Ông Phan Ngọc Ấn chính thức rút khỏi BaF Việt Nam (BAF)

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF - sàn HoSE) tiếp tục biến động lãnh đạo cấp cao sau khi vừa thay đổi Kế toán trưởng.

Cụ thể, ngày 30/5, BaF Việt Nam Quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Phan Ngọc Ấn.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, BaF Việt Nam cũng thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn. Như vậy, ông Ấn đã chính thức rút khỏi BaF Việt Nam.

Theo tìm hiểu, ông Phan Ngọc Ấn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021). Tuy nhiên, ngày 15/3/2022, BaF Việt Nam thực hiện miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn và đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sau khi cổ phiếu BAF niêm yết sàn HoSE, ông Phan Ngọc Ấn liên tục bán ra và giảm sở hữu và tính tới cuối năm 2022, ông Phan Ngọc Ấn đã thoái ra toàn bộ và không sở hữu cổ phần nào tại BaF Việt Nam.

Không chỉ ông Ấn, nhiều lãnh đạo cấp cao khác của BaF cũng thoái vốn khỏi Công ty.

Cụ thể, ngày 4/10/2022, ông Lê Xuân Thọ, thành viên HĐQT Nông nghiệp BaF Việt Nam đã bán ra 2.075.400 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2% về còn 0,55% vốn điều lệ.

Còn từ ngày 5/10 đến 18/10/2022, bà Bùi Hương Giang, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã bán ra 13.852.250 cổ phiếu, để giảm sở hữu từ 13,25% về 3,6% vốn điều lệ.

Danh sách cổ đông lớn tại BAF

Nếu nhìn trong danh sách cổ đông lớn từ 30/6/2021 đến 31/3/2023, danh sách cổ đông lớn đã không còn hàng loạt lãnh đạo như Tổng giám đốc Bùi Hương Giang, ông Phan Ngọc Ấn, ông Lê Xuân Thọ và ông Nguyễn Anh Tuấn.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 29/5, BaF Việt Nam đã Quyết định miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với ông Ngô Cao Cường, bổ nhiệm ông Cường vào vị trí Giám đốc tài chính. Đồng thời, bổ sung bà Nguyễn Huỳnh Thanh Mai (sinh năm 1991) vào vị trí Kế toán trưởng từ ngày 29/5 (trước đó bà Mai là Phó phòng Kế toán Công ty).

Lên kế hoạch huy động 684,26 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam, cổ đông đã hỏi Ban lãnh đạo về việc tại sao Ban lãnh đạo tự tin về thực hiện chào bán cổ phiếu và huy động vốn ở thời điểm hiện tại, khi mà hoạt động kinh doanh của Công ty đang đi xuống, lợi nhuận năm 2022 giảm 10,6%, về 287,78 tỷ đồng; lợi nhuận quý I/2023 tiếp tục giảm 95,5%, về chỉ còn 3,91 tỷ đồng và giá cổ phiếu giảm 43,2% từ đỉnh tháng 5/2022. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành như Dabaco (mã DBC) đang kinh doanh thua lỗ, Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) kinh doanh không có lãi trong 3 tháng đầu năm 2023.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam cho biết: “Tôi không biết Hoàng Anh Gia Lai hay công ty chăn nuôi khác lên sàn chứng khoán vì mục đích gì, còn BaF Việt Nam lên sàn chứng khoán để đại chúng hóa, huy động các nguồn lực tốt nhất để phát triển, không có ý định hoặc chủ trương lên sàn để bán vốn chủ sở hữu".

Đại hội đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 47,677% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, nếu phát hành thành công, Công ty sẽ phát hành thêm 68,4 triệu cổ phiếu mới để huy động 684,26 tỷ đồng.

Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 400 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản; 119,15 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tại các công ty con để thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh; và 165,1 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo.

Thời gian thực hiện chào bán dự kiến từ quý II đến quý IV/2023.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/5/2023, cổ phiếu BAF tăng 400 đồng lên 24.100 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ong-phan-ngoc-an-chinh-thuc-rut-khoi-baf-viet-nam-baf-post322773.html