Ông Macron nhậm chức tổng thống Pháp nhiệm kỳ hai

Tổng thống Emmanuel Macron ngày 7/5 nhậm chức nhiệm kỳ mới, trở thành nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai trong 20 năm qua.

Lễ nhậm chức bắt đầu vào lúc 9h, theo giờ GMT, (tức 16h, theo giờ Việt Nam), tại Điện Elysee.

Theo truyền thống có từ thời Trung cổ, 21 phát đại bác được bắn ra từ khu tưởng niệm quân sự Invalides bên kia bờ sông Seine, để chào mừng lễ nhậm chức.

Mang tính lịch sử

Trong buổi lễ, người đứng đầu Hội đồng Hiến pháp Laurent Fabius đã đọc tuyên bố xác nhận chiến thắng của ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào ngày 24/4 sau khi giành được 58,5% phiếu bầu trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen.

Ông Macron tại lễ nhậm chức ngày 7/5. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, ông Macron bắt đầu với lời nhấn mạnh rằng "người dân Pháp đã tin tưởng giao cho tôi một nhiệm kỳ mới".

“Người Pháp đã tin tưởng giao cho tôi nhiệm vụ này”, ông Macron nói.

“Tôi biết mình phải hành động để đạt được những kỳ vọng đó", nhà lãnh đạo Pháp khẳng định. Dù vậy, ông cũng lưu ý các giá trị tự do của Pháp đang bị thách thức.

Bài phát biểu của ông tập trung nói về các mục tiêu của Pháp, bao gồm việc đảm nhận trách nhiệm toàn cầu, giải quyết vấn đề an ninh ở Đông Âu và biến đổi khí hậu.

Cả Pháp và châu Âu sẽ phải cam kết ngăn chặn sự leo thang của xung đột ở Đông Âu, thúc đẩy dân chủ và chống biến đổi khí hậu, ông cho biết.

Tổng thống Macron phát biểu trong lễ nhậm chức tại Điện Elysee ngày 7/5. Ảnh: AFP.

Về mặt đối nội, ông Macron cam kết sẽ đơn giản hóa quy tắc, thủ tục, tạo dựng thêm nhiều công ăn việc làm và hành động để đưa Pháp trở thành một cường quốc sinh thái.

Tổng thống Pháp đã khép lại bài phát biểu của mình bằng lời thề “phục vụ đất nước” và tất cả người dân Pháp.

Bình luận về bài phát biểu của ông Macron, chuyên gia chính trị Philip Turle cho biết bài phát biểu tập trung vào việc trình bày “tầm nhìn của nước Pháp, một lời kêu gọi tập hợp để cả đất nước xích lại gần nhau”.

“Ông Macron biết nhiều người Pháp không bỏ phiếu vì ông ấy mà chỉ bỏ phiếu để chặn bà Marine Le Pen của đảng cực hữu”, ông Turle nói và cho biết thêm thách thức trước mắt đối với tổng thống Pháp là lựa chọn thủ tướng mới.

Ông Jean-Luc Melenchon của phe cánh tả đã tuyên bố tham vọng trở thành thủ tướng, một chức vụ mà từ đó ông có thể ngăn Tổng thống Macron thông qua các luật mà cánh tả không tán thành.

Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande chúc mừng ông Emmanuel Macron nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống thứ hai ngày 7/5. Ảnh: Reuters.

Sẽ không có "tuần trăng mật"

Trước đó, một quan chức của Điện Elysee cho biết bài phát biểu nhậm chức của ông Macron sẽ không chỉ là "phát biểu chính trị tổng thể mà còn là một phần lịch sử của đất nước và hướng tới tương lai".

Ông Philippe Martinez, lãnh đạo Tổng Công đoàn Lao động Pháp (CGT), nhận định vị tổng thống sẽ không có “tuần trăng mật” mà phải bắt tay ngay vào giải quyết loạt vấn đề.

Theo giới quan sát, ông Macron sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong nhiệm kỳ mới, bao gồm khủng hoảng chi phí sinh hoạt tăng cao, tiến trình cải cách lương hưu gây tranh cãi, hệ thống y tế chịu áp lực lớn do thiếu hụt nhân viên và cam kết giảm 40% phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Nhà lãnh đạo 44 tuổi đối mặt với chương trình nghị sự đầy thách thức nhằm thực hiện các cải cách mà ông đã cam kết khi lên nắm quyền với tư cách là tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp vào năm 2017, cũng như đối phó với những vấn đề liên quan tới cuộc giao tranh đang diễn ra ở Ukraine.

Ông Emmanuel Macron trở thành nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai trong 20 năm qua. Ảnh: Reuters.

Không có nghi lễ lái xe trên Đại lộ Champs-Elysees hay trải thảm đỏ dài, lễ nhậm chức lần này của ông Macron tương tự sự kiện của ông Francois Mitterrand năm 1988 và Jacques Chirac vào năm 2002 - tổng thống Pháp gần nhất đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Macron, nước Pháp dưới thời của tổng thống trẻ nhất lịch sử đã xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa một bên là thành phần trung lưu, có tiền và bên còn lại là tầng lớp lao động, dưới ảnh hưởng của các khủng hoảng.

Bản thân ông Macron cũng thừa nhận như vậy trong bài diễn văn chiến thắng trước tháp Eiffel ở Paris ngày 24/4.

“Đất nước của chúng tôi đang bị bủa vây bởi những nghi ngờ và chia rẽ”, ông nói. “Cuộc bỏ phiếu hôm nay cho thấy chúng ta phải xem xét tất cả khó khăn trong cuộc sống của người dân và tìm ra câu trả lời cho sự tức giận”.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-macron-nham-chuc-tong-thong-phap-nhiem-ky-hai-post1313796.html