Ông Kim Jong-un chơi 'lá bài Trump' để cảnh báo Trung Quốc?

Báo Observer nhận định phía sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ - Triều sáng 12.6 ở Singapore, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un chơi 'lá bài Trump' để ghi điểm cảnh báo Trung Quốc. Như thế nào?

Tờ Observer (Anh) ngày 10.6 nêu không ai có thể đoan chắc cuộc gặp này sẽ có kết quả như Mỹ hy vọng, đó là Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân (VKHN) để được Mỹ đảm bảo an ninh.

Chính phủ Mỹ đã nói rõ ý muốn Triều Tiên phải hoàn toàn từ bỏ chương trình VKHN, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) cùng một thỏa thuận hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vốn chỉ tạm ngưng bằng một hiệp định ngưng bắn ký năm 1953.

“Chỉ mất 1 phút để biết sự nghiêm túc của Triều Tiên”

Nhưng một điều chắc chắn là khi gặp ông Kim, Tổng thống Mỹ Donald ông Trump sẽ tin tưởng mình là một người hùng của một thời khắc lịch sử mà ông xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình 2019.

Cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều ở đảo Sentosa được cho là sẽ trở thành sân khấu của ông Trump, và nếu như không đạt được ý muốn, ông sẽ bỏ về ngay như ông đã dọa trước.

Ngày 9.6, trước khi rời Canada bay đến Singapore, Tổng thống Mỹ được hỏi sẽ mất khoảng bao lâu để ông nhận định ông Kim có nghiêm túc với ý định giải trừ VKHN hay không, ông Trump đáp: “Tôi sẽ biết ngay từ phút đầu tiên. Đấy là cảm nhận, là điều tôi làm. Và nếu tôi nghĩ nó sẽ không xảy ra, tôi không tính sẽ lãng phí thời gian của tôi. Tôi cũng không muốn lãng phí thời gian của ông ấy".

Tổng thống Trump cũng nói rõ cuộc gặp có thể chỉ là sự khởi đầu, và có thể không thành công hoặc sẽ mất một thời gian dài đàm phán.

Tuy nhiên theo Observer, ở cuộc đối thoại được thông tin rầm rộ nhưng chưa thể rõ sẽ có kết quả thế nào, giữa hai lãnh đạo có tính khí không thể đoán trước, ông Trump đã đặt một canh bạc liều lĩnh vào “một người ngoài cuộc”.

Hiện Mỹ xung khắc với các đối tác trong khối 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G-7) về các lĩnh vực thương mại, chương trình hạt nhân của Iran và sự thay đổi thời tiết toàn cầu, nên Nhà Trắng đặt cược vào một cuộc đột phá ngoại giao, nếu chặn được “kho súng” của Triều Tiên, thì có nghĩa dập tắt được sự chỉ trích Mỹ chỉ giỏi phá hoại các thỏa thuận quốc tế.

Ông Trump có thể gặp vận may, vì sau khi nắm quyền lực năm 2011, ông Kim tăng tốc phát triển VKHN tầm xa và năm 2017, ông nói đã có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Tiếp đó, Mỹ-Triều dọa nạt lẫn nhau, nhưng rồi Bình Nhưỡng đột ngột thay đổi thái độ, nhất là sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngỏ ý làm thân với Triều Tiên, ngược với thái độ cứng rắn của vị tiền nhiệm Park Geun-hye. Và có cả việc ông Trump tăng lời dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên.

Olympic mùa đông 2018 ở Hàn Quốc là thời điểm bước ngoặt. Ông Moon mời ông Kim cử đoàn Triều Tiên dự lễ khai mạc, và ông Kim cử em gái Kim Yo-jong tham dự. Quan hệ Hàn-Triều “tan băng” từ đó, hai lãnh đạo Hàn-Triều đã gặp nhau hai lần và có kết quả tích cực.

Ông Kim cũng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, tự nguyện phá hủy bãi thử VKHN và trả tự do cho 3 tù phạm người Mỹ. Ông Kim còn thay 3 tướng lĩnh được cho là chống đối chủ trương của ông, và Triều Tiên cũng ngưng những vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân.

Lúc 9 giờ sáng 12.6 tới ở Singapore, sẽ có cú bắt tay lịch sử giữa hai lãnh đạo Mỹ-Triều, mà theo Observer, cuộc gặp thuợng đỉnh này chính là thắng lợi của ông Kim, mà sau các động thái hòa giải kể trên, còn có các tính toán tỉnh táo của lãnh đạo Triều Tiên:

Cuộc gặp lịch sử sẽ giúp Triều Tiên có được gì nếu Bình Nhưỡng đồng ý dần dần giải giáp VKHN?

Observer nhận định, thứ nhất là ông Kim muốn Mỹ kết thúc trừng phạt Triều Tiên, tái đầu tư và viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, và một thỏa thuận hòa bình chính thức.

Thứ hai, khi “tặng” ông Trump sự vinh quang mà chủ nhân Nhà Trắng đang rất cần, ông Kim cũng muốn Mỹ bảo đảm không tấn công Triều Tiên, hứa không thay đổi chế độ của ông, phớt lờ chuyện ngược đãi nhân quyền, và Mỹ sẽ ủng hộ ông là lãnh đạo Triều Tiên vĩnh viễn.

Trung Quốc lo ngại Triều Tiên “nghiêng hết về phương tây”

Còn có những lý do chiến lược sâu hơn khiến ông Kim đổi thái độ. Cho đến nay, Mỹ thường xem Trung Quốc là “anh lớn của Triều Tiên, và Bình Nhưỡng luôn làm theo chỉ đạo của Bắc Kinh”.

Nhưng thực ra Bình Nhưỡng thường tự ý hành động và quan hệ Triều-Trung đã trở nên lạnh lẽo, nhất là sau khi Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn của LHQ giáng xuống Triều Tiên.

Điều bất thường là lãnh đạo Trung Quốc đã gặp ông Kim hồi tháng 3 và tháng 5.2018. Chủ tịch Tập Cận Bình lo ngại Triều Tiên có thể không còn là “vùng đệm” chắn giữa quân Mỹ với biên giới Trung Quốc, và Trung Quốc còn sợ Triều Tiên sẽ “nghiêng hết về phương tây”.

Trung Quốc cũng ngán một liên minh mới giữa Triều-Hàn và tệ hơn nữa là hai miền thống nhất và được Mỹ bảo vệ. Trong khi đó, Trung Quốc muốn tiếp tục chia rẽ hai miền Triều Tiên để Bắc Kinh vẫn duy trì ảnh hưởng với miền Bắc, đồng thời kiềm chế tầm ảnh hưởng của Mỹ ở miền Nam.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, ông Kim đã không còn ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh: Mỹ phải đóng các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc. Vì thế, cũng phải tính đến khả năng một ngày nào đó, Triều Tiên cũng muốn Mỹ bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Observer, ông Kim đang tận dụng khai thác những lo sợ của Trung Quốc. Và như Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 đã chơi “canh bạc Trung Quốc”, kéo dụ Bắc Kinh để đánh bật tầm ảnh huởng của Liên Xô, lãnh đạo Triều Tiên cũng có “lá bài Mỹ” để phát đi một sự cảnh báo sắc bén đến ông Tập Cận Bình.

Và trong những tính toán này của ông Kim, vai trò “người tác tạo hòa bình” của ông Trump sẽ hoàn toàn biến mất...

Trung Trực (theo Observer)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ong-kim-jong-un-choi-la-bai-trump-de-canh-bao-trung-quoc-89923.html