Ông Kim Jong Un cải cách nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ điều hành kinh tế của Chủ tịch Kim Jong Un kể từ khi ông được bầu làm lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 12/2011.

“Các anh cần bao nhiêu máy, chủng loại gì để hỗ trợ cho công việc đồng áng, đừng ngần ngại báo lên tổ chức Đảng, Đảng sẽ làm hết sức mình. Hiện đại hóa toàn diện nông trang là nhiệm vụ cốt lõi giúp cho mọi lý tưởng của nông dân trở thành sự thật”, Chủ tịch Kim Jong Un phát biểu trong lần thăm nông trang Junghung ở thị trấn Samjiyo, tỉnh Yanggang giữa năm 2018.

 Nhà lãnh đạo xuống đồng trực tiếp kiểm tra chất lượng cây khoai tây ở nông trang Junghung (thị trấn Samjiyo, tỉnh Yanggang)

Nhà lãnh đạo xuống đồng trực tiếp kiểm tra chất lượng cây khoai tây ở nông trang Junghung (thị trấn Samjiyo, tỉnh Yanggang)

Đều đặn hàng năm, ông có những chuyến thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và đưa ra các chỉ thị giúp địa phương cơ sở vượt qua rào cản về cơ chế và ứng dụng khoa học.

Hiện trạng khó khăn

Năm 2011 khi ông Kim Kong Un lên nắm quyền, Triều Tiên được mùa. Kết quả đó giúp nước này giảm được một nửa số người dân không tự túc được lương thực, từ 6,1 triệu xuống 3 triệu người, theo số liệu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều đó không khỏa lấp được thực trạng lạc hậu trong khâu sản xuất. Mối liên quan sản lượng - điều kiện thời tiết, cộng hưởng với tình thế khát vốn và khoa học công nghệ khiến cho hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên bình diện cả nước không thể phát triển.

Theo đánh giá của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) năm 2018, Triều Tiên là 1 trong 40 quốc gia (31 quốc gia trong số đó ở châu Phi) còn cần phải trợ giúp lương thực từ nước ngoài. FAO cũng ước tính số dân thuộc diện này ở Triều Tiên lên đến 10,3 triệu người (khoảng 40% dân số). Thông tin từ bất kỳ nguồn nào cũng rất khó kiểm chứng, nhưng với tư cách là một tổ chức đa phương duy nhất và được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, FAO cho rằng trong năm 2019 Triều Tiên cần nhập khẩu 641.000 tấn lương thực. Năm 2018, Triều Tiên nhập khẩu 456.000 tấn, trong đó có 390.000 tấn nhập trực tiếp và 66.000 tấn là hàng viện trợ, vẫn theo số liệu của FAO.

Chủ tịch Kim thăm trại chăn nuôi gia súc Un Gok ở tỉnh Nam Pyongan

Trong một động thái hiếm hoi, năm 2018 Triều Tiên thừa nhận hạn chế của ngành nông nghiệp trong nước. Ngày 27/12/2018, tại cuộc họp với ngành Nông nghiệp, hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời người đứng đầu nội các Pak Pong Ju phê bình “không điều hành được lĩnh vực sản xuất hạt giống, quản lý ngành thiếu trách nhiệm và thiếu nghiêm túc trong việc phân phối lương thực”. Thủ tướng Pak nhấn mạnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phải nỗ lực “hoàn thành chỉ tiêu lương thực” trong kế hoạch 5 năm tới năm 2020.

Cải cách: Từng bước từ chính sách đến thị trường

Sau nhiều năm bị cô lập và chịu cấm vận kinh tế, nền nông nghiệp Triều Tiên đang cần được nâng cấp toàn diện, từ hạ tầng đến vốn và tiến bộ kỹ thuật. Lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự hợp tác và nguồn lực đầu tư lớn về dài hạn. Chẳng hạn, theo

Eximbank Hàn Quốc, Triều Tiên đã gửi nhiều cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại Trung Quốc để chuẩn bị nguồn nhân lực khi cải cách và mở cửa. Đồng thời, một số cải cách đã được ban hành và đưa vào thực tế. Theo đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều cải cách nhất trong nền kinh tế Triều Tiên những năm qua.

Chủ tịch Kim Jong Un trong một chuyến đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa

Đáng chú ý nhất là biện pháp cho phép nông dân được giữ lại một tỷ lệ sản phẩm để kích cầu sản xuất. Đây là sự thay đổi có tính tiệm tiến đến cơ chế kinh tế thị trường so với cơ chế người dân sản xuất ra bao nhiêu hàng hóa sẽ chỉ được bán cho cơ quan thương nghiệp nhà nước theo một mức giá ấn định. Reuters dẫn nguồn thông tin từ Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, “nông dân sẽ có động lực sản xuất ra nhiều lương thực hơn, họ được giữ lại 30 - 50% sản lượng (tùy theo từng vùng) và được phép tự do tích trữ hay tiêu thụ ra thị trường tự do”.

“Thành công đem lại phải được ghi nhận, nhiều nông trang đã tăng sản lượng được 15 - 20%”, Daniel Jasper - chuyên viên điều phối từ Tổ chức Hữu nghị Hoa Kỳ cho biết.

Năm 2014, Chủ tịch Kim Kong Un thông qua chính sách quản lý sản xuất nông nghiệp mới, lấy tổ hợp tác làm mô hình nòng cốt. Tổ hợp tác gồm 15 - 20 người, tổ trưởng chịu trách nhiệm điều hành hoạt động hàng ngày, chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện theo chỉ thị, hướng dẫn của các tổ chức đảng địa phương theo đúng tinh thần “tư tưởng Chủ Thể trong nông nghiệp”. Tiêu chí đặt ra với người được chọn làm tổ trưởng không chỉ đơn thuần là người có khả năng lãnh đạo, mà còn phải có kiến thức về phương thức canh tác nông nghiệp mới, biết sử dụng phương tiện sản xuất hiện đại và có tiềm năng lãnh đạo tương lai.

ĐỨC HUY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ong-kim-jong-un-cai-cach-nong-nghiep-post237073.html