Ông Dương Trung Quốc: Từ sầm uất, TP.HCM trở nên trầm uất vì cơ chế 'ràng buộc '

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu thảo luận về Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM sáng 20/11.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, ngày 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, đến thời điểm này chúng ta yên tâm tìm được với sự đồng thuận rất lớn của các đại biểu Quốc hội khi đề cập tới việc thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Có đại biểu đã dùng khái niệm là "đã chín muồi" nhưng ông Dương Trung Quốc cho rằng nó đã "chín mõm" rồi, điều đó có nghĩa là không thể kéo dài được nữa. "Từ một thành phố sầm uất nó đang trở nên trầm uất vì tất cả các cơ chế ràng buộc nó", ông Quốc nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho biết, năm xưa khi người Pháp chiếm Sài Gòn năm 1859, việc đầu tiên của họ là phá thành Sài Gòn nhưng họ lại phát triển rất mạnh mẽ một Sài Gòn năng động về mặt kinh tế với thủy xưởng của nó.

Chúng ta biết rằng, năm 1861 đã có một bản quy hoạch thành phố đầu tiên với tầm nhìn 500 nghìn dân và trên thực tế sau này có điều chỉnh nhưng nó đã được duy trì đến tận năm 1939, trước khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.

"Chính danh xưng mà ngày hôm nay chúng ta nhắc đến như niềm tự hào 'hòn ngọc Viễn Đông' là chính trong nảy nở, soi sáng ngay trong thời kỳ đen tối của thời kỳ thuộc địa là do tầm nhìn của họ", ông Quốc nói.

Tuy nhiên, theo vị này, sau khi đất nước thống nhất, cả nước đứng trước rất nhiều khó khăn cùng với đó không ít những nhận thức không đầy đủ đã kìm hãm Sài Gòn.

"Ngay Hà Nội, chúng ta đã có luật về Hà Nội rồi nhưng tôi cảm thấy luật đó vẫn chưa đủ, Hà Nội vẫn chịu nhiều sự ràng buộc. Tôi tin rằng thành công của TP.HCM sẽ mang lại sự giải thoát, sự bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước", ông Quốc nói.

Vị này cũng nhấn mạnh,bất kỳ một thí điểm nào cũng đều đứng trước nhiều thách đố. Bên cạnh sự ủng hộ về tinh thần rất cần thiết sự giám sát chặt chẽ của xã hội và năng động kịp thời điều chỉnh.

"Nói đến thí điểm, chúng ta không thể không nhắc lại một việc, nhiệm kỳ trước Quốc hội đã làm là thí điểm một việc bãi bỏ một số cấp Hội đồng nhân dân. Một thí điểm lớn nhưng kết thúc 'không kèn, không trống'. Tôi mong rằng nó sẽ không lặp lại ở đây và nó sẽ kết thúc bằng kèn trống của chúng ta chào mừng thắng lợi", đại biểu Quốc nhấn mạnh.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết qua tìm hiểu 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, các chỉ tiêu, số liệu về GDP, thu nhập, mức độ đóng góp thu ngân sách và các chỉ tiêu khác cho thấy thành phố là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn nổi trội về mọi mặt, tăng trưởng vượt bậc, có sức thu hút và lan tỏa lớn đến các nơi khác.

Qua 30 năm, TP.HCM là địa phương được giao thực hiện nhiều đề án thí điểm nhất và có những đề án rất quan trọng kết quả mang lại rất khả quan. Tuy nhiên đại biểu Tuấn cho biết, qua những năm gần đây có thể thấy sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại.

Thậm chí có xu hướng tụt hậu, tìm hiểu tại một địa phương đó là huyện Bình Chánh cho thấy nhiều xã có dân số rất đông như xã Bình Hưng hiện có hơn 19.000 hộ, 80.000 khẩu, đặc biệt trong đó riêng Ấp 4B có hàng trăm nhà hàng, khách sạn, văn phòng công ty, hay như 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có gần 220.000 dân, bằng khoảng 1/3 dân số của một tỉnh.

"Hệ quả là những khu vực sầm uất, nhưng không được quản lý chặt chẽ, người dân, doanh nghiệp chưa được hỗ trợ để phát triển tốt, cán bộ một xã gánh việc phục vụ số dân hơn một huyện, nó trở thành điểm nghẽn về tổ chức bộ máy chính quyền, một thành phố đông dân nhất cả nước", đại biểu Tuấn nói.

Cũng theo đại biểu này, hàng loạt các thách thức về giao thông, kẹt xe, ngập nước, giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, sự không bền vững về lao động việc làm, gia tăng dân số... đã dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng của TP.HCM.

"Sự suy giảm phát triển của TP.HCM chắc chắn sẽ trở thành thách thức lớn cho tăng trưởng cả nước", ông Tuấn nói.

Theo đại biểu Tuấn, một cơ chế mới tháo gỡ để vượt lên là rất cần thiết trong thời điểm này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Nghị quyết thí điểm trao cơ chế đặc thù cho TP.HCM bên cạnh việc tạo ra động lực sẽ lhững thách thức rủi ro không nhỏ.

"Nghị quyết này tuy chưa phải là tuyệt đối, nhưng có thể đủ mạnh để thành phố phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Tinh thần nghị quyết không chỉ dành cho TP.HCM mà vì sự phát triển chung của cả nước", đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/ong-duong-trung-quoc-tu-sam-uat-tphcm-tro-nen-tram-uat-vi-co-che-rang-buoc-3421208.html