'Ông hoàng vật lý' Stephen Hawking nghiên cứu tới khi tim ngừng đập

Stephen Hawking, thiên tài Anh dành cả đời mình để vén mở những bí mật của vũ trụ, qua đời ngày 14/3 ở tuổi 76.

Thiên tài vật lý Stephen Hawking qua đời hôm qua sau hơn 50 chiến đấu với căn bệnh xơ cứng teo cơ. Ảnh: Getty Images.

Năm 1963, khi 21 tuổi và đang theo học cao học, Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, còn gọi là Lou Gehrig, căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể khiến ông bị liệt. Bác sĩ cho rằng, ông chỉ có thể sống thêm hai năm, nhưng dạng bệnh của ông lại phát triển chậm hơn bình thường và ông sống được thêm hơn nửa thế kỷ, dù phải ngồi trên xe lăn. Ông là một trong số những người mắc chứng bệnh này sống lâu nhất thế giới.

Là giáo sư của Đại học Cambridge, giáo sư Hawking tái định nghĩa vũ trụ học bằng việc cho rằng, các lỗ đen có phát ra một dạng bức xạ năng lượng và đây là nguyên nhân khiến nó có thể bốc hơi. Năm 1970, bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hawking là khi ông cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ và chỉ ra rằng, thời gian và không gian bắt nguồn từ vụ nổ Big Bang khoảng 13,7 tỷ năm trước.

Năm 1980, cuốn sách đầu tay của ông “A brief history of time” (Lược sử thời gian) thu hút sự chú ý của toàn thế giới và bán được hơn 10 triệu bản bằng 40 thứ tiếng và nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ Sunday Times của Anh trong vòng 237 tuần. Cuốn sách chỉ ra những điều căn bản về vũ trụ học cho người đọc phổ thông.

Sức khỏe của Hawking xấu đi, nhưng ông vẫn không chịu khuất phục nhờ ý chí sắt đá và những nghiên cứu miệt mài của mình. Năm 1985, ông trải qua phẫu thuật mở khí quản và mất khả năng nói. Ông phải truyền đạt ý tưởng của mình thông qua chiếc máy nói tổng hợp. Do đó, giọng của ông giống như người máy.

Stephen Hawking sinh ra tại Oxford ngày 8/1/1942, đúng 300 năm sau cái chết của nhà bác học Ý Galileo Galilei. Cha của Hawking là bác sĩ và mẹ là thanh tra thuế. Năm 9 tuổi, kết quả học tập của ông đứng gần cuối lớp. Mặc dù điểm số không tốt nhưng cả giáo viên và bạn bè đều thấy được tố chất thiên tài của ông, và mọi người thường gọi ông là Einstein. Ông ngày càng chứng tỏ năng khiếu nổi bật đối với các môn khoa học tự nhiên.

Sau này, Hawking tìm thấy nguồn cảm hứng từ bạn gái Jane Wilde. Ông bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên của mình, hoàn thành luận án về nguồn gốc vũ trụ rồi kết hôn với Wilde vào năm 1965. Hai người ly hôn năm 1991. Bốn năm sau, ông kết hôn với Elaine Mason, y tá của mình, sau đó ly dị năm 2007.

Đến năm 2017, Hawking đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ về tương lai của nhân loại và kết luận rằng, chúng ta nên lập kế hoạch để định cư ở các hành tinh khác. Ông nói với một nhóm nhà khoa học: “Đã đến lúc khám phá các hệ mặt trời khác. Tôi tin rằng con người cần phải rời Trái đất”.

Lan Anh (tổng hợp)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/ong-hoang-vat-ly-stephen-hawking-nghien-cuu-toi-khi-tim-ngung-dap-1250429.tpo