'Ông kẹ' George Soros

Các lời đồn theo dạng thuyết âm mưu có một điểm chung: rất nhiều thuyết cuối cùng kết tội George Soros là người bỏ tiền ra tài trợ cho âm mưu đang được kể.

“Ông kẹ” George Soros.

Gần đây nhất là Phó chủ tịch hãng Campbell Soup viết trên Twitter đoan chắc George Soros và quỹ Open Society Foundations của ông ta là nơi đứng ra tổ chức đoàn caravan những người di dân từ Trung Mỹ tràn vào nước Mỹ. Trước đó chính Tổng thống Donald Trump cũng viết Tweet cáo buộc Soros tài trợ cho các nhóm phản kháng thúc giục các Thượng nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu chống lại việc bổ nhiệm thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện Mỹ. Cả hai đều không dựa vào chứng cứ nào hết.

Trong hơn một thập niên qua, George Soros trở thành “ông kẹ” bất cứ khi nào có một sự cố, xì căng đan, biểu tình, tuần hành hay chiến dịch nào nổ ra, không sớm thì muộn thiên hạ sẽ đem tên ông ta ra để đổ hết mọi tội lỗi, mọi âm mưu mà không cần một mảy may bằng chứng. Vậy George Soros là ai, vì sao ông ta rơi vào tình cảnh này? Ông ta có vai trò gì thật sự trong chính trường nước Mỹ hay thế giới?

George Soros có tên trong danh sách 100 người giàu nhất thế giới, tài sản ròng cỡ chừng 8 tỉ đô la Mỹ. Ông người gốc Do Thái sinh ra tại Budapest, sống sót sau cuộc chiếm đóng Hungary của Đức quốc xã. Sau Thế chiến thứ hai, ông di cư sang Anh, học trường London School of Economics và làm giàu nhờ đầu tư vào chứng khoán cả ở Mỹ lẫn châu Âu.

Ở đây có một số yếu tố dẫn tới các thuyết âm mưu chung quanh Soros. Đầu thập niên 1990 ông đánh cược về đồng bảng Anh, lúc đó được chính phủ Anh giữ ở mức giá cao một cách giả tạo mặc dù nước này đang chịu lạm phát cao. Soros tin rằng trước sau gì đồng bảng Anh cũng bị phá giá nên đã vay đồng tiền này và bán ngay - tức cách đánh xuống mà giới đầu cơ thường áp dụng. Sau khi tiêu tốn nhiều tỉ bảng để chống đỡ, chính phủ Anh cuối cùng đầu hàng và Soros bỏ túi 1 tỉ đô la tiền lời từ phi vụ này, từ đó củng cố danh tiếng là nhà đầu cơ tiền tệ khét tiếng thế giới. Cũng với chiêu này, ông ta tận dụng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 1990 để tiếp tục làm giàu. Thủ tướng Malaysia hồi đó đã lên án Soros cố tình ép giá trị đồng tiền nước này sụt đến 15%. Sau khi phải phá giá đồng ringgit dưới áp lực đầu cơ, ông Mahathir Mohamad nói: “Chúng tôi không muốn quả quyết đây là âm mưu của dân Do Thái nhưng thực tế một người Do Thái đã khơi mào cho sự suy sụp của đồng tiền và tình cờ thay Soros là người Do Thái!”.

Gốc Do Thái, đầu cơ tiền tệ - chừng đó cũng đủ để nhiều người tin rằng George Soros đang đứng trong bóng tối, điều hành cả nền kinh tế toàn cầu, giật dây các chính khách, chi phối, thao túng sự thăng trầm của chứng khoán nhiều nước.

