Ông Nguyễn Văn Pha: Xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chậm!

Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại diễn ra thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho biết hôm nay (19-4), ủy ban này sẽ họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

* Phóng viên: Cuộc họp lần này của Ủy ban Tư pháp (UBTP) có đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) cũng như thúc đẩy xử lý nhanh các vụ XHTDTE, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Pha: Chủ đề cuộc họp lần này có thể đi vào biện pháp cụ thể là xây dựng hướng dẫn chi tiết thế nào là dâm ô, là hành vi quan hệ tình dục khác được quy định trong Bộ Luật Hình sự để xử lý các vụ việc, vụ án cụ thể.

Thực tế, UBTP thấy không có vướng mắc lớn về quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu luật chi tiết hơn thì cũng cần thiết. Chính vì vậy, trong hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Hình sự sửa đổi, UBTP đã đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo thẩm quyền, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của Bộ Luật Hình sự quy định về XHTDTE để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Đặc biệt là, hướng dẫn xác định các dấu hiệu phạm tội cụ thể để định tội XHTDTE.

Trong mấy năm gần đây, khi UBTP đi giám sát cũng nghe công an các địa phương nêu lúng túng trong việc xử lý hành vi dâm ô, xâm hại nói chung. Do đó, UBTP mới đề nghị TAND Tối cao - cơ quan có thẩm quyền, tổng kết thực tiễn và có hướng dẫn cụ thể đủ căn cứ pháp lý cho cơ quan chức năng thực hiện, nhất là cơ quan điều tra xử lý hành vi này. Trách nhiệm hướng dẫn này trước hết là thuộc TAND Tối cao và họ cũng cho biết đã có hướng dẫn bước đầu. Tuy nhiên, UBTP đề nghị TAND Tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nếu không sẽ khó tiến hành xác minh, xử lý nhiều vụ việc cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Pha phát biểu ý kiến trong một kỳ họp Quốc hôịẢnh: NGUYỄN NAM

Ông Nguyễn Văn Pha phát biểu ý kiến trong một kỳ họp Quốc hôịẢnh: NGUYỄN NAM

* Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa thống nhất trình QH xem xét thông qua chương trình giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống XHTDTE vào năm 2020, theo ông có hạn chế được các trường hợp xâm hại trẻ em như vừa qua?

- UBTP nói chung và Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đặc biệt quan tâm về tình trạng XHTDTE trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2017, UBTP phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH tổ chức phiên giải trình về "Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng chống tội phạm XHTDTE". Lúc đó, cũng có ý kiến cho rằng UBTP có đẩy bức xúc lên quá không, thực tế có báo động như thế không? Nhưng chúng tôi cho rằng những vụ XHTDTE được nêu ra trong các báo cáo của cơ quan chức năng có thể chỉ là một phần của tảng băng chìm. Vì thế, nhận thức của UBTP là rất coi trọng vấn đề này.

Phiên giải trình năm 2017 đã có tác động, hiệu ứng rất tốt là sau phiên giải trình thì báo cáo từ các địa phương cho thấy số vụ xử lý XHTDTE tăng đáng kể. Như vậy là có chuyển động tích cực. Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện các kiến nghị tại phiên giải trình thì tình hình vẫn chưa chuyển biến mang tính đột phá nên lần này UBTP tổ chức phiên đánh giá lại những kiến nghị của UBTP trong phiên giải trình trước.

Được biết, UBTP có thể được giao là đơn vị chủ trì tiến hành giám sát tối cao của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống XHTDTE vào năm 2020. Hy vọng với việc tổ chức phiên giải trình năm 2017 và cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của UBTP về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm XHTDTE và giải pháp trong thời gian tới sẽ là bước chạy đà chuẩn bị cho giám sát tối cao đạt kết quả tốt. Thực hiện giám sát tối cao có 2 nhiệm vụ. Thứ nhất là, phát hiện quy định pháp luật hiện hành còn bất cập, còn khoảng trống so với thực tiễn để sửa đổi, bổ sung. Thứ hai là, làm rõ quá trình thực thi pháp luật hiện hành thì chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan có thẩm quyền đã làm hết trách nhiệm hay chưa, còn những tồn tại gì để chấn chỉnh. Giám sát tối cao sẽ không đi toàn bộ các tỉnh, thành mà chọn lọc các địa phương, khu vực đại diện cho các vùng miền. Ngoài vấn đề chung thì có thể làm rõ cả những vụ việc cụ thể đang gây bức xúc.

Tuy nhiên, với các tỉnh còn lại, đoàn giám sát tối cao không đến thì giao cho các đoàn đại biểu QH địa phương giám sát để bảo đảm đủ 63 tỉnh, thành. Cùng với đó là giám sát tại tất cả bộ, ngành chức năng và liên quan từ công an, tòa án, kiểm sát, giáo dục và đào tạo…

Kỳ vọng của giám sát tối cao ngoài kết quả sẽ công bố sau giám sát cùng với kiến nghị, giải pháp kèm theo thì đợt giám sát cũng như một sự đốc thúc, "lên dây cót" cho các địa phương và bộ, ngành về vấn đề này. Sau khi có kết quả giám sát thì công khai và chỉ rõ trách nhiệm, địa chỉ, quy trách nhiệm.

