Ông Putin đưa con tàu Nga lừng lững tiến về Trung Đông

Thất thế tại 'Davos trên sa mạc', song 'kịch bản đặc biệt' của Tổng thống Putin đã giúp các thực thể kinh tế Nga tạo thế thượng phong trước đối thủ...

Sputnik ngày 29/6 dẫn lời Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, Nga và Ả Rập Saudi đang xúc tiến việc thành lập một hội đồng kinh tế nhằm hợp nhất các doanh nghiệp lớn nhất của hai nước.

"Theo kế hoạch, Hội đồng kinh tế Nga- Ả Rập Saudi sẽ là nơi hợp nhất các doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất của hai nước để cùng thực hiện các dự án chung có quy mô lớn. Hội đồng sẽ được thành lập trong thời gian sớm nhất", Sputnik tường thuật.

Theo ông Dmitriev, tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các dự án có quy mô lớn mà 2 bên sẽ cùng đầu tư.

Đây là cơ sở rất quan trọng cho việc thành lập Hội đồng kinh tế Nga- Ả Rập Saudi, vì vậy Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga cho rằng việc doanh nghiệp lớn của Nga và Ả Rập Saudi cùng thực hiện siêu các dự án chỉ là trong nay mai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka

Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka

Tháng 7/2015, RDIF và Quỹ đầu tư công Ả Rập Saudi (PIF) - với quy mô 2.000 tỷ USD - đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư vào các dự án ở Nga, gồm cả cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Theo dó phần đầu tư của PIE là 10 tỷ USD và đã được đầu tư.

RDIF và PIE sẽ cầm trịch Hội đồng kinh tế Nga - Ả Rập Saudi. Ngoài ra, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ả Rập Saudi Aramco - với tổng giá trị ước tính tới 1.000 tỷ USD, theo The Wall Streets Journal - cũng sẽ là tham gia định chế "siêu kinh tế" này.

Với những những thông tin từ Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga thì việc thành lập Hội đồng kinh tế Nga- Ả Rập Saudi đường như chỉ là để thu hút thật nhiều nguồn vốn từ "Vương quốc dầu mỏ" đầu tư vào xứ sở bạch dương.

Song theo giới chuyên gia kinh tế và tài chính phương Tây thì vấn đề không chỉ là như vậy, mà việc thành lập Hội đồng kinh tế Nga- Ả Rập Saudi là cách Tổng thống Putin giúp các đơn vị kinh tế chủ lực của Nga tiến vào Ả Rập Saudi một cách vững chắc.

Dựa vào đâu mà nhận định như vậy? Cơ sở đó chính là thực tế hiện nay chính phủ Hoàng gia Ả Rập Saudi đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí.

Bà Lama Alsulaiman, thành viên ban lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Ả Rập Saudi cho hay : “Chính phủ đang cải cách rất nhanh, còn người dân cảm thấy bị tụt lại đằng sau. Cuộc sống và kinh doanh như trước đây không thể tiếp tục”.

Trên khắp đất nước Ả Rập Saudi, những tấm bảng quảng cáo mới xuất hiện với “Kế hoạch Tầm nhìn 2030”. Kế hoạch này kêu gọi đa dạng nền kinh tế trong 14 năm tiếp theo, trong đó tập trung vào các ngành xây dựng, công nghệ, tài chính.

Đặc biệt, theo Kế hoạch cơ cấu quốc gia - The National Transformation Plan (NTP) của Ả Rập Saudi, các mục tiêu về thu hút đầu tư nước ngoài được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoàng gia.

Gần nửa thế kỷ gần như đóng cửa với hoạt động đầu tư nước ngoài khiến Ả Rập Saudi đang có một thứ hạng khá thấp về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chỉ đứng thứ 82 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Ngày 23/10/2018, chính phủ Ả Rập Saudi đã tổ chức Hội nghị đầu tư "Sáng kiến đầu tư tương lai" - được xem là "Davos trên sa mạc" - tại Riyadh, và ngay ngày đầu đã ký được một loạt thỏa thuận có tổng trị giá 50 tỷ USD với các công ty toàn cầu.

Thất thế tại Davos trên sa mạc, song các thực thể kinh tế Nga vẫn có thể bước vững chắc vào Ả rập Saudi nhờ kịch bản đặc biệt của Tổng thống Putin

Trong số những đơn vị ký kết thỏa thuận có các công ty hàng đầu của Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Các đơn vị kinh tế Nga chưa thể cạnh tranh tại "Davos trên sa mạc".

Tuy nhiên, dù chính quyền Riyadh rất quyết tâm và bước đầu thành công, song quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Ả Rập Saudi được giới chyên gia đánh giá là phức tạp hơn bất cứ quốc gia nào khác, vì vậy sẽ phải diễn ra theo "kịch bản đặc biệt".

Tổng thống Putin được cho là đã nhận thấy sự đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Ả rập Saudi, nên đã giúp các đơn vị kinh tế Nga bước vào Ả Rập Saudi theo cách đặc biệt. Đó là thành lập Hội đồng kinh tế Nga - Ả Rập Saudi.

Có thể thấy rằng, dù các thực thể kinh tế Mỹ, Pháp, Ấn, Nhật, Trung, Hàn, UAE đã chiếm lĩnh mặt bằng tại "Davos trên sa mạc", song với "kịch bản đặc biệt" của Tổng thống Putin, thì các thực thể kinh tế Nga đã tạo thế thượng phong trước đối thủ.

Bởi các thực thể kinh tế Nga được chính quyền Riyadh, cụ thể là Quỹ đầu tư công Ả Rập Saudi giúp lựa chọn đối tác, đặc biệt là đối tác có tiềm năng lớn. Bên cạnh đó là mục đích hợp tác được xác định là những siêu dự án.

Rõ ràng, các thực thể kinh tế Nga "đi sau nhưng không phải uống nước đục" nhờ có "kịch bản đặc biệt" của Tổng thống Putin. Trong khi nền kinh tế Ả Rập Saudi và đất nước Ả Rập Saudi có vai trò đầu tàu tại khu vực Trung Đông.

Do vậy, khi tiến vững chắc vào Ả Rập Saudi, các thực thể kinh tế Nga sẽ có điều kiện vươn mình tại Trung Đông. Từ thực tế đó, giới quan sát quốc tế cho rằng Tổng thống Putin đang đưa con tàu Nga lừng lững tiến về Trung Đông, sau khi đã chiếm lĩnh nhiều mặt bằng sân khấu chính trị tại đây.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/ong-putin-dua-con-tau-nga-lung-lung-tien-ve-trung-dong-3383543/