Yếu tố thứ nhì là Soros dành hầu hết tiền của cho Open Society Foundations, một quỹ phi lợi nhuận rót tiền cho các dự án hỗ trợ dân chủ và nhân quyền ở hơn 100 nước. Thoạt tiên quỹ này cấp học bổng cho sinh viên da đen ở một Nam Phi đang chìm trong thời kỳ phân biệt chủng tộc sâu sắc. Sau đó hoạt động của quỹ lan ra các nước Đông Âu, đặc biệt là Hungary, quê mẹ của Soros, như thành lập trường đại học. Từ đây các chính khách dân tộc chủ nghĩa của Đông Âu bắt đầu lên án các kế hoạch khuếch trương dân chủ của Soros. Nhân vật dân túy Hungary Istvan Csurka gọi Soros là con rối của Jerusalem; Tổng thống Jan Slota của Slovakia cáo buộc Soros gửi tiền bẩn về gây thanh thế; nhiều người khác tin rằng Soros là vũ khí phá hoại nền kinh tế toàn cầu của dân Do Thái. Có thể nói dấu tay của Soros trong nhiều xu hướng ở đây là có thật nhưng phần lớn các tác động này bị phóng đại lên trùm dưới lớp áo âm mưu.

Mỉa mai thay, ngày xưa Soros đầu cơ đánh xuống đồng bảng Anh - ngày nay ông lại đứng ra tổ chức một chiến dịch đòi trưng cầu dân ý lần thứ hai để dân Anh có cơ hội bỏ phiếu lại, đảo ngược chuyện Brexit 180 độ.

Tại Mỹ, đầu thập niên 2000, George Soros chống Tổng thống Bush mạnh mẽ, rót hơn 27 triệu đô la trong nỗ lực bất thành ngăn Bush tái cử năm 2004. Thế là dân bảo thủ bắt đầu dùng ông làm tấm bia đỡ đạn, hứng mọi tức giận của họ, dán cho ông ta những tấm nhãn như “kẻ cực đoan”, “cực kỳ nguy hiểm”, kẻ giật dây”... Cứ thế dòng thông tin và bình luận này kéo dài qua thời Obama khi Rush Limbaugh cho rằng Soros đang điều khiển Obama từ bên trong hậu trường. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, khi Soros quyên góp hơn 25 triệu đô la cho bà Hillary Clinton và các ứng cử viên đảng Dân chủ khác, chủ trang InfoWars gọi Soros là “kẻ ác” đứng đằng sau một tổ chức Mafia Do Thái, đang cố gắng lật đổ chính quyền dân cử.

Thường thì các lời đồn nghe hấp dẫn hơn, chẳng hạn, năm 2016 thiên hạ đồn George Soros làm chủ công ty sản xuất máy đếm phiếu bầu ở 16 tiểu bang ở Mỹ nên sẽ dễ dàng làm sai lệch kết quả kiểm phiếu. Năm 2017 nảy sinh lời đồn Soros tổ chức vụ bạo lực ở Charlottesville. Rồi khi các cầu thủ NFL quỳ gối khi đang cử quốc ca để phản đối phân biệt chủng tộc, người ta đồn Soros bỏ tiền xúi các cầu thủ để từ đó gây ra cuộc chiến màu da và lật đổ Trump!

Có thể thấy báo chí có xu hướng bảo thủ rất thích đăng tin bài về Soros, chỉ tính từ tháng 6-2016 đến tháng 3-2017, tên ông ta được nhắc đến gần 8.000 lần, theo tổng hợp của Vocativ - phần lớn các phân tích về ảnh hưởng của George Soros lên chính trường nước Mỹ là dựa vào dữ kiện nhưng lại thổi phồng tác động. Ví dụ đài truyền hình Fox News tường thuật vào tháng 3-2017 rằng Soros đã đóng góp 246 triệu đô la cho những người ủng hộ cuộc phản kháng, “A Day Without A Woman”- kiểu như ngày phụ nữ vùng lên. Trong khi nguồn mà Fox News trích dẫn nói rất rõ món tiền lớn này rót cho cả 100 tổ chức trong khoảng thời gian kéo dài 15 năm, kết thúc vào năm 2015.

Nguyễn Phan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281292/ong-ke-george-soros.html