Ông lão gần 20 năm tình nguyện canh giữ Ô Quan Chưởng: 'Tôi sẽ trông coi cho tới khi nào sức cùng lực kiệt'

Suốt gần 20 năm qua, ông Tạ Văn Nhân vẫn luôn thầm lặng trông coi và quét dọn Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa.

Người trông cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành Thăng Long sau 270 năm

Gần 20 năm nay, cứ đều đặn 6 giờ sáng bất kể ngày mưa nắng hay giá rét, ông Tạ Văn Nhân (72 tuổi) lại cầm chổi ra cửa ô Ô Quan Chưởng quét dọn, trôm nom sạch sẽ. Với người Hà Nội, Ô Quan Chưởng (tên gọi xưa Ðông Hà Môn, nay thuộc quận Hoàn Kiếm) không chỉ là di tích, đây còn là nơi chất chứa những nỗi niềm.

Hình ảnh cửa ô Ô Quan Chưởng xưa. Ảnh tư liệu.

Hình ảnh cửa ô Ô Quan Chưởng xưa. Ảnh tư liệu.

Kinh thành Thăng Long - Hà Nội trước kia từng có đến 21 cửa ô. Thế nhưng theo thời gian, chỉ còn lại duy nhất cửa ô này. Nơi đây còn ghi dấu ký ức oai hùng, khi quân Pháp nổ súng tiến công thành Hà Nội năm 1873, một vị Chưởng cơ cùng đội quân của mình đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng.

Ô Quan Chưởng như một chứng nhân, ghi dấu những biến thiên lịch sử, mang bóng dáng xưa của kinh thành. Giờ đây, Ô Quan Chưởng đã thấm đẫm vết hằn của thời gian, dương xỉ, rêu xanh bao phủ lên những bức tường gạch sần sùi, lồi lõm đã chuyển màu đỏ cổ kính.

Gần 20 năm qua ông Nhân tình nguyện đứng ra trông nom cửa ô còn sót lại duy nhất tồn tại 270 năm.

Hằng ngày ông Nhân mang chổi ra quét dọn.

Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì, kiên nhẫn bởi phải tiếp xúc, va chạm với nhiều người.

Những tấm cửa gỗ cũng bạc màu vì năm tháng. Thế nhưng Ô Quan Chưởng vẫn luôn là bằng chứng lịch sử nhắc nhở về tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân chống giặc ngoại xâm và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Nơi đây có một người đang ngày ngày lặng lẽ chăm sóc di tích này. Đó chính là ông Nhân.

Clip: Ông Nhân kể về công việc gần 20 năm tình nguyện canh giữ cửa Ô Quan Chưởng.

Ngồi chia sẻ với chúng tôi, ông Nhân rất am hiểu về cửa ô còn sót lại duy nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Ông Nhân kể, Ô Quan Chưởng không như những di tích khác, có khu vực khoanh vùng bảo vệ riêng. Nơi đây cuộc sống sôi động thường ngày vẫn diễn ra, xe cộ vẫn đi lại tấp nập. Chiếc vòm cổng là nơi dừng chân tránh nắng của nhiều hàng rong và khách bộ hành. Nhưng đôi khi người đi qua, rác ở lại. Ông Nhân là người đứng ra thu dọn để nơi đây luôn sạch sẽ, cổ kính trong mắt du khách quốc tế và những người yêu mến Hà Nội.

Ông Nhân vui vẻ khi kể những kỷ niệm về Ô Quan Chưởng.

Cơ duyên trông coi cửa ô duy nhất của Hà thành đến với ông Nhân thật tình cờ và duyên nợ. Ông Nhân sinh ra và lớn lên chỉ cách cửa ô này khoảng 50m. Từ thời chăn trâu cắt cỏ ông cùng chúng bạn và các thế hệ đã thấy Hà Nội có nhiều đổi thay riêng Ô Quan Chưởng thì vẫn cổ kính như vậy. Cách đây 20 năm nhiều cây dại mọc hoang, mùa mưa rễ cây bám xum xuê ra cả tường gạch rêu phong. Trước đây cửa ô thường bị lấn chiếm, phóng uế, cơ quan chức năng đã nhờ bao nhiêu người tới trông coi nhưng cứ đến rồi đi mà không ai bám trụ được lâu.

Trong lúc cơ quan chức năng đang loay hoay tìm người thì ông Nhân xung phong đứng ra trông coi cửa ô. Hằng ngày ông Nhân không chỉ quét dọn lá cây mà còn ngăn không cho hàng rong, cửa hàng lấn chiếm mặt tiền di tích. Công việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều cứ tưởng dễ nhưng khó vô cùng.

Bia đá viết về sự ra đời của cửa ô Ô Quan Chưởng.

Cửa Ô Quan Chưởng được công nhận di tích lịch sử.

Trước đây Ô Quan Chưởng được gọi là cửa Ðông Hà Môn.

Những bức tường rêu phong nhuốm màu thời gian.

“Nhà tôi ngay gần đây nên hàng ngày đều ra trông coi quét dọn hoa, lá rụng xuống. Nhiều khách du lịch đi qua, rồi gánh hàng rong, tôi phải nhắc nhở thường xuyên các hộ kinh doanh gần đó để đảm bảo không làm bẩn cũng như gây tổn hại cho cửa ô này”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, trông coi Ô Quan Chưởng không phải là công việc vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên trì, kiên nhẫn bởi trong công việc phải tiếp xúc, va chạm với nhiều người. Bao nhiêu năm trông giữ cửa ô cuối cùng của Hà Nội, không ít lần ông Nhân gặp phải những khó khăn khi nhắc nhở những người vứt rác, trèo tường. Thế nhưng, với bản lĩnh của một người lính đã từng đi qua chiến tranh đã không làm khó được ông.

Toàn bộ cửa, kiến trúc Ô Quan Chưởng đều được gìn giữ nguyên bản.

“Có nhiều lần tôi nhắc nhở không cho bán hàng rong, xả rác ra di tích nhưng bị người ta chửi lại. Thậm chí có người đêm tối tranh thủ lúc không có người phóng uế bừa bãi tôi bắt gặp nhắc nhở họ còn gây sự. Nhiều lúc giận lắm nhưng cũng đành gạt đi để làm việc chung”, ông Nhân kể.

“Tôi sẽ trông coi cửa ô này đến khi không còn sức khỏe nữa”

Thời gian đầu không ít người quen khuyên ông kiếm công việc khác để làm, vừa nhẹ vừa ít va chạm nhưng ông Nhân quyết bám trông nom cửa ô. Có thời điểm liên tục cứ sáng ra ông Nhân phải thu nhặt cả kim tiêm của mấy người nghiện quăng ở mặt tiền di tích. Sau ông phải trực cả đêm để thẳng mặt đứng ra nhắc nhở những người thiếu ý thức. Thế rồi tình trạng đó sau này không còn xảy ra nữa.

Công việc trông coi của ông Nhân diễn ra từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

Ngay dưới chân Ô Quan Chưởng có một lối cầu thang đá nhỏ và lối để lên lầu trên. Nhưng phải được sự cho phép của ban quản lý, ông Nhân mới mở cửa để du khách lên tham quan. Thỉnh thoảng cũng có những người dân muốn lên để cúng quan, ông cũng linh động mở cửa cho họ. Có những vị trí gỗ đã lâu và được dựng lại không chắc chắn nên mỗi khi có người lên, ông lại đi theo để kiểm tra, đề phòng nhỡ có chuyện gì không hay.

Đếp dịp ngày Rằm, mùng 1 hàng tháng, ông đều tất bật chuẩn bị hương khói cúng các quan. Đó như một sự biết ơn và thể hiện lòng thành kính với vị anh hùng đã hi sinh vì nước nhà.

Ông Nhân chỉ một số vị trí trên thành cửa bị ô tô cỡ lớn va chạm gây bong vữa.

Ông Nhân cười kể gần 20 năm trông coi cửa ô hàng tháng ông đều có lương. Theo ông gọi là lương nhưng số tiền ấy không đáng là bao. Tháng đầu tiên trông nom cửa ô, ông Nhân chỉ nhận được hơn 100.000 đồng, đến nay tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

“Số tiền 1,8 triệu đồng mỗi tháng cũng chỉ đủ tiền cho tôi ăn sáng, uống nước hằng ngày. Thế nhưng vì muốn giữ cửa ô còn sót lại cuối cùng của thủ đô tôi vẫn làm công việc này. Giờ mà bảo chắc chẳng ai đứng ra làm như tôi”, ông Nhân cười nói.

Ông Nhân cho biết sẽ làm công việc này đến khi không còn sức khỏe.

Một năm 365 ngày ông làm đủ cả, kể cả mùng 1, mùng 2 Tết ông Nhân vẫn đứng ra trông nom. Chính vì thế nơi đây luôn sạch sẽ mỗi ngày để du khách, người yêu thích Hà Nội chụp những bức ảnh kỷ niệm cửa ô duy nhất này. Khách nước ngoài đến chơi cũng thiện cảm, yêu Hà Nội hơn.

Ông Nhân bảo: “Còn khỏe ngày nào tôi sẽ phục vụ cho đến nơi đến chốn, khi nào sức cùng lực kiệt thì để phường thuê người khác. Với tôi nơi đây như mái nhà của mình, nơi chôn giấu bao kỷ niệm và mong muốn các thế hệ sau này cùng gìn giữ”.

Ô Quan Chưởng (hay còn gọi là ô Đông Hà, ô Thanh Hà, ô Cửa Đông, tên chữ là Đông Hà môn (tức cửa phường Đông Hà)), là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.

Ngày nay, ô Quan Chưởng nằm nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương. Thời xưa, ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài tám chục mét. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành.

Cổng xây có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bên trên cửa lớn có ba Ca dao về Ô Quan Chưởng có câu:

“Long Thành bao quản nắng mưa

Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây”

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/ong-lao-gan-20-nam-tinh-nguyen-canh-giu-cua-o-duy-nhat-cua-thu-do-6276342.html