* Sự chậm trễ trong xử lý nghi can Nguyễn Trọng Trình trong vụ xâm hại tình dục bé gái ở Hà Nội và vụ ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ cháu bé ở TP HCM… có phải do khoảng trống pháp lý và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương?

- Đối với vụ Nguyễn Trọng Trình, mới đây UBTP đã làm việc với UBND TP Hà Nội và cơ quan tư pháp của TP Hà Nội thì thấy quy trình xử lý các hành vi về XHTDTE là chưa phù hợp thực tiễn. Ví dụ, nghi can bị cáo buộc đã xâm hại gây ra chảy máu, làm gãy tay cháu bé thì việc đầu tiên là đưa cháu đến bệnh viện để cấp cứu, cứu chữa. Để thuận lợi cho việc xử lý tội phạm thì yếu tố quan trọng là cần giám định pháp y càng sớm càng tốt. Trong quá trình cứu chữa nạn nhân có thể làm thay đổi các vết thương, tình trạng tổn thương… dẫn đến khó khăn trong việc xác định mức độ xâm hại để xử lý sau này. Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam nghi can. Hiện không thể kết luận Công an Chương Mỹ làm trái hay không nhưng vấn đề có thể xác định ngay là nếu có quy trình cụ thể, chặt chẽ thì cũng dễ dàng hơn cho cơ quan điều tra.

Trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh thì dư luận hết sức bức xúc. Cư dân của chung cư Galaxy 9 đã gửi đơn kiến nghị khởi tố và xử phạt nghiêm minh ông này, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê cũng đồng tình với kiến nghị khởi tố vụ án, một số văn nghệ sĩ cũng kiến nghị làm rõ và xử lý nghiêm.

Theo tôi, cũng có thể cơ quan tố tụng ở TP HCM lúng túng trong quy trình xử lý hoặc thận trọng trong từng bước xử lý. Tuy nhiên, thận trọng quá mức thì có thể dẫn đến bức xúc trong dư luận. Vụ việc này có hình ảnh rõ ràng, có người bị hại… thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quá trình điều tra nếu không đủ căn cứ thì vẫn có thể đình chỉ vụ án. Thận trọng là cần thiết nhưng với hình ảnh, bằng chứng rõ ràng như vậy thì cũng cần đẩy nhanh quá trình điều tra và đưa ra quyết định sớm hơn, tránh gây bức xúc trong dự luận.

* Từ vụ Nguyễn Khắc Thủy (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến vụ Nguyễn Trọng Trình, Nguyễn Hữu Linh có thể làm cho người dân hoài nghi về sự không nghiêm minh đối với loại tội phạm ấu dâm không?

- Người dân lo lắng là đúng. Hiện nay, do sự phát triển của mạng xã hội, internet… nên thông tin nhanh chóng đến với người dân. Trong khi dường như nhận thức của một số cơ quan chức năng chưa coi trọng tình trạng XHTDTE dẫn đến khi xảy ra thì không tập trung lực lượng, dành sự quan tâm, chỉ đạo, thời gian, công sức cần thiết để xác minh làm rõ trong thời gian sớm nhất.

Luật có điểm mở rất tốt

Theo ông Nguyễn Văn Pha, luật pháp hiện hành cũng bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Pháp luật có điểm mở rất tốt là "giao cho Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn" hoặc một thông tư hướng dẫn do liên ngành quy định. Vì vậy, khi nảy sinh những vụ việc cụ thể có tính điển hình, gây bức xúc lớn trong dư luận thì cơ quan thẩm quyền có thể ra văn bản hướng dẫn cơ quan chức năng làm sớm vụ việc, tránh đẩy bức xúc lên cao.

Cùng với xử lý hình sự, còn có các chế tài khác xử lý hành vi sàm sỡ cũng có tính răn đe không hề nhẹ, chẳng hạn như buộc công khai danh tính người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng hay "lao động công ích" nhưng thực tế chính quyền cơ sở nhiều nơi không quan tâm.

Gần 60% đối tượng xâm hại là người quen, hàng xóm

Đây là nội dung đáng quan tâm tại hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức ngày 18-4. Số liệu công bố tại hội thảo cho biết năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với gần 1.700 đối tượng, xâm hại 1.579 trẻ, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục.

Các số liệu trẻ em bị bạo hành được cập nhật qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (năm 2017 và 2018) cũng cho thấy gần 60% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen, hàng xóm; 21,12% đối tượng là người thân; giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm hơn 6%; các đối tượng khác gần 14%. Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học.

V.Duẩn

Thế Dũng thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ong-nguyen-van-pha-xu-ly-cac-vu-xam-hai-tre-em-con-cham-20190418232109531.htm