Ông lão 90 tuổi 20 năm 'gánh' đơn đi tìm công lý: 'Trống đánh xuôi kèn thổi ngược'

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, cụ Lý Văn Hơn có đủ cơ sở pháp lý chứng minh nguồn gốc 208 ha đất đó thuộc quản lý của mình.

Sau khi Pháp luật Plus có bài phản ánh vụ việc cụ Lý Văn Hơn (90 tuổi, ngụ tại 3/10 đường Hoàng Minh Chánh, ấp Đồng Nai, xã Hóa An TP Biên Hòa, Đồng Nai) dành hơn 20 năm "gánh đơn" gõ cửa các cơ quan công quyền tỉnh Đồng Nai xin lại 208 ha đất trồng cao su tại xã Tam An, huyện Long Thành không được xử lý khiến bạn đọc vô cùng bức xúc.

Cụ Lý Văn Hơn đau đáu nỗi niềm đi tìm công lý.

Cụ Lý Văn Hơn đau đáu nỗi niềm đi tìm công lý.

Ngày 10 tháng 3 năm 2000, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn số 77.CV/UBT có nêu chi tiết: Theo kiểm tra và đo đạc của TTKT Địa Chính thì hiện trạng khu vực đất tranh chấp của ông Lý Văn Hơn còn lại có thể cấp được là: 172 ha (bao gồm đất trồng, đất trồng tràm, trồng cỏ…”).

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, ngày 07 tháng 8 năm 2000, ông Ao Văn Thinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ban hành quyết định số 2096/ QĐCT – UBT với nội dung: “Không chấp nhận khiếu nại của ông Lý văn Hơn về việc đòi lại 195,38 ha”.

Đặc biệt, việc ban hành quyết định 2096/QĐCT- UBT không chấp nhận khiếu nại đơn của cụ Hơn cũng không có lý do cụ thể nào được đưa ra.

Tại sao lại có tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai? Sự thiếu thông nhất trong xử lý công việc khiến cụ Hơn phải chờ gần 20 năm không được giải quyết ai chịu trách nhiệm? Sau khi ban hành công văn UBND tỉnh Đồng Nai cũng không thông báo cho cụ Hơn, không trả lời khúc mắc mà cụ kiến nghị suốt 20 năm... điều gì đó đang bất thường trong đây?.

Phần đất mà cụ Hơn cho rằng thuộc quyền sở hữu của gia đình.

Sự việc chưa ngã ngũ, năm 2013 Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai “ngang nhiên” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 34 ha đất (do ông Lê viết Hưng ký) cho Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai trên phần đất 208 ha cụ Hơn quản lý trước đó.

Phức tạp hơn ở chỗ, năm 2017 – 2018, hơn 40 hộ dân mặt đường quốc lộ 51 lại được Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai phân lô, bán nền và được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ xây nhà thật khó hiểu?

Đến nay, vụ việc đã được phản ánh trực tiếp tới UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT tỉnh, Thanh tra tỉnh nắm bắt tình hình, từ đó, phóng viên tiếp cận hồ sơ, hướng xử lý dứt điểm vụ việc của cụ Hơn, thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ phản hồi bằng vài từ “đang đợi rà soát”.

Việc báo chí phanh phui vụ việc có dấu hiệu sai phạm của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TNMT tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận 34 ha/ 208 ha đất trồng cao su của gia đình cụ Hơn cho Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai khi đang tranh chấp được phơi bày và cần câu trả lời từ chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Để có thông tin khách quan về vụ việc, phóng viên đã trao đổi trực tiếp vụ việc cùng luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật tại Hà Nội.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết: “Việc cụ Hơn có đủ cơ sở pháp lý chứng minh nguồn gốc 208 ha đất đó thuộc quản lý của cụ thì không ai có thể xâm phạm quyền lợi sở hữu đất đó được, trừ khi nhà nước có chính sách, kế hoạch, dự án rõ ràng...

Cụ thể: Căn cứ Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

Thứ nhất: Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

Thứ ba: Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.

Thứ tư: Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

Thứ năm: Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu: Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

Thứ bảy: Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

Do đó, theo quy định này thì ông Lý Văn Hơn đương nhiên là người có quyền sử dụng đất hợp pháp và được Nhà nước bảo vệ.

Thứ hai, theo điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết. Như vậy, để bảo vệ quyền của mình ông Lý Văn Hơn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết – Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định.

Thiết nghĩ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lý Văn Hơn đã được thể hiện đầy đủ trong các các tài liệu liên quan. UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT tỉnh, Thanh tra tỉnh…cần giải quyết dứt điểm vụ việc đã kéo dài, và cũng mong Chính phủ vào cuộc xử lý “đại án” dai dẳng này.

Khắc Vân

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ong-lao-90-tuoi-20-nam-ganh-don-di-tim-cong-ly-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-d107486.html