Ông Macron chống lại trường cũ, 'lò đào tạo' các tổng thống Pháp

Đối với giới tinh hoa chính trị Pháp, một suất ở Trường Hành chính Quốc gia (ENA) ở Strasbourg và Paris là điều vô cùng danh giá. Đây là lò đào tạo của rất nhiều lãnh đạo nước này.

ENA (Ecole Nationale d'Administration) từ lâu tuyển chọn và đào tạo những lãnh đạo tương lai cho nước Pháp, bao gồm các cựu tổng thống Pháp François Hollande hay Jacques Chirac, và nhiều lãnh đạo nước ngoài.

Nhiều người thi tuyển vào ENA nhiều lần, dù bài thi đầu vào ở đây nổi tiếng là khó.

Tuy nhiên, chính sinh viên quyền lực nhất từng học tại đây đang chống lại chính ngôi trường này, theo BBC.

Đang quyết tâm dập tắt phong trào biểu tình “áo khoác vàng”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất loại bỏ ENA, theo một bài phát biểu bị lộ cho báo chí Pháp.

“Nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội bình đẳng về cơ hội và tài năng, chúng ta nên tái lập các quy tắc cho việc tuyển mộ, hướng nghiệp và đề bạt các vị trí cao cấp trong bộ máy nhà nước”, một báo dẫn lại lời ông Macron.

“Vì vậy chúng ta sẽ thay đổi hệ thống đào tạo, tuyển chọn, và phát triển sự nghiệp, bằng cách giảm ảnh hưởng của ENA và các trường tương tự”.

Văn phòng tổng thống từ chối bình luận về văn bản bị tiết lộ. Báo chí Pháp cho biết đây là bài phát biểu dự kiến được đọc trước cả nước, nhưng đã bị hoãn vì vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ông Macron vẫn chưa trút bỏ được biệt danh “tổng thống của người giàu” mà dư luận đã gán cho ông từ hai năm nay. Người dân Pháp coi ông thuộc ”tầng lớp quý tộc”, đang thi hành các chính sách làm lợi cho người giàu.

Những phát biểu cao ngạo càng khiến ông trở nên xa cách. Ông nói những người xuống đường phản đối cải cách của ông là “những kẻ lười biếng”, và đổ lỗi cho những người thất nghiệp, bảo họ “chỉ cần chịu khó qua bên kia đường” là tìm được việc. Ông còn bị lên án gay gắt khi chỉ trích theo hướng dạy đời một bà lão 73 tuổi bị cảnh sát gây thương tích trong cuộc biểu tình “áo khoác vàng”.

Năm ngoái, ông còn bị chỉ trích vì những món hàng lưu niệm như ca và áo phông có in hình ông được bán với giá đắt đỏ 25 EUR hay 55 EUR ở Điện Élyseé (dinh tổng thống Pháp).

Những cựu sinh viên của ENA: Emmanuel Macron (trái) và François Hollande. Ông Macron là bộ trưởng kinh tế dười thời cựu tổng thống Hollande. Ảnh: AFP.

Những cựu sinh viên của ENA: Emmanuel Macron (trái) và François Hollande. Ông Macron là bộ trưởng kinh tế dười thời cựu tổng thống Hollande. Ảnh: AFP.

Ngôi trường của giới thượng lưu

ENA được thành lập năm 1945 bởi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với tinh thần “tái thiết và cách tân đất nước”.

“Lý tưởng của ENA là nhằm nuôi dạy một nhóm người có khả năng hành động vì lợi ích công”, nhà nhân chủng học Irène Bellier thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp nói với BBC.

Trước khi ENA được thành lập, mỗi bộ ngành có quy trình và tiêu chuẩn tuyển dụng riêng, khiến việc chọn lựa diễn ra trong các mạng lưới khép kín hầu như chỉ dành cho giới thượng lưu.

ENA từng hy vọng sẽ thu hút "nhiều người hơn từ các tỉnh, ít người Paris, ít tư sản hơn - một cách để dân chủ hóa xã hội", theo giáo sư Jean-Michel Eymeri-Douzans, nhà khoa học chính trị đã nghiên cứu sâu về ENA và hiện làm việc với ENA.

