Ông nghị “chủ rừng”

Khách tham quan Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát sẽ được khuyến cáo: Không được phép lấy đi bất cứ thứ gì của rừng trừ những bức ảnh và không để lại rừng bất cứ thứ gì, trừ những... dấu chân. Có như thế rừng mới còn nguyên vẹn là rừng

Người dân địa phương gọi Nguyễn Đình Xuân bằng cái tên thân mật là “ông chủ rừng” vì anh là giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh), “cai quản” gần 20 ha rừng chạy dọc theo 40 km đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Cánh báo chí thì gọi anh là “ông nghị chăm chỉ” vì anh là một đại biểu Quốc hội siêng năng đi thực tế và thường phát biểu tại nghị trường... Ngày 20- 4 tới đây, anh sẽ nhận được phần thưởng vinh danh từ thị trưởng TP Bern (Thụy Sĩ) vì những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ loài gấu ở Việt Nam. Nói “không” với thịt thú rừng Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát cách thị xã Tây Ninh 35 km theo đường chim bay, còn vòng theo đường quốc lộ thì phải đến 42 km. Anh bảo đêm qua xe chạy một mạch từ Kiên Giang về Tây Ninh, tới nhà đã 1 giờ sáng. Sáng nay, lại có cuộc họp giao ban cụm các xã biên giới, biên phòng, kiểm lâm... tại cơ quan không thể bỏ qua, chưa kể còn cuộc hẹn với nhà báo. Nguyễn Đình Xuân mở đầu cuộc trò chuyện bằng nụ cười hiền lành rồi hào hứng: “Hội nghị hôm qua (14- 4) ở Kiên Giang có nhiều điều hay lắm”. Đây là hội nghị tổng kết giai đoạn 2 của dự án Phú Mỹ - dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương”. Dự án thành công, không những tạo nên công ăn việc làm cho người dân địa phương, bảo vệ một nghề truyền thống có nguy cơ mai một mà còn để bảo tồn sinh cảnh tự nhiên trong khu vực, bảo vệ nơi trú ngụ an toàn cho đàn sếu đầu đỏ - một loài chim quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả là, từ 66 cá thể sếu xuất hiện lần đầu năm 2006 tại Kiên Lương (Kiên Giang), cuối tháng 3 năm nay đã ghi nhận có tới hơn 200 cá thể sếu bay về tìm thức ăn tại nơi này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (phải) trao đổi với chủ trại nuôi gấu tại Quảng Ninh Khi tôi hỏi chuyện về bảo vệ loài gấu ở Việt Nam, anh chợt ưu tư: “Đúng là thời gian qua, đàn gấu ở Việt Nam bị rơi vào thảm họa. Vì lòng tham, một số người đã khai thác cạn kiệt và đe dọa sự tồn tại của loài gấu. Đó là việc làm phạm pháp. Những người săn bắt, mua bán và khai thác mật gấu đang chiếm đoạt và hủy hoại tài sản của quốc gia và của cả nhân loại. Nói vậy, bởi vì những con gấu bị nuôi nhốt sẽ không thể sinh sản và chết dần chết mòn vì quên mất bản năng tự kiếm sống, sức khỏe yếu kém. Sau khi vụ 80 gấu nuôi nhốt trái phép ở Quảng Ninh được tôi tới thị sát rồi gửi thư cho các cơ quan chức năng Việt Nam, Hàn Quốc, có vài trường hợp đã bị truy xét, một số các chủ gấu đã đưa gấu vào trung tâm cứu hộ động vật hoang dã”. Riêng chuyện giải thưởng, anh nói mình không nghĩ đó là phần thưởng dành riêng cho cá nhân, mà là lời động viên có giá trị cho tất cả những người đang ngày đêm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, là sự cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng trong nước và quốc tế. Anh Nguyễn Đình Xuân và một em bé Campuchia trong dịp dự lễ tết cổ truyền của phía bạn Campuchia. Ảnh: THANH TÙNG Tôi đi một vòng quanh khu vực hành chính của Vườn Quốc gia. Ngoài dãy nhà khang trang dành cho gia đình nhân viên, còn có 10 phòng nghỉ dành cho khách tham quan. Nơi đây còn có những trại chăn nuôi đặc biệt: gà rừng, lợn cỏ lai lợn rừng, rắn ráo... được chăm sóc kỹ lưỡng. “Tôi đã từng lên tiếng, phải kiên quyết nói “Không” với thịt thú rừng. Không lý gì những con thú vô tội phải tuyệt chủng tại đây vì những sở thích nếm món lạ của những người có tiền” - giám đốc Nguyễn Đình Xuân nói. “Khách tham quan, du lịch nơi này sẽ được khuyến