Ðồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành cao-su Việt Nam (28-10-1929 - 28-10-2019), cán bộ, công nhân ngành cao-su Việt Nam rất đỗi tự hào về những đóng góp của nhiều thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc. Trong giai đoạn phát triển mới, ngành cao-su tiếp tục nỗ lực vượt khó vươn lên, không ngừng lớn mạnh.

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành cao-su Việt Nam (28-10-1929 - 28-10-2019), cán bộ, công nhân ngành cao-su Việt Nam rất đỗi tự hào về những đóng góp của nhiều thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc. Trong giai đoạn phát triển mới, ngành cao-su tiếp tục nỗ lực vượt khó vươn lên, không ngừng lớn mạnh.

Đêm 28-10-1929, tại Làng 3 của Ðồn điền cao-su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên ở miền Ðông Nam Bộ được thành lập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự. Chi bộ gồm sáu thành viên do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Ðây được xem là sự kiện tạo nên bước ngoặt giúp phong trào đấu tranh của công nhân cao-su dưới sự lãnh đạo của Ðảng và dẫn dắt của tổ chức Nghiệp đoàn cách mạng đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc, đánh đổ sự áp bức, nô dịch của kẻ thù xâm lược.

Trước đó, năm 1897, cây cao-su đã có mặt ở Việt Nam và được xem là cây công nghiệp chiến lược của thực dân Pháp. Cùng với quá trình liên tục mở rộng diện tích vườn cây cao-su, chủ yếu ở khu vực Ðông Nam Bộ, đội ngũ công nhân cao-su dần dần được hình thành. Họ là những nông dân nghèo khổ từ các tỉnh miền bắc, miền trung vào làm phu đồn điền cao-su để mưu sinh. Họ đâu ngờ mình đã bước vào "chốn địa ngục trần gian" vì bị bọn chủ tư bản bóc lột đến tận xương tủy, bị đánh đập, cúp phạt hết sức tàn nhẫn. Họ phải "Bán thân đổi lấy đồng xu/Thịt xương vùi gốc cao-su mấy tầng". Tình thế đó buộc những công nhân đồn điền cao-su phải đứng lên, bảo vệ quyền sống của mình. Giai đoạn đầu, các cuộc đấu tranh của công nhân chỉ mang tính đơn lẻ, tự phát cho nên đều bị đàn áp. Dù vậy, lớp lớp công nhân cao-su vẫn cùng nhau vùng lên đấu tranh chống áp bức, hòa vào dòng chảy lịch sử để tự giải phóng và trở thành người làm chủ vận mệnh của mình.

Trong dòng chảy lịch sử ấy, sự kiện Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở miền Ðông Nam Bộ đã trở thành mốc son lịch sử của ngành cao-su Việt Nam. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân cao-su đã biến đổi về chất, có sự lãnh đạo của Ðảng dưới ánh sáng dẫn đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chiếc nôi "Phú Riềng Ðỏ" đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, hy sinh kiên cường của các thế hệ công nhân cao-su, làm rạng danh những trang sử truyền thống của ngành cao-su Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các đồn điền cao-su vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực, vừa nuôi dưỡng, che giấu cán bộ... Trên mỗi chặng đường máu lửa ấy, nhiều công nhân cao-su đã không tiếc máu xương cùng với quân dân cả nước tạo nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Ghi nhận những đóng góp to lớn của công nhân ngành cao-su, Nhà nước đã công nhận ngày 28-10 hằng năm là Ngày truyền thống ngành cao-su Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, ngành cao-su tiếp quản số diện tích cao-su ít ỏi và già cỗi, hầu hết cơ sở vật chất kỹ thuật bị hư hỏng, không đồng bộ và công nghệ lạc hậu. Qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) đã vươn lên thành một tập đoàn lớn mạnh của đất nước.

VRG đang quản lý 407.000 ha cao-su trên địa bàn 29 tỉnh, thành phố, trải dài từ miền Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền trung, khu vực Tây Bắc, Ðông Bắc và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Mỗi năm, VRG chế biến bình quân 320.000 tấn cao-su các loại. Tuy chỉ chiếm khoảng 30% diện tích và sản lượng cao-su cả nước, nhưng VRG giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy ngành cao-su Việt Nam phát triển. Cao-su Việt Nam đang khẳng định vị thế quan trọng trên bản đồ cao-su thế giới. Hiện Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cao-su thiên nhiên lớn thứ ba toàn cầu, và xếp thứ nhất về năng suất vườn cây. Riêng VRG, năm 2018, năng suất vườn cây bình quân đạt 1,67 tấn/ha. Ðến năm 2018, toàn VRG có 16 công ty và 98 nông trường đạt danh hiệu Câu lạc bộ 2 tấn, nhiều công ty nhiều năm liền nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn. VRG hiện có 55 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế gần 500.000 tấn/năm, trang bị máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến. Không chỉ đủ năng lực chế biến hết lượng mủ khai thác, các nhà máy của VRG còn chế biến và gia công cho khối cao-su tiểu điền bình quân khoảng 80.000 tấn/năm. Cơ cấu sản phẩm cao-su của VRG đa dạng, có chất lượng cao và ổn định, phù hợp nhu cầu thị trường. Hiện nay, sản phẩm cao-su của VRG xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đang tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngoài lĩnh vực chính là trồng, chế biến, kinh doanh cao-su, VRG còn được Chính phủ cho phép hoạt động ở các ngành nghề khác: chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao-su, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực công nghiệp cao-su, các sản phẩm VRG hiện có gồm: Liên kết sản xuất lốp xe mang thương hiệu ***VRG; sản xuất nệm, gối cao-su; bóng thể thao các loại; găng tay; chỉ sợi cao-su; dây chuyền băng tải… Các sản phẩm này đang khẳng định được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước và quốc tế tin cậy. Ngoài các sản phẩm nêu trên, VRG đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, hợp tác sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao-su khác mà VRG có lợi thế và tiềm năng.

Lĩnh vực chế biến gỗ cũng là thế mạnh của VRG nhờ nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu bền vững. Các sản phẩm gỗ của VRG hiện có gồm: Ván MDF, gỗ ghép, gỗ tinh chế, gỗ cao-su… Hiện VRG cung cấp khoảng 50% nhu cầu gỗ MDF của Việt Nam và chiếm 30% thị trường gỗ phôi cao-su. Trong những năm tới, VRG tiếp tục tăng công suất các nhà máy chế biến gỗ hiện có, đầu tư các dự án khác, sản xuất những sản phẩm mới phù hợp khả năng vùng nguyên liệu và nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp đang được VRG đẩy mạnh phát triển. Các khu công nghiệp của VRG có lợi thế là nằm ở các khu vực kinh tế phát triển năng động, chi phí đầu tư rẻ, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, giá thuê đất cạnh tranh... Ngoài 12 khu công nghiệp hiện có với tổng diện tích 6.000 ha, định hướng trong những năm tới, VRG tập trung khai thác hiệu quả các khu công nghiệp hiện có, đồng thời mở rộng giai đoạn hai các khu đã có quy hoạch. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là một định hướng phát triển chiến lược của VRG nhằm tận dụng nguồn đất dồi dào, tăng hiệu quả sử dụng đất. VRG đã, đang chuyển một số diện tích đất trồng cao-su có điều kiện phù hợp, thuận tiện giao thông, gần nguồn nước sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐQT VRG Trần Ngọc Thuận cho biết: "Mục tiêu phát triển sắp tới của VRG là khẳng định vị thế Tập đoàn kinh tế công - nông nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam và khu vực trên quan điểm phát triển bền vững. VRG sẽ tập trung vào các định hướng phát triển chiến lược sau: Tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tăng dần giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm của VRG. Tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu các nguồn lực, đa dạng hóa sở hữu trong VRG để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường. Thực hiện tốt vai trò trong chương trình phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Việt Nam, bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng - an ninh trong phạm vi tổ chức sản xuất của tập đoàn. Ðồng thời, duy trì và phát huy các giá trị, thương hiệu, bề dày truyền thống của ngành cao-su, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững".

Ngành cao-su có những đóng góp to lớn vào công cuộc khôi phục, đổi mới và phát triển đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt công tác chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia. Ghi nhận đóng góp to lớn, bền bỉ của ngành cao -su Việt Nam qua các thời kỳ, năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đã được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng.

ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42016702-%C3%B0ong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-dat-nuoc.html