Ông Erdogan đột phá đầu tư công, lối thoát Thổ Nhĩ Kỳ?

Tổng thống Erdogan thay việc theo đuổi những dự án tham vọng để giữ lời hứa, bằng lấy lại niềm tin nhân dân qua giảm chi tiêu của bộ máy công quyền.

Trong lúc nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với sự sụt giảm đà tăng trưởng và sự mất giá của đồng lira, Tổng thống Tayyip Erdogan đã quyết định ngừng các khoản đầu tư lớn mới, nhằm kiểm soát chi tiêu công.

Ngày 14/9, phát biểu tại cuộc họp đại diện cấp tỉnh của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền, ông Erdogan cho biết các bộ ngành đã nhận được kế hoạch và sẽ không xem xét quyết định đầu tư mới, nhằm thực hiện chính sách tài chính thắt chặt.

Nên biết rằng chính các dự án lớn đã góp phần tạo nên thành công của ông Erdogan trên chính trường. Các dự án đầy tham vọng là chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan vào tháng 6/2018.

Tổng thống Erdogan mở lối thoát cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng đột phá vào đầu tư công

Nào là Sân bay quốc tế Istanbul mới - dự kiến mở cửa vào ngày 29/10 tới đây, nào là Đường hầm Á-Âu - một hầm đường bộ kết nối hai bên của Istanbul, nào là Cầu Yavuz Sultan Selim - chiếc cầu thứ ba bắc qua eo biển Bosphorus ở Istanbul.

Đặc biệt là dự án gây tranh cãi Kênh Istanbul, với chi phí dự kiến tốn ít nhất là 15 tỷ USD. Tuy ồn ào và gây tranh cãi như vậy, nhưng chính những dự án khổng lồ này đã giúp cho ông Erdogan tái đắc cử.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Tổng thống Erdogan đã có những thay đổi, tạm gạt tham vọng cá nhân sang một bên để cứu nền kinh tế, đưa đất nước ra khỏi bế tắc và ông đã chọn siết chặt chi tiêu công làm đột phá khẩu.

Ngoài việc không xem xét các dự án đầu tư lớn, tạm dừng các dự án lớn đã đầu tư dưới 70%, Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh việc khởi động một phong trào tiết kiệm toàn diện trong lĩnh vực công.

Với chương trình hành động này, Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ dư được 6 tỷ lira - tương đương 975 triệu USD - do cắt giảm chi tiêu công , trong đó có số lượng xe hơi và xe máy sử dụng cho cơ quan công quyền.

Theo nhật báo Birgun, hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 110.000 chiếc xe công đang được các cơ quan nhà nước thuê hoặc mua để sử dụng, chiếm một khoản tài chính rất lớn ngân sách nhà nước.

Theo giới phân tích, việc đột phá vào đầu tư-chi tiêu công là hành động chuẩn xác của Tổng thống Erdogan nhằm vực dậy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đó được xem là lối thoát tốt nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh trừng phạt của Mỹ không nới lỏng.

Thứ nhất, lấy lại niềm tin của nhân dân vào chính quyền và chính sách của chính phủ, từ đó sẽ giúp ổn định xã hội. Đây được xem chìa khóa cho mọi giải pháp, phương pháp, biện pháp của chính phủ.

Lấy lại niềm tin nhân dân bằng giảm lãng phí trong chi tiêu công là cực kỳ quan trọng

Lãng phí hay bất hợp lý trong chi tiêu công luôn được xem là nguồn gốc của bất bình đẳng trong cả đời sống kinh tế và đời sống xã hội, là nguyên nhân khiến cho chính sách của chính phủ không thể đi vào cuộc sống hay không phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hay suy giảm tăng trưởng, lãng phí hay bất hợp lý trong đầu tư-chi tiêu công trở thành quả bom nổ chậm trong nền kinh tế và hiệu ứng xã hội, làm mất niểm tin nhân, làm suy yếu chế độ.

Bởi khi đó độ vênh giữa hai lĩnh vực công-tư được tối đa hóa, mọi xung đột nhỏ đều có thể trở thành vấn đề lớn làm chao đảo nền kinh tế, làm rối loạn xã hội. Khi siết chặt đầu tư-chi tiêu công đồng nghĩa làm giảm độ vênh trong hai lĩnh vực-công tư.

Tổng thống Erdogan đã nhìn thẳng vào sự thật, thay vì chọn giữ lời hứa bằng theo đuổi những dự án tham vọng, thì ông chọn lấy lại niềm tin của người dân bằng giảm chi tiêu trong bộ máy công quyền, siết chặt để giảm lãng phí trong đầu tư công.

Thứ hai, giải quyết được vấn nạn bong bóng bất động sản - được giới chuyên gia nhận định là nguyên nhân chính khiến cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm tăng trưởng, sức mạnh nền kinh tế giảm sút.

Do chính phủ tập trung vào những dự án khổng lồ đã khiến cho hoạt động xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nóng, với tốc độ xây dựng "điên cuồng" của các công ty xây dựng thân với chính phủ, theo tờ Foreign Policy.

Nền kinh tế quy mô 880 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,8 %, kéo dài trong suốt thập niên này.

“Rõ ràng tình trạng này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ nổ tung", ông Harun Macit, một cư dân Istanbul lo ngại.

Cuộc bùng nổ xây dựng đã biến thành phố Istanbul thành một công trường xây dựng ngổn ngang. Các nhà thờ Hồi giáo, cầu đường và trung tâm mua sắm mới tiếp sức cho một ngành công nghiệp xây dựng chiếm gần 10% tổng sản phẩm quốc nội.

Thành phố Istanbul thơ mộng thành công trường xây dựng

Kể từ năm 2001, giá trị nhập khẩu vật liệu xây dựng chiếm tỷ trong lớn nhất trong kim ngạch nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và là nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ xuất siêu với mức thâm hụt lên tới 50,2 tỷ USD.

Nợ công tăng nhanh và chỉ một trong thời gian ngắn đã lên tới 460 tỷ USD, tương đương hơn 50% GDP. Trong khi đó bất động sản tồn kho với giá trị lớn, riêng tại Istanbul có tới 800.000 căn hộ chưa bán được.

Nợ doanh nghiệp, nợ cá nhân trở thành vấn nạn cho nền kinh tế và theo nhà kinh tế Refet Gurkaynak, tại Đại học Bilkent ở Ankara, thì tình cảnh hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ giống với cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ vào năm 2007.

"Chúng tôi biết nhiều công ty đang mất khả năng thanh toán, nhiều công ty không có sức thanh khoản và nếu không giải quyết được vấn đề thì sẽ tới lúc tất cả sẽ bùng cháy", nhà kinh tế Gurkaynak cho biết.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-erdogan-dot-pha-dau-tu-cong-loi-thoat-tho-nhi-ky-3365640/