Ông Nguyễn Bắc Son: 'Bị cáo muốn được sống sau những năm cải tạo'

Nói lời sau cùng, ông Nguyễn Bắc Son xin lỗi ngành thông tin truyền thông, xin lỗi các bị cáo còn lại và gia đình. Ông muốn được sống sau những năm cải tạo...

Sáng 24/12, ông Nguyễn Bắc Son là bị cáo đầu tiên nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông thừa nhận sai phạm là đặc biệt nghiêm trọng. Nhận thức được sai trái, ông Son gọi đây là bài học đắt giá nhất sau hơn 40 năm công tác.

Sẽ khắc phục triệt để 3 triệu USD nhận hối lộ

Thông qua phiên tòa này, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến Tổng bí thư, đến Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bị cáo cũng xin lỗi các cán bộ, đảng viên, công nhân viên ngành thông tin và truyền thông, MobiFone và gia đình các bị cáo phải hầu tòa trong vụ án này.

Ông Son trình bày sai phạm của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Sai phạm đó còn ảnh hưởng đến truyền thống của ngành thông tin và truyền thông, đến thương hiệu MobiFone và để lại hậu quả nặng nề cho các bị cáo cũng như gia đình của họ.

Bị cáo cũng xin cảm ơn cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố đã giúp ông nhận thức rõ vi phạm của bản thân, đã ghi nhận sự khai báo thành khẩn của bị cáo đối với cả 2 tội danh.

“Hai lần bị cáo ngất tại bàn làm việc, một lần ngất đi sau 3 ngày nhồi máu cơ tim đã được cán bộ điều tra đưa đi cấp cứu kịp thời, giúp bị cáo vượt qua cơn hiểm nghèo ảnh hưởng đến tính mạng”, ông Son bày tỏ.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình. Ảnh: TTXVN.

Cựu bộ trưởng cũng gửi lời cám ơn đến Ban giám thị và cán bộ Trại tạm giam T16 (Bộ Công an) đã giúp đỡ ông trong những ngày đầu bị tạm giam. Lúc đó, sức khỏe ông bị giảm sút, khủng hoảng tinh thần.

“Bị cáo xin lỗi HĐXX, VKS vì đã có những lời nói nhất thời, đã thay đổi lời khai về việc nhận hối lộ so với quá trình điều tra”, ông Son nói và mong HĐXX, VKS lượng thứ.

Tiếp tục trình bày, ông Son kính đề nghị HĐXX và VKS xem xét mong muốn của các bị cáo, giảm mức án tối đa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải. Còn đối với các bị cáo khác, ông Son mong tòa xem xét khoan hồng hoặc có hình phạt nhẹ nhất có thể để họ sớm trở về tiếp tục đóng góp.

“Với cá nhân mình, đây là bài học vô cùng đắt giá của cuộc đời. Bị cáo đã phải trả giá cho hơn 40 năm chiến đấu, công tác”, ông Son nói và cho biết bản thân đã phải nhận hình thức kỷ luật cao nhất.

Ngoài ra, sau khi nghe bản luận tội của đại diện VKS, ông Son nói có thể bị cáo còn phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình. Chính vì lẽ đó, ông đã viết thư gửi gia đình đề nghị quyết tâm khắc phục triệt để số tiền 3 triệu USD nhận của ông Phạm Nhật Vũ.

“Việc khắc phục có thể gồm cả ngôi nhà đang ở, chắc chắn trong ngày gần đây nhất gia đình sẽ khắc phục triệt để”, ông Son trình bày.

Cuối cùng, bị cáo sinh năm 1953 mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để cho ông được hưởng khoan hồng, để ông có án thấp nhất ở mức có thể.

“Bị cáo mong muốn được sống sau những năm cải tạo, được trở về sống với vợ, con và các cháu”, ông Son nói.

Ông Trương Minh Tuấn: "Tôi thấy rất xấu hổ"

Sau khi ông Son dứt lời, ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông) được nói lời sau cùng.

Bị cáo nói trong 41 năm công tác, trong đó có 10 năm quân ngũ, ông chưa bao giờ nghĩ có ngày phải đứng trước tòa. Ông Tuấn thừa nhận vai trò, vị trí của các bị cáo khác trong vụ án đã được cơ quan tố tụng làm rõ.

“Và tôi thấy rằng sai phạm của mình thật lớn, nó như một nhát chém để lại vết sẹo trong tâm hồn tôi đến hết cuộc đời. Ngẫm lại thấy rằng con người không phải thánh nhân nên không thể tránh khỏi sai phạm. Nhưng sai phạm của tôi thật là nặng nề, thật đáng trách”, cựu bộ trưởng trình bày.

Ông Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN.

Chưa biết mức án tòa đưa ra như thế nào nhưng ông Trương Minh Tuấn nói bản thân xứng đáng với việc đối mặt với hình phạt.

“Tôi thành thật xin lỗi nhân dân, xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành thông tin và truyền thông, ngành tuyên giáo nơi tôi từng công tác gần cả cuộc đời. Xin lỗi đồng đội của tôi, những người con ở biên giới phía bắc, đang còn ngoài hải đảo xa xôi. Tự tôi thấy rất xấu hổ với những sai phạm của mình. Xin lỗi bạn bè, xin lỗi người thân, gia đình”, bị cáo Tuấn nói.

Qua phiên tòa này, cựu bộ trưởng mong muốn cơ quan liên quan hoàn thiện hơn hệ thống quy định pháp luật, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về hướng dẫn thực hiện dự án và quy chế làm việc.

“Một bài học nữa rất đắt giá từ khi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tôi luôn đau đáu và thấy đau đớn vì những việc chưa làm được, đó là quy chế tập trung dân chủ. Nếu có bàn bạc, trao đổi thống nhất trong tập thể lãnh đạo thì chưa chắc có ngày chúng ta ngồi đây hôm nay”. Trước khi dừng lời, ông Tuấn mong muốn nhận được sự khoan hồng hơn nữa từ HĐXX.

Nêu hoàn cảnh gia đình, cựu Phó tổng giám đốc Phạm Thị Phương Anh và Phan Thị Hoa Mai (cựu thành viên HĐTV MobiFone) đều bật khóc. Các bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, không bị cách ly khỏi xã hội để có cơ hội sửa chữa sai lầm và điều trị bệnh.

Một số bị cáo cũng nêu tình tiết Phạm Nhật Vũ chủ động khắc phục toàn bộ hậu quả để các cựu lãnh đạo MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông được nhẹ tội để mong tòa xem xét áp dụng chính sách khoan hồng với cựu Chủ tịch AVG.

Còn bị cáo Phạm Nhật Vũ do đang nằm viện nên đã gửi đơn đến HĐXX xin được vắng mặt tại phiên tòa, kể cả hôm tuyên án.

9h ngày 28/12, TAND Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết.

Hoàng Lam - Bá Chiêm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ong-nguyen-bac-son-bi-cao-muon-duoc-song-sau-nhung-nam-cai-tao-post1028204.html