Ông Kishida lao đao vì 'vấn đề Moonies'

Hơn một tháng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe, những vấn đề liên quan nguyên nhân vụ việc vẫn tiếp tục gây khó khăn cho Thủ tướng Fumio Kishida và đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP). Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề giáo phái Nhà thờ Thống nhất (còn gọi là Moonies).

Quan hệ giữa các thành viên đảng LDP, trong đó có nhiều thành viên nội các chính phủ, với giáo phái Moonies đã khiến cho uy tín của đảng này cũng như Thủ tướng Fumio Kishida sụt giảm mạnh. Tỉ lệ ủng hộ dành cho nội các của Thủ tướng Kishida ngay sau khi vụ án xảy ra đã giảm 12 điểm phần trăm, còn 52%. Tỉ lệ đó đến nay tiếp tục giảm xuống còn 36%, theo một cuộc thăm dò của tờ báo chính trị hàng đầu Nhật Bản Mainichi Shimbun - mức thấp nhất kể từ khi ông Kishida nhậm chức thủ tướng vào tháng 10 năm ngoái.

Thủ tướng Fumio Kishida.

Thủ tướng Fumio Kishida.

Tờ báo cho biết 54% không tán thành nội các, tăng 17 điểm phần trăm so với tháng trước. Đặc biệt, có đến 87% người được hỏi tin rằng mối quan hệ giữa đảng cầm quyền LDP với giáo phái Moonies là “có vấn đề”. Sự nổi giận của dư luận đã khiến Thủ tướng Kishida phải cải tổ nội các vào đầu tháng 8, thay thế một loạt thành viên có quan hệ với Moonies, trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, em trai cựu Thủ tướng Abe.

Thủ tướng Kishida bác bỏ việc giáo phái Moonies có bất kỳ ảnh hưởng nào lên hoạt động của chính phủ của ông nhưng không phủ nhận việc các thành viên nội các có quan hệ với giáo phái và khuyến cáo các thành viên chính phủ cũng như đảng LDP cần chấm dứt các mối quan hệ nguy hiểm này. Chánh Văn phòng nội các Hirokazu Matsuno nói với phóng viên báo chí: “Chúng ta nên chú ý đến các mối quan hệ với các tổ chức bị dư luận chỉ trích và cần phải giải quyết các mối quan tâm của mọi người”.

Các mối quan hệ giữa thành viên chính phủ cũng như đảng cầm quyền LDP với Moonies được dư luận Nhật Ban quan tâm và đặt nhiều câu hỏi ngay sau khi xảy ra vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hồi đầu tháng 7-2022. Hung thủ Tetsuya Yamagami đã khai với cảnh sát rằng y ám sát ông Abe vì ông có liên quan đến giáo phái Moonies. Nếu nạn nhân vụ ám sát không phải là ông Abe và hung thủ ám sát ông không khai rằng y ám sát ông vì ông có liên quan đến giáo phái Moonies thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với đảng LDP và Thủ tướng Kishida. Thực tế mà nói, ở Nhật Bản cũng như Hàn Quốc và một số quốc gia khác, như Mỹ, có không ít người từng có mối liên hệ với giáo phái Moonies. Đây là một giáo phái có phần mang tính “huyền bí” và được xem là một tà giáo. Nhưng, nó vẫn được nhiều chính khách quan tâm, móc nối vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có ông Abe và nhiều thành viên khác của đảng LDP.

Vậy ông Abe và nhiều chính khách Nhật Bản khác có liên quan đến giáo phái Moonies như thế nào?

Giáo phái Moonies có tên gọi chính thức là Liên đoàn Hòa bình Thế giới, hiện đổi tên là Liên đoàn Gia đình vì hòa bình và thống nhất thế giới, được thành lập tại Hàn Quốc vào năm 1954 bởi một giám mục tự xưng là “đấng cứu thế” tên là Sun Myung Moon. Với quan điểm, luận điệu kỳ quặc và chống chủ nghĩa cộng sản, Moonies nhanh chóng “kết giao” với một số chính khách diều hâu trên thế giới, trong đó có các Tổng thống Mỹ như Richard Nixon, Ronald Reagan, George HW Bush và gần đây nhất là Donald Trump.

Moonies hoạt động ở Nhật Bản kể từ khi nó được khuyến khích tham gia phong trào chống cộng của đất nước này. Năm 1967, Sun Myung Moon đã gặp ông Nobusuke Kishi, ông ngoại của ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản thời hậu chiến, ở một nơi gần núi Phú Sĩ (Fuji) và cùng nhau thảo luận về việc tôn vinh các giá trị gia đình, về quan điểm chống chủ nghĩa cộng sản và nhiều vấn đề khác mang tính bảo thủ. Giới chuyên gia cho rằng cuộc gặp ban đầu đó và những chia sẻ quan điểm giữa hai bên đã đặt nền móng cho mối quan hệ lâu dài về sau này giữa giáo phái Moonies với LDP.

Từ khi du nhập vào Nhật Bản, giáo phái Moonies gặp được vùng đất mới và phát triển rực rỡ hơn cả gốc gác ở Hàn Quốc. Người ta ước tính hiện có đến hàng trăm nghìn người Nhật Bản theo giáo phái này. Mối nguy hiểm cho người theo giáo phái này chính là vấn đề mà hung thủ giết ông Abe đã tuyên bố trên mạng xã hội trước khi ra tay rằng chính giáo phái Moonies đã “bám riết”, làm cho bà ấy thường xuyên “cống nạp” tiền bạc cho giáo phái, từ đó dẫn đến việc gia đình bị phá sản. Điều này đã được minh chứng qua lời kể của nhiều người từng là nạn nhân của Moonies cũng như qua điều tra của các tổ chức bảo vệ quyền con người ở Nhật Bản. Mạng lưới Luật sư quốc gia chống buôn bán tâm linh (NNLASS) của Nhật Bản, một nhóm gồm 300 luật sư đại diện cho những người tuyên bố họ đã bị thiệt hại tài chính vì Moonies, cáo buộc giáo phái này đã tẩy não các tín đồ để buộc họ giao nộp số tiền khổng lồ.

Một cuộc khảo sát của hãng thông tấn Kyodo cho thấy 106 trong số 712 nghị sĩ Nhật Bản có mối liên hệ nào đó với giáo phái Moonies, gần 80% trong số họ thuộc đảng LDP. Và ít nhất 5 thành viên trong nội các hiện tại của Thủ tướng Kishida có quan hệ với giáo phái này, bao gồm các Bộ trưởng Y tế, Nội vụ, Quốc phòng, cùng hàng chục quan chức cấp cao khác, bao gồm cả ông Koichi Hagiuda, người đứng đầu chính sách mới của đảng LDP. Ông Hagiuda thừa nhận rằng ông đã đến thăm một cơ sở liên kết với nhà thờ với một ứng cử viên LDP trước cuộc bầu cử thượng viện gần đây.

Riệng cựu Thủ tướng Abe, dư luận cho rằng không chỉ là mối quan hệ từ rất lâu đời, thời ông ngoại của ông, mà bản thân ông cũng có mối liên hệ nhất định với Moonies. Người ta dẫn chứng một thông điệp video ông gửi cho giáo phái Moonies năm 2021, khi còn là thủ tướng, ông Abe đã ca ngợi giáo phái này do đã tôn vinh các giá trị gia đình. Mối quan hệ và thái độ ủng hộ giáo phái của ông Abe được cho không chỉ là nguyên nhân chính khiến ông bị ám sát mà còn là lý do khiến cho một bộ phận không nhỏ (có đến 53%) công chúng Nhật Bản không đồng tình việc Chính phủ Nhật tổ chức quốc tang cho ông.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/ong-kishida-lao-dao-vi-van-de-moonies-i665660/