Ông Kim Jong Un và tham vọng tạo ra dấu ấn riêng

Điều lệ đảng Lao động Triều Tiên được sửa đổi gần đây có thể báo hiệu việc ông Kim Jong Un đang thay đổi nguyên tắc của tổ tiên để tạo dấu ấn riêng.

Trong những chính sách thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho ưu tiên người dân lên hàng đầu, là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc sửa đổi điều lệ của đảng cầm quyền.

Nikkei Aisa nhận định điều này cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang đặt mục tiêu tạo ra một bản sắc hoàn toàn khác so với cha và ông nội - những người tiền nhiệm ông tôn kính.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại đại hội đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8, trong bức ảnh do KCNA công bố ngày 11/1. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại đại hội đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 8, trong bức ảnh do KCNA công bố ngày 11/1. Ảnh: KCNA.

Thay đổi triết lý của tổ tiên

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên tự hào vì mang trong mình dòng máu Paektu (Bạch Đầu) - tên ngọn núi thiêng được dùng để ám chỉ gia tộc cầm quyền họ Kim.

Qua cách cư xử và ăn mặc, ông Kim Jong Un cho thấy muốn noi theo cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, tức ông nội mình.

Sau gần 10 năm, ông Kim Jong Un vẫn đang chật vật để củng cố quyền lực, tìm cách xây dựng di sản chính trị để đảm bảo vị thế của mình trong những thập kỷ tới, và đánh bại bất kỳ đối thủ nào cũng xuất thân từ ngọn núi thiêng.

Nikkei Asia dẫn nguồn thạo tin cho biết tại đại hội đảng vào tháng 1, đảng Lao động Triều Tiên đã loại bỏ các chú thích trong điều lệ liên quan đến "songun" - triết lý lấy quân đội làm đầu - và "juche" - tư tưởng tự cường cho rằng Triều Tiên phải tách biệt với thế giới.

Điều lệ đảng mới cũng xóa bỏ mục tài liệu tham khảo về di sản của Kim Nhật Thành và Kim Jong Il - cha của ông Kim Jong Un.

Điều lệ đảng cầm quyền Triều Tiên được coi có giá trị và tầm ảnh hưởng hơn hiến pháp. Điều lệ này được sửa đổi lần cuối vào năm 2016.

Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho biết Kim Jong Un đang chứng tỏ rằng ông là chính mình, thay vì dựa vào quyền lực của cha và ông nội.

Ban đầu, khi ông Kim Jong Un kế nhiệm cha mình là Kim Jong Il để trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 12/2011, ông nhấn mạnh rằng ông sẽ tiếp tục tôn vinh di sản chính trị của tổ tiên mình.

Trong di chúc cuối cùng, Kim Jong Il thúc giục con trai tiếp tục phấn đấu để thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới thời kỳ cầm quyền của họ Kim, và đưa Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân được công nhận. Ông cũng nhắc nhở con trai phải bảo vệ triết lý songun "cho đến cùng".

Ông Kim Jong Il và con trai Kim Jong Un. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, bản điều lệ đảng sửa đổi gần đây nhất lại tập trung ưu tiên người dân Triều Tiên. Bản thân Kim Jong Un đã nói về việc đặt "người dân lên trên hết" tại một số sự kiện quan trọng trước đó.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng bắt đầu tích cực sử dụng khẩu hiệu này sau đại hội đảng Lao động hồi tháng 1.

Những động thái gần đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên cho thấy ông ngày càng tập trung vào người dân. Ông liên tục cảm ơn và rơi nước mắt trước đám đông khi tham dự cuộc diễu binh vào tháng 10/2020.

Sự kiện được tổ chức sau vài tháng Triều Tiên phải gồng mình đối phó lũ lụt trên diện rộng và Covid-19.

Ông Kim Jong Un cũng gửi thiệp chúc mừng năm mới viết tay cho người dân để cầu chúc họ bình an, theo truyền thông địa phương.

Khó khăn nội bộ

Nikkei Asia nhận định thái độ khiêm tốn bất thường này có thể xuất phát từ lo ngại rằng chính người dân Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang oằn mình hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, cộng thêm biên giới với Trung Quốc đóng cửa vì đại dịch, ông Kim muốn xoa dịu nỗi thất vọng của công chúng bằng cách phá vỡ nguyên tắc lấy quân đội làm đầu của ông Kim Jong Il.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn xem vũ khí hạt nhân là "thanh gươm báu" để bảo vệ chế độ. Tuy nhiên, yếu tố này không được đề cập nhiều trong điều lệ đảng mới được sửa đổi.

Đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể chuyển hướng từ phát triển sang duy trì năng lực hạt nhân, đồng thời mong muốn hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ.

Trong điều lệ mới sửa đổi bổ sung, đảng Lao động Triều Tiên cũng loại bỏ các chú thích liên quan đến việc theo đuổi song song phát triển kinh tế và hạt nhân. Đây là chiến lược mà Triều Tiên bắt đầu xem xét lại vào năm 2018, khi tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Ông Kim Jong Un cùng vợ, bà Ri Sol Ju, viếng Cung điện Mặt trời Kumsusan ngày 15/4 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 109 của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Ảnh: KCNA.

Thay vào đó, các điều lệ mới kêu gọi khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn, trong bối cảnh Triều Tiên nỗ lực khắc phục hậu quả từ các lệnh trừng phạt kinh tế và muốn được quốc tế công nhận như một cường quốc hạt nhân hợp pháp.

Chính phủ Hàn Quốc tin rằng ông Kim Jong Un đã chuyển giao nhiều quyền lực hơn cho các trợ lý. Các điều lệ đảng mới được sửa đổi bổ sung dành thêm một vị trí là "bí thư thứ nhất".

Đây là vị trí bí thư cao cấp nhất trong số 7 bí thư của đảng. Vị trí này sẽ giúp chủ trì các cuộc họp của đảng, nhằm giảm bớt gánh nặng công việc cho ông Kim Jong Un.

Có thông tin đồn đoán rằng ông Jo Yong Won, một trong những trợ lý thân cận nhất của ông Kim và hiện là ủy viên thường vụ của Bộ Chính trị, sẽ được bổ nhiệm vào vị trí này.

Ông Jo có thể sẽ được giao nhiệm vụ thực hiện một số chính sách kinh tế tế nhị. Nếu ông Kim Jong Un tự mình xử lý các chính sách này và thất bại, điều đó có thể sẽ gây rủi ro cho cá nhân nhà lãnh đạo.

Ngoài ra, một số thông tin đồn đoán cho rằng vị trí này được định sẵn để dành cho Kim Yo Jong - em gái ông Kim Jong Un, hiện là thành viên Ủy ban Trung ương Đảng.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-kim-jong-un-va-tham-vong-tao-ra-dau-an-rieng-post1225647.html