cáo: Không được phép lấy đi bất cứ thứ gì của rừng trừ những bức ảnh và không để lại rừng bất cứ thứ gì, trừ những... dấu chân. Có như thế rừng mới còn nguyên vẹn là rừng”. Kiên quyết bảo vệ cái đúng Trong suốt câu chuyện dài, hiếm hoi lắm anh Xuân mới nhắc đến gia đình.Anh kể về vợ bằng giọng trìu mến: “Không có vợ tôi làm hậu phương vững chắc thì có đam mê công việc đến mấy tôi cũng khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Chị Kim Tuyến, vợ anh, đang công tác tại Sở Tài nguyên - Môi trường. Hai vợ chồng vẫn còn ở ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể ngân hàng nông nghiệp tỉnh. Chia sẻ những công việc của anh, chị luôn làm tròn bổn phận của mình ở cơ quan và chăm sóc bé trai 6 tuổi để chồng yên tâm công tác. Với tâm nguyện đó, người ta sẽ hiểu vì sao anh chuyên viên của Phòng Quản lý Môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tây Ninh ngày đó lại vui vẻ “về rừng”. “Vườn Quốc gia Lò Gò –Xa Mát là khu rừng có một không hai trên đất nước này bởi sự đa dạng về địa hình, hệ thực vật và các loại sinh vật ở đó. Đề tài tốt nghiệp cao học của tôi cũng là đề tài nghiên cứu về sự đa dạng sinh học của rừng Lò Gò...” - Nguyễn Đình Xuân cho biết. Sinh năm 1971 tại Hà Nội (ba anh quê ở An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh, tập kết ra Bắc năm 1954 và đến năm 1976 trở về Tây Ninh), từ thuở bé, anh đã nuôi ý hướng sẽ làm một công việc gì đó gần gũi với thiên nhiên. Cho dù ba mẹ đều là cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Tài chính kế toán (sau này ba anh về làm hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Tây Ninh), song anh lại chọn thi vào Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. “Chỉ có khoa này mới giúp tôi thỏa mãn nỗi khát khao khám phá thiên nhiên”. Và anh hạnh phúc vì đã được gia đình tạo điều kiện để có thể đi đúng con đường mình chọn, làm đúng việc mình yêu thích. Trả lời điều lo nghĩ của tôi: “Không phải lúc nào lời nói bảo vệ cho sự thật, cho điều tốt, cũng được hưởng ứng và khích lệ”, anh nói: “Khi tôi lên tiếng bảo vệ loài gấu thì những người nuôi gấu hay hưởng lợi từ gấu trực tiếp hay gián tiếp sẽ có phản ứng mạnh mẽ. Khi tôi lên tiếng giữ rừng, đòi phải trả lại cho rừng và cho thiên nhiên những thứ vốn có của nó thì vấp ngay đến lực lượng... phá rừng. Tuy nhiên, tôi biết mình đang làm đúng, tôi kiên quyết bảo vệ cái đúng”. Giọng anh hào hứng: “Đến bây giờ vẫn còn một số người gửi đơn kiện tôi vì chuyện tôi buộc họ phải phá hết cao su trồng lại rừng, về việc bị cưỡng chế phá những cây trồng sai mục đích của họ để trồng rừng... Nhưng đồng thời tôi cũng vui vì hiện tại, đã có những người, thậm chí cả gia đình họ là... “chuyên gia phá rừng”, bây giờ lại là những người trồng rừng tích cực nhất”. Giúp người bị oan sai Trong xấp đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đến cho đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân có không ít những tờ đơn kêu cứu. Như một vụ án mua bán chất ma túy được xử cách đây gần 10 năm. Đó là một vụ mua bán tân dược, trong đó có một số thuốc gây nghiện. Chỉ vì bất cẩn, cơ quan tố tụng đã quy đổi toàn bộ số thuốc tân dược này sang ma túy dạng rắn. Sai một ly, đi một đời người – bị cáo bị khép án chung thân! Họ đã kháng án và làm đơn kêu cứu gửi khắp nơi. Ba trăm lá đơn đã được gửi đi nhưng không hiểu sao vẫn không thấy hồi âm. Khi đến tay Nguyễn Đình Xuân, anh vội nghiên cứu và vào cuộc giúp người oan sai. “Tôi đã gặp hầu như tất cả những vị có thẩm quyền, chất vấn họ và buộc phải có câu trả lời thỏa đáng. Kết quả, sau khi thẩm tra lại, các vị thừa nhận là có sai sót trong quá trình điều tra vụ án và sẽ cho xử giám đốc thẩm trong nay mai...” – anh cho biết.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100418120733196p0c1002/ong-nghi-chu-rung.htm