Ông Putin: Không hệ thống Mỹ nào chặn được tên lửa Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, không một hệ thống phòng thủ nào của Mỹ có đủ khả năng đánh chặn được tên lửa Nga.

Tổng thống Putin nói về vũ khí Nga

Trong cuộc họp báo cuối năm vào hôm 17/12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng, để đối phó với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, Nga có thể xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình hoặc chế tạo các vũ khí tối tân hơn. Đối với vũ khí mới của Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không phải là trở ngại.

"Hoặc tự xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, hoặc chế tạo các vũ khí tối tân mà hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không thể can thiệp. Chúng ta đã làm được điều đó, với sự hỗ trợ của vũ khí siêu thanh, kể cả Avangard. Đó là loại vũ khí tốc độ hơn 20 Machs, có tầm bắn toàn cầu và không phải là tên lửa đạn đạo" - ông Putin nói.

Tổng thống đã lưu ý, nói về các hệ thống vũ khí đã được công bố trong thông điệp của ông thì "tất cả công việc đang được tiến hành", một số vũ khí đã trong tình trạng sẵn sàng. Hệ thống Kinzhal và vũ khí laser Peresvet cũng đã ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Ông cũng lưu ý rằng, công việc đang tiến triển tốt đối với ngư lôi hạt nhân Poseidon, còn công việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng Sarmat đang diễn ra tích cực ở giai đoạn cuối.

Sarmat (RS-28) sẽ thay thế tên lửa chiến lược nặng nhất thế giới Voevoda (NATO gọi là Satan, RS-20V). Tầm bắn của Sarmat là 18.000 km, chiều dài tên lửa là 35,5 mét, đường kính 3 mét, trang bị nhiều đầu đạn phân hướng với khả năng dẫn đường độc lập.

Tên lửa mới sẽ có khả năng tấn công các các mục tiêu qua Bắc Cực và Nam Cực, vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa. Sarmat sẽ nhận nhiệm vụ chiến đấu vào năm 2022.

Ông Putin nói rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh Zircon trên biển là rất quan trọng, khi quân đội Nga tiếp nhận nó sẽ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực chiến lược.

“Bây giờ chúng tôi có Zircon - loại vũ khí rất quan trọng. Gần đây đã tiến hành cuộc thử nghiệm rất quan trọng đối với chúng tôi. Trên thực tế, công việc đã cơ bản hoàn thành. Tốc độ tên lửa là hơn 8 Mach, phạm vi hoạt động lớn, có thể triển khai trên tàu nổi và tàu ngầm” - ông Putin nói.

Zircon là tên lửa hành trình siêu thanh trên biển đầu tiên trên thế giới, tốc độ bay đạt 8-9 lần tốc độ âm thanh, tầm bắn tối đa lên tới 1.000 km. Ngày 11 tháng 12, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã thử phóng Zircon từ khinh hạm Đô đốc Gorshkov trúng mục tiêu ven biển ở khoảng cách 350 km.

Nga đã biên chế đầu đạn siêu thanh Avangard, phóng bằng ICBM

Nga đã biên chế đầu đạn siêu thanh Avangard, phóng bằng ICBM

Nhà lãnh đạo Nga cho biết, các tàu chiến mang Zircon sẽ được triển khai ở các vùng biển trung lập. Xét đến phạm vi và tốc độ của tên lửa Zircon, mọi mục tiêu đều sẽ bị tiêu diệt.

Vũ khí siêu thanh Nga là không thể đánh chặn

Tổng thống Putin cho biết, mặc dù cả Mỹ và châu Âu (Anh) hay Trung Quốc đều đang nỗ lực phát triển nhưng không nước nào trên thế giới có hệ thống vũ khí siêu thanh như Nga và không nước nào sở hữu hệ thống phòng thủ đánh chặn được vũ khí Nga; tuy nhiên, Moscow vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán mà chưa ai khởi đầu.

"Chúng tôi hiểu rằng Nga đã phát triển các loại vũ khí, các hệ thống siêu thanh hiện đại mà không nước nào khác trên thế giới sở hữu. Chúng tôi nhận thức được điều này. Chúng tôi không phản đối việc tính đến tình huống này, nhưng vẫn không có ai nói với chúng tôi về điều này, theo bất kỳ cách nào” - ông Putin nói tại Cuộc họp báo lớn.

Bình luận về những tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về sự bất bại của tên lửa Nga, chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky nói với Sputnik rằng, tốc độ đầu đạn Avangard của Nga không cho phép tên lửa phòng thủ của Mỹ tính toán được đường bay của nó, điều này khiến vũ khí này trở nên bất khả xâm phạm trước hệ thống phòng thủ tên lửa.

Để hạ gục thành công mục tiêu, tên lửa phòng không phải được dẫn đường đến điểm trước, tức là phải tính toán quỹ đạo của mục tiêu, sau đó mới dẫn đường cho tên lửa đến điểm này.

Nhưng đối với Avangard, việc điều động tên lửa phòng không đánh chặn mục tiêu là không thể thực hiện chỉ vì một lý do đơn giản - tốc độ của nó rất khủng khiếp. Mục tiêu di chuyển với tốc độ vài km/giây, vì vậy bất kỳ động tác nào cũng đều dẫn đến tải trọng ngang cao đến mức không tên lửa nào có thể đối phó được – ông Murakhovsky giải thích.

Chuyên gia Murakhovsky nhắc đến một vũ khí đầy hứa hẹn khác của Nga, cũng có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ - đó là tên lửa hