Ông lão 77 tuổi và hành trình hơn chục năm chống tham nhũng

Từ khi gửi đơn tố cáo cán bộ địa phương tham nhũng, ông Phạm Văn Tuấn (77 tuổi, xóm Nam Hưng, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) đã nhiều lần bị đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí hành hung. Dù vậy, ông vẫn không nản. Sau hơn chục năm kiên trì theo đuổi, đến nay một số lãnh đạo địa phương đã bị khởi tố, nhà nước cũng thu hồi được gần 3 tỉ đồng thất thoát.

Thấy khuất tất là phải làm sáng tỏ

Trong xóm núi âm u tĩnh mịch, căn nhà của vợ chồng ông Tuấn nằm vắt vẻo lưng chừng núi. Trước nhà là những luống chè nối dài tít tắp. Khi ấy, ông Tuấn đang dọn dẹp nhà cửa, còn vợ hái chè. Căn nhà của gia đình ông Tuấn rộng chừng 15m2. Trong nhà, ngoài bộ máy tính cũ kỹ, có lẽ tài sản có giá trị nhất của gia đình ông là chiếc xe máy Tàu cũng rất cũ. Ông bảo, chiếc xe đó là cần câu cơm của gia đình bởi mọi tài sản đã dùng làm lộ phí để chống tham nhũng.

Ông Tuấn ở Tân Cương từ năm 2004. Ở đây, ông sống hòa đồng với mọi người. Thế nhưng, khi tiếp xúc với bà con, chính quyền địa phương, ông phát hiện ra lãnh đạo xã có nhiều khuất tất trong thu chi. Số tiền tham nhũng tập trung trong đấu thầu sử dụng đất, bán đất, xây dựng đường bê tông, trường học, môi trường và ông tiến hành thu thập tài liệu.

Từ năm 2005, ông cùng một số người dân cùng xã tố cáo một số cán bộ địa phương, đứng đầu là Chủ tịch UBND xã, khi đó là ông Phạm Quốc Việt liên quan chuyển nhượng và bán đất trái quy định lên đến hàng trăm ha; tự lập các dự án để bán đất của địa phương; xác nhận khống những người không tham gia chiến tranh để chạy thương bệnh binh giả...

Nhận được đơn, Thanh tra TP. Thái Nguyên tiến hành thanh tra toàn diện tại UBND xã Tân Cương. Thế nhưng, lạ một nỗi, sau hơn 2 tháng thanh tra, Đoàn kết luận: “Chưa phát hiện ra sai phạm” tại UBND xã Tân Cương. Đoàn cũng cho rằng, những nội dung tố cáo của ông Tuấn không có căn cứ. Không đồng ý với kết luận của UBND thành phố Thái Nguyên, ông tiếp tục gửi đơn tới UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan như Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ...

Ngay sau đó, UBND tỉnh đã cử đoàn thanh tra về làm việc tại xã Tân Cương. Tại đây, Đoàn đã phát hiện lãnh đạo địa phương rút ruột 700 tấn xi măng làm đường bê tông tại các thôn; Thanh tra tỉnh cũng làm rõ việc chia lô, bán 46ha đất nông nghiệp sai quy định cho quan chức địa phương; phát hiện Đảng ủy xã móc ngoặc với HTX Phúc Lợi bán 20ha đất đai rừng để xây dựng nhà máy tái chế dầu thải trái luật. Ngoài ra, từ đơn tố cáo của ông, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã làm rõ đường dây mua bán huân, huy chương, bằng khen, làm chế độ thương binh giả mà lãnh đạo địa phương là một mắt xích quan trọng...

Với những sai phạm đã phát hiện được, Đoàn kiểm tra đã chuyển cơ quan CSĐT làm rõ. Đến cuối năm 2015, Cơ quan CSĐT Thái Nguyên đã khởi tố một số vụ án liên quan đến lãnh đạo xã Tân Cương. Một số cán bộ địa phương đã bị xử tù hoặc cách chức, thu hồi gần 3 tỉ đồng. Các cơ quan chức năng của Thái Nguyên và TƯ đã có nhiều văn bản đề nghị khen thưởng cho ông Tuấn.

Gian nan mấy ai hiểu

Với những người tố cáo, thì chuyện bản thân, gia đình bị đe dọa là thường. Đến giờ, ông cũng không hiểu nổi tại sao thời điểm ấy mình lại “gan dạ” như vậy. Bởi từ năm 2005 - 2006, khi biết ông là người gửi đơn tố cáo, ông và gia đình thường xuyên bị đe dọa. Ông kể: “Ban ngày, cứ 15 phút lại có cuộc điện thoại nặc danh gọi đến, bảo vợ con tôi sẽ bị tai nạn, hoặc trả thù. Đêm đến, những kẻ trong bóng tối lại ném gạch đá, phân và nước tiểu thậm chí đập phá cửa nhà tôi. Vợ con đi đâu cũng bị dọa nạt, thậm chí cổng nhà còn bị treo giấy với dòng chữ “hãy coi chừng!”.

Để đảm bảo an toàn cho gia đình, ông phải bán nhà mặt đường vào ở nhà nhờ nhà bố mẹ vợ trong một góc núi. Từ đó, những vụ trả thù bằng mắm tôm, trứng thối, gạch đá không còn nữa. Thế nhưng, các đối tượng trên vẫn chưa buông tha, chúng tìm mọi cách để ngăn cản ông, thậm chí còn đánh “dằn mặt”. “Một ngày cuối năm 2006, tôi đang đi đường liên xã, thì một chiếc xe máy chở 2 người bám theo. Đến chỗ khuất, chúng ép xe tôi vào lề đường. Một người hô “Đúng lão rồi. Đánh chết nó đi”. Thế là chúng đấm, đá vào đầu, vào mặt và bụng tôi. Thậm chí chúng còn dùng cả gạch đá để hành hung tôi. Tôi kêu lên: Các anh nhầm người rồi. Nhưng chúng chẳng dừng lại mà tiếp tục hành hung tôi. Một lúc, khi thấy có ánh đèn xe của người dân chạy đến, chúng mới bỏ đi. Người dân đưa tôi đi viện cấp cứu, công an xã, huyện cũng đã đến lấy lời khai rồi chìm vào quên lãng. Mấy tháng sau, tôi mới phục hồi sức khỏe”, ông Tuấn kể lại.

Không chỉ bản thân, gia đình gặp nguy hiểm khi ông tố cáo cán bộ địa phương, mà vấn đề khiến nhiều người cũng phải bỏ cuộc đấy là kinh phí. Nói rồi, ông lấy cho chúng tôi xem một tập đơn tố cáo rất dày, ước chừng cũng phải 5kg. Ông bảo, đó là số tài liệu thu thập được để gửi đên cơ quan chức năng. Với mỗi đơn vị, ông lại gửi một bộ hồ sơ. Ông gửi từ các đơn vị thuộc huyện, tỉnh, đến hàng chục cơ quan TƯ và tới các cơ quan báo chí. Nếu đơn vị nào chưa hồi âm, ông lại gửi lại. Tính ra, ông đã gửi tới hàng trăm bộ hồ sơ, với khối lượng lên tới vài trăm kilogram giấy.

Để có tiền làm kinh phí tố cáo, ông đã dùng chính số tiền bán nhà của gia đình. Trước khi chuyển về Tân Cương, ông có căn nhà ở TP. Thái Nguyên. Năm 2004, ông bán căn nhà đó được 200 triệu đồng, rồi mua một mảnh đất ở Tân Cương (giá 40 triệu đồng) và chuyển về đó sinh sống. Số tiền còn lại ông gửi tiết kiệm.

Ở Tân Cương, gia đình ông không có ruộng nương nên có cửa hàng tạp hóa nhỏ. Nhưng do sự đe dọa của các đối tượng giấu mặt, ông đành bán nhà chuyển vào núi. Để mưu sinh, ngày ngày vợ ông đi hai chè thuê. Còn ông, chạy xe ôm hoặc ai thuê gì làm nấy. Số tiền kiếm được chỉ đủ lo sinh hoạt trong gia đình. Bà con trong xóm cùng nhau góp tiền để hỗ trợ ông photo giấy tờ và xăng xe đi lại, nhưng ông từ chối mà rút dần từ sổ tiết kiệm. “Cũng may là những kẻ tham những đã được đưa ra ánh sáng, nếu không tôi chẳng biết lấy tiền đâu để tố cáo nữa, bởi số tiền còn lại do bán nhà đã hết”, ông Tuấn tâm sự.

Bà Phạm Thị Thoa, vợ ông Tuấn là người chứng kiến mọi khó khăn vất vả của chồng trong từng ấy năm. Với bà, những ký ức sợ hãi, kinh hoàng sẽ mãi không phai trong tâm trí. “Nói ra thì sợ chồng lo lắng, nhưng có ai biết chúng tôi sợ hãi như thế nào. Thời gian đầu, mỗi khi màn đêm buông xuống, cả gia đình tôi sống trong sợ hãi. Tôi chỉ biết ôm con để tránh mái ngói vỡ rơi vào đầu, nhất là những hôm chồng tôi đi vắng. Nhất là khi chồng tôi bị hành hung gây thương tích tôi nghĩ rằng các đối tượng xấu không còn đe dọa nữa mà đã hành động. Vì vậy, nguy cơ với gia đình tôi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi đã từng không ít lần khuyên ông ấy bỏ cuộc. Nhưng rồi, tôi thấy dù bị hành hung, ông ấy vẫn không nản chí. Vì vậy, tôi cũng không ngăn cản nữa mà quyết tâm đồng hành cùng chồng chống tiêu cực, giúp ông ấy có thêm động lực”, bà Thoa chia sẻ.

Chưa từng có ý nghĩ bỏ cuộc

Hiểm nguy, vất vả là vậy nên không phải ai cũng kiên trì, bám trụ được như ông Tuấn. Vì vậy, từ năm 2005, cùng đồng hành chống tiêu cực với ông còn có 6 người nữa. Thế nhưng, không chịu nổi những lời đe dọa, khủng bố tinh thần, nên nhiều người đã rút lui. Chỉ còn mình ông đơn thương độc mã chống chọi với những đối tượng bị tố cáo. “Một mình tôi vẫn không ngại. Tôi chỉ sợ tham nhũng còn nhiều, mà sức mình lại càng yếu thôi”, ông chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết, bản thân ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ mà sẽ vẫn tiếp tục trong cuộc chiến chống tham nhũng. Vì vậy, ngoài những giờ lao động ông miệt mài đọc sách báo về luật pháp, tìm hiểu các điều luật liên quan. Ông bảo, làm như vậy thì mình mới nắm được những quy định của pháp luật và phát hiện sai phạm của kẻ tham nhũng. Ông Tuấn chia sẻ: “Muốn chống tham nhũng phải biết họ tham nhũng chỗ nào, lách luật ra sao. Hơn nữa, hiểu được luật pháp không chỉ tránh được bị phản kiện mà đảm bảo được thủ tục theo quy định luật pháp hiện hành nên cơ quan chức năng khó có lý do để từ chối giải quyết”.

Hiện nay, ông Tuấn là một trong những người được người dân địa phương tin tưởng. Mỗi khi ở làng có việc gì khúc mắc, người dân đều nhờ đến ông. Ngược lại, ông cũng rất nhiệt tình tư vấn, chỉ dẫn cho người dân. Thậm chí, người dân chỉ cần gọi điện, bảo đang khúc mắc vấn đề gì là ông sẵn sàng phi xe máy tới tận nơi giải đáp, bởi sợ bà con tốn tiền điện thoại. “Càng tố cáo, tôi lại có cơ cơ hội tiếp cận được nhiều tài liệu liên quan đến sai phạm của lãnh đạo địa phương. Vì thế, vụ này chưa xong, lại liên quan đến vụ khác. Nhiều lúc cũng đau đầu, mệt mỏi, nhưng nghĩ tới những kẻ là lãnh đạo ngày ngày đục khoét, lấy tiền của nhà nước mình không đành lòng nên lại cố”, ông chia sẻ.

thùy hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ong-lao-77-tuoi-va-hanh-trinh-hon-chuc-nam-chong-tham-nhung-621319.ldo