùn vụt, còn cổ phiếu Sacombank vẫn lẹt đẹt”?, một cổ đông hỏi.

Trả lời vấn đề này, ông Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể kỳ vọng được cổ phiếu Sacombank bởi ngân hàng đang nỗ lực đẩy xử lý nợ xấu, tái cơ cấu. Đến cuối năm 2018, Sacombank còn 8.000 tỷ đồng không sinh lời và cố gắng trong 3 - 5 năm tới mới có thể hoàn tất đề án tái cơ cấu và kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng mạnh.

“Trước đây, mỗi tuần tôi đánh gofl 4 ngày, mỗi ngày 10 trận, nhưng sau khi tham gia Sacombank, ông chỉ đánh gofl 2 ngày, mỗi ngày chỉ có 2 trận. Mọi thời gian và nguồn lực đã tập trung hết vào để tái cơ cấu Sacombank nên kỳ vọng thời gian tới mọi nỗ lực của chúng tôi sẽ thành công đề án tái cơ cấu”, ông Minh nói vui.

1h, công bố kết quả bầu thành viên HĐQT. Kết quả, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank được bầu làm thành viên HĐQT với tỷ lệ 95,58% và ông Nguyễn Văn Huynh được bầu làm thành viên HĐQT độc lập với tỷ lệ 95,53%.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ong-duong-cong-minh-dua-nguoi-cua-tap-doan-lien-viet-vao-sacombank-868211.html