Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tăng trưởng tín dụng có thể đạt trên 20%

Ông Hùng cho rằng, từ giờ đến cuối năm, tín dụng tăng khoảng 20% trở lên là đạt được, vấn đề là dòng vốn tín dụng chảy vào đâu, ngân hàng kiểm soát thế nào để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: HDBank)

Ảnh minh họa. (Nguồn: HDBank)

Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức nêu rõ yêu cầu nâng mức tăng trưởng tín dụng năm nay từ dự kiến khoảng 18% ban đầu lên 21-22%. Mặc dù tính đến hết quý 3 tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,02% cao hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, so với tháng trước đó thì tín dụng tăng không đáng kể.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước khẳng định, từ nay đến cuối năm, tín dụng tăng khoảng 20% trở lên là đạt được.

- Xin ông cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng đang diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo số liệu tôi nắm bắt được, tình hình cho vay một số lĩnh vực như chế tạo khai khoáng, công nghiệp phụ trợ có mức tăng trưởng mạnh khi dư nợ tín dụng tăng 18-19% so với cuối năm ngoái. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 10%, riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ cùng với gói tín dụng nông nghiệp sạch, các ngân hàng đã cho vay hơn 35.000 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng tiếp tục tăng đều. Các doanh nghiệp làm ăn tốt đang tiếp cận vốn rất thuận lợi. Hiện tại, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp ở nhiều nơi địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn.

Từ đó, có giải pháp xử lý ngay những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Có thể nói, những khó khăn mà doanh nghiệp gửi đến Ngân hàng Nhà nước đều xử lý rốt ráo. Còn đối với các lĩnh vực bất động sản, BOT, BT, dư nợ ở mức khá thấp không đáng kể như tín dụng bất động sản tăng khoảng 5%...

Nhìn từ cơ cấu tín dụng trên có thể khẳng định, định hướng của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “nắn” dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm có giá trị cao nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tăng trưởng một cách ổn định bền vững. Đặc biệt, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát không để nợ xấu phát sinh.

- Theo thống kê đến hết 20/9, tín dụng tăng trưởng 11,02% cao hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, so với tháng trước đó thì tín dụng tăng không đáng kể. Với tốc độ đang tăng chậm lại, theo ông, đến cuối năm, tín dụng có đạt mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đang đặt kỳ vọng không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Với diễn biến thực tế hiện nay, theo tôi, việc tín dụng cán đích không phải là khó. Từ giờ đến cuối năm, tín dụng tăng khoảng 20% trở lên là đạt được. Vấn đề là dòng vốn tín dụng chảy vào đâu, ngân hàng kiểm soát thế nào để làm sao thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Đó là mục tiêu hàng đầu. Bởi lẽ, nếu đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực có độ rủi ro cao thì sẽ không ổn chút nào.

- Nhiều ý kiến lo ngại, tín dụng tăng cao tạo áp lực lạm phát lên những tháng cuối năm và năm sau nữa. Vậy, Ngân hàng Nhà nước giám sát dòng tiền ra sao để đảm bảo vốn chảy đúng địa chỉ?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Ở lĩnh vực nào cũng vậy, Ngân hàng Nhà nước đều kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua nhiều công cụ. Trước hết là yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình hình cho vay theo chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước theo dõi các chỉ số an toàn tài chính, hệ số thanh khoản...

- Nếu từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sử dụng hết room, Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục nới cho họ không?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Các ngân hàng muốn xin thêm room phải giải trình đầy đủ tăng trưởng thế nào, đầu tư vào đâu… Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn lường đón những khó khăn cho năm 2018. Các ngân hàng phải đầu tư vào lĩnh vực an toàn Ngân hàng Nhà nước mới đồng ý như tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất trực tiếp có chất lượng tín dụng cao sẽ được khuyến khích.

Bên cạnh đó, các ngân hàng xác định có đủ nguồn lực mới tính đến chuyện mở rộng tín dụng. Muốn tăng gì thì tăng các ngân hàng đều phải đảm bảo các tiêu chí an toàn tối thiểu cho hoạt động như tỷ lệ an toàn vốn (CAR)… Hay nói cách khác, các van tín dụng đều có khóa nên không phải ngân hàng cứ muốn tăng là được.

Còn những lĩnh vực bất động sản, BOT, BT thời gian cho vay dài Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế. Chỉ những dự án nào thực sự hiệu quả, chủ đầu tư chứng minh được năng lực thì mới xem xét… để đảm bảo tăng trưởng phải đi đôi với an toàn và phù hợp điều hành chính sách tiền tệ.

Thực tế, tuy dư nợ cho vay BOT, BT không nhiều khoảng hơn 90.000 tỷ đồng nhưng thời gian qua đang nảy sinh những bất cập ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Như việc có thể di dời trạm thu phí tác động đến nguồn thu chủ đầu tư. Theo đó, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng xem xét rà soát lại dự án BOT, BT tránh việc giảm thu của các dự án ảnh hưởng đến kỳ hạn trả nợ mà vẫn phải bảo đảm như cam kết hợp đồng.

- Xin cảm ơn ông!

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ong-nguyen-quoc-hung-tang-truong-tin-dung-co-the-dat-tren-20/469186.vnp