Ông Putin chuẩn bị cho tương lai?

Trước động thái bất ngờ từ chức của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và toàn bộ nội các ngay sau Thông điệp Liên bang của tổng thống, giới phân tích dự đoán Mát-xcơ-va có thể đang chuẩn bị tiến trình cải tổ và đây sẽ là 'chương mới' trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh) sau 20 năm nắm quyền.

Trong Thông điệp Liên bang hôm 15-1, Tổng thống Putin đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý xung quanh đề xuất cải cách Hiến pháp để củng cố vai trò Duma quốc gia (tức Hạ viện) trong quá trình thành lập chính phủ. Theo đó, cơ quan này sẽ có quyền lựa chọn thủ tướng và những thành viên nội các cao cấp thay vì theo hệ thống hiện nay là tổng thống bổ nhiệm và Duma quốc gia phê chuẩn.

 Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Quyền lực của thống đốc khu vực sẽ được nâng cao. Đánh giá đầu tiên, song đa phần là nhất quán trong giới quan sát Nga, là các đề xuất của Tổng thống Putin thực chất là thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp, biến Liên bang Nga từ một nước cộng hòa “siêu tổng thống” từ năm 1993 thành nước cộng hòa tổng thống-nghị viện, với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, với đội ngũ lãnh đạo địa phương đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, có năng lực quản lý hiện đại, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Thông báo về đề xuất cải cách Hiến pháp được đưa ra trong bối cảnh chính trường Nga chưa rõ về tương lai của Tổng thống Putin khi mãn nhiệm vào năm 2024. Ông Putin trở thành tổng thống vào năm 2000 sau khi Boris Yeltsin từ chức. Do Hiến pháp Nga không cho phép làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tục, ông Putin sau đó giữ chức thủ tướng trong khi đồng minh Medvedev đứng đầu đất nước giai đoạn 2008-2012. Ngay cả khi là thủ tướng, ông Putin được cho vẫn nắm quyền lực đằng sau Tổng thống Medvedev. Từ năm 2012, ông Putin trở lại Điện Kremlin và bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới sau khi Hiến pháp sửa đổi nâng thời gian tại nhiệm tổng thống Nga từ 4 lên 6 năm. Năm 2018, ông tái đắc cử với chiến thắng áp đảo và sẽ nắm quyền cho tới năm 2024.

Với đề xuất cải cách Hiến pháp tăng quyền lực cho quốc hội, giới nhà phân tích suy đoán chính trị gia 68 tuổi đang từng bước chuẩn bị cho tương lai. Mặc dù bị các nhà phê bình chỉ trích nắm giữ quyền lực quá lâu, nhưng ông Putin vẫn được nhiều người Nga tin tưởng dựa trên chính sách giữ nước Nga luôn đoàn kết và ổn định. Nếu được công chúng chấp thuận trong cuộc trưng cầu dân ý, các đề xuất sẽ chuyển quyền lực từ tổng thống sang quốc hội. Hiện có đồn đoán cho rằng việc cải tổ cho phép ông Putin chọn giữ cương vị thủ tướng sau khi mãn nhiệm kỳ tổng thống hoặc tập trung lãnh đạo Hội đồng Nhà nước - cơ quan cố vấn cho nguyên thủ quốc gia. Trong số những đề xuất sửa đổi Hiến pháp công bố vào tối 15-1, Tổng thống Putin đề nghị đưa vào Hiến pháp quy chế của Hội đồng Nhà nước, cơ quan do chính ông thành lập hồi năm 2000.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ong-putin-chuan-bi-cho-tuong-lai-a117275.html