Ông Duterte: Quý vị là ai mà cảnh cáo chúng tôi?

Ông Duterte thách thức phía Mỹ nhắc lại lời cảnh cáo trực tiếp với ông, thậm chí muốn hỏi ông Trump lý do cảnh cáo Philippines không mua vũ khí Nga.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây lên tiếng phản pháo chuyện Mỹ cảnh cáo nước này không mua vũ khí từ Nga.

“Tại sao? Quý vị đã chặn các nước khác chưa? Tại sao lại chặn chúng tôi?... Quý vị cảnh cáo chúng tôi, quý vị là ai mà cảnh cáo chúng tôi?” – ông Duterte nói khi phát biểu tại TP Davao ngày 17-8.

Ông Duterte phản pháo một ngày sau khi trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương cảnh cáo Philippines “cân nhắc hết sức cẩn thận” về chuyện mua tàu ngầm và các loại vũ khí khác từ Nga, vì điều này sẽ hủy hoại liên minh Mỹ-Phi.

“Tôi nghĩ họ nên nghĩ lại cẩn thận chuyện này. Nếu họ xúc tiến mua khí tài Nga, tôi không nghĩ sẽ có lợi cho liên minh chúng ta và thực sự thì tôi nghĩ chúng tôi có thể là đối tác tốt hơn Nga” - ông Schriver nói thăm Philippines ngày 16-8.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phản pháo mạnh chuyện Mỹ cảnh cáo mình không mua vũ khí Nga. Ảnh: AFP

Tại Davao ngày 17-8, ông Duterte thách thức ông Schriver dám nói lại cảnh cáo này trước mặt ông: “Ông sẽ gặp tôi ở một diễn đàn. Ông hãy trình bày lý do tại sao phản đối nước tôi mua tàu ngầm. Ông hãy đưa tôi lý do tại sao và công khai nó đi. Đây là cách ông muốn đối xử với một đồng minh? Và ông muốn chúng tôi ở bên cạnh ông toàn thời gian?”

Ông Duterte cũng nói ông muốn hỏi câu tương tự với Tổng thống Mỹ Donald Trump “nếu tôi gặp ông ấy”.

Ông Duterte chỉ trích Mỹ đang cố giữ Philippines ở thế lạc hậu về năng lực quốc phòng: “Việt Nam có 7 tàu ngầm, Malaysia có 2, Indonesia có 8. Chúng tôi là nước duy nhất trong khu vực không có chiếc nào”.

Dù công kích nặng nề Mỹ nhưng ông Duterte cũng tuyên bố các tàu ngầm nước này đang tính mua của Nga sẽ không dùng để chống lại Mỹ.

“Chúng tôi sẽ không sử dụng chúng chống lại quý vị. Chúng tôi không thể dùng chúng chống lại Trung Quốc hay bất cứ nước nào vì chúng tôi vũ trang kém”.

Ông Duterte cũng chỉ trích việc Mỹ bán các trực thăng tân trang lại cho mình, mà theo ông thì một số đã bị rơi, trong khi nhiều nước khác như Trung Quốc hay Nga đơn giản chỉ tặng không khí tài đã qua sử dụng cho Philippines và “chưa bao giờ đòi hỏi chúng tôi thậm chí chỉ một cái kẹp giấy”.

Năm ngoái Philippines đã ký với Nga một thỏa thuận hợp tác quân sự, theo đó Nga đã cung cấp miễn phí hơn 5.000 khẩu súng trường tấn công Kalashnikov đã qua sử dụng cho Philippines đánh phiến quân Hồi giáo.

Nga đã tặng không cho Philippines hơn 5.000 khẩu súng trường tấn công Kalashnikov đã qua sử dụng. Ảnh: TASK & PURPOSE

Philippines là đồng minh của Mỹ ở Đông Á, đang quan tâm và muốn mua một số tàu ngầm Nga để tăng năng lực hải quân trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc quanh tranh chấp biển Đông ngày càng cao. Ngoài tàu ngầm, Philippines cũng đang tính mua tàu tuần tra, trực thăng và xe bọc thép từ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hồi tháng 6 nói rằng nước này cần có tàu ngầm để giữ vị thế của mình với các nước láng giềng và đang nhắm tới các nhà sản xuất Nga, Hàn Quốc.

Phần mình, Nga nhanh chóng lên tiếng chào mời Philippines mua một số tàu ngầm điện diesel lớp Kilo, thậm chí còn đề nghị cho vay nếu nước này không đủ tiền mua.

Tàu ngầm điện diesel lớp Kilo của Nga ở cảng tỉnh Kaliningrad (Nga). Ảnh: AP

Trong chuyến thăm Philippines mới đây trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver cũng khuyến khích Philippines cân nhắc mua vũ khí Mỹ, vì điều này có lợi cho sự hợp tác giữa Mỹ và Philippines. Ông Schriver cũng trấn an Philippines rằng Mỹ sẽ là một “đồng minh tốt” và ủng hộ nước này trong tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, theo Philippine Star, sau cuộc gặp với ông Schriver, ông Loranzana vẫn bay sang Moscow gặp các quan chức Nga.

Đầu tháng 8, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ ý định mua vũ khí, khí tài Nga vì áp lực của Mỹ, gọi đây là “một phép thử cho quyết tâm tìm kiếm một chính sách đối ngoại độc lập của chúng ta”. Từ lúc nhậm chức, ông Duterte chủ trương điều chỉnh chính sách đối ngoại độc lập hơn, bớt lệ thuộc vào Mỹ.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/ong-duterte-quy-vi-la-ai-ma-canh-cao-chung-toi-788592.html