Song dù cố gắng xét duyệt sinh viên dựa trên tài năng và thành tích, một nghiên cứu cho thấy phụ huynh của các sinh viên ENA thường là các quan chức cao cấp hoặc CEO. Rất ít người đến từ tầng lớp lao động.

"Đây là ngôi trường của giới thượng lưu", ông Eymeri-Douzans nói với BBC.

Một nghiên cứu cho thấy phụ huynh các sinh viên ENA thường là các quan chức cao cấp hoặc CEO. Ảnh: AFP.

Các học viên ở ENA thường trong độ tuổi 25-30, đã có bằng cấp từ các đại học khác, bao gồm những “trường điểm” khác của Pháp.

Một số vào ENA để học sau đại học, trong khi những sinh viên khác đến từ các vị trí công chức cấp thấp hơn hoặc từ các ngành nghề khác.

Theo các chuyên gia, chưa đến một phần ba số sinh viên ENA là phụ nữ.

"Rất nhiều bộ trưởng, tổng thống, thủ tướng của Pháp từng tốt nghiệp ENA. Nhiều CEO các công ty lớn của Pháp cũng là cựu sinh viên, mặc dù đào tạo CEO không phải sứ mệnh của ENA", ông Eymeri-Douzans nói.

Ông cũng nhấn mạnh sự giàu có không phải là đặc điểm chính của sinh viên ENA.

"Vấn đề ở đây là văn hóa... Đó là một thế giới nhỏ của các gia đình có tiền. Nếu bạn mới giàu, có nhiều tiền nhưng không có văn hóa, không có giáo dục, bạn sẽ không ở đây", ông nói.

Theo chuyên gia, ENA là một thế giới nhỏ của các gia đình có tiền. Ảnh: Getty Images.

Thi tuyển phải chuẩn bị nhiều năm

Học sinh muốn vào trường phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh nổi tiếng là khó khăn. Hàng trăm người nộp đơn xin học mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 10% qua vòng tuyển cuối, theo ông Eymeri-Douzans.

Quy trình tuyển sinh gồm ba phần, có phần kiểm tra viết và nói, xoay quanh kiến thức về các chủ đề như kinh tế, luật pháp và quan hệ quốc tế.

Điều đáng sợ nhất là bài thi vấn đáp – trong đó các thí sinh đứng trước bồi thẩm đoàn, và nói về một chủ đề cụ thể, có thể là bất cứ điều gì từ công nghệ, chính trị đến một thể loại phim.

"Đó là một trong những phần khốc liệt nhất của tuyển sinh. Họ phải chuẩn bị nhiều kiến thức, rất nhiều, rất nhiều, rất nhiều", bà Bellier nói.

"Các thí sinh cần thể hiện bản thân, như một màn biểu diễn, nhưng họ lại không phải là diễn viên. Rất căng thẳng".

Các thí sinh thường chuẩn bị từ nhiều năm trước khi ứng thi.

Hàng trăm người nộp đơn xin học ENA mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 10% qua vòng cuối. Ảnh: AFP.

Điểm số quyết định công việc

Những người vượt qua các kỳ thi để vào trường sẽ sắp xếp thời gian để vừa đi học, vừa thực tập.

Cuối khóa học, họ được xếp hạng, và thứ hạng đó sẽ quyết định các công việc mà họ có thể ứng tuyển.

Những sinh viên điểm cao nhất có thể nhắm đến các vị trí được trọng vọng trong Hội đồng Nhà nước, Thanh tra Tài chính và Tòa án Kiểm toán của Pháp, trong khi những sinh viên thấp điểm hơn sẽ hướng đến các công việc ít tiếng tăm hơn trong bộ máy nhà nước.

Một số ý kiến nói hệ thống đào tạo nghiêm ngặt như vậy đưa những người có trình độ nhất vào các vị trí công quyền. Song các ý kiến khác cho rằng đây là một tổ chức lạc hậu ngăn cản người bình thường leo lên nấc thang quyền lực.

Trước mắt, số phận của ENA nằm trong tay chính ông Macron, một học trò cũ của trường.

Trọng Thuấn
Theo BBC

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-macron-chong-lai-truong-cu-lo-dao-tao-cac-tong-thong-phap-post938377.html