Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chưa từ bỏ tham vọng lập hãng bay chở hàng

Sau khi bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục xin Thủ tướng hỗ trợ lập hãng bay chở hàng chuyên biệt.

Ông Hạnh Nguyễn cho biết thấu hiểu sự khó khăn của các hãng hàng không và áp lực quản lý của Bộ Giao thông Vận tải nên sẵn sàng chia sẻ với các hãng trong bối cảnh hiện nay.

Trong lúc đợi thị trường phục hồi (dự kiến năm 2022) như báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch IPP Air Cargo kiến nghị Thủ tướng cho phép chuẩn bị các thủ tục để lập hãng bay chuyên biệt vận tải hàng hóa trong thời gian này. Đề xuất này giúp hãng có cơ sở xúc tiến các công việc như đàm phán, ký hợp đồng mua tàu bay với Boeing, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ để giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Hãng dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay vào năm 2022 (tùy theo tình hình dịch bệnh).

Đồng thời, ông cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trước đó, hôm 15/7, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp với Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và công ty cổ phần IPP Air Cargo. Sau cuộc họp, đại diện các hãng hàng không trong nước cùng cơ quan quản lý đều cho rằng việc lập hãng hàng không mới (bao gồm cả hãng hàng không chuyển chở hàng hóa) là chưa phù hợp khi thị trường khó khăn vì dịch bệnh.

"Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Bộ cũng đánh giá các hãng hàng không Việt Nam hiện hết sức khó khăn. Các doanh nghiệp đang phải cố gắng tìm mọi giải pháp để có nguồn thu để duy trì sự tồn tại, trong đó có vận chuyển hàng hóa. Các hãng đã phải chở hàng hóa trong bụng tàu bay, trên khoang hành khách và chuyển đối cấu hình một số máy bay chở khách sang chở hàng.

Cơ quan quản lý khẳng định các hãng cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam hiện nay. Trong những trường hợp nhu cầu đặc biệt, các hãng hoàn toàn có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa hoặc thuê tàu bay chuyên dụng. Theo báo cáo của Bộ, tính đến cuối tháng 6, các hãng đã hoán đổi cấu hình 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế để chở hàng trên khoang.

Về vấn đề này, ông Hạnh Nguyễn cho rằng giải pháp tháo ghế để chở hàng trên khoang khách chỉ là tạm thời, chưa phải hình thức vận tải hàng hóa chuyên nghiệp. Việc tận dụng tàu bay chở khách để chở hàng sẽ còn liên quan đến nhiều vấn đề như bảo hiểm, hiệu quả tài chính, an toàn hàng không... Đồng thời, khi thị trường hàng không phục hồi, các hãng quay lại phục vụ hành khách vẫn sẽ có khoảng trống trong vận tải hàng hóa.

"Việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên biệt là một mảng kinh doanh khác so với vận chuyển hành khác, đòi hỏi bộ máy hoạt động, quy trình vận hành hoàn toàn khác. Do đó, các hãng muốn vận chuyển hàng hóa cần phải xây dựng hệ thống riêng", Chủ tịch IPP Air Cargo nói.

Ông cũng nhắc lại mong muốn lập IPP Air Cargo để giành lại thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang bị các tên tuổi nước ngoài nắm giữ đến 83%. "Việc bảo hộ các hãng hàng không để dẫn tới không cấp phép cho các mới sẽ gây bất lợi với hình ảnh của nền kinh tế thị trường Việt Nam trên thế giới", doanh nhân này cho hay.

Sau IPP Air Cargo, Vietnam Airlines cũng vừa công bố ý định lập một hãng bay chở hàng riêng biệt. Theo lãnh đạo hãng, trong tháng 6, doanh thu chở hàng (thông thường chỉ chiếm 10%) đã vượt cả doanh thu chở khách. Đây là tiền đề cho Vietnam Airlines nghiên cứu lập một hãng bay chuyên chở hàng hóa sau dịch bệnh.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/ong-johnathan-hanh-nguyen-chua-tu-bo-tham-vong-lap-hang-bay-cho-hang-2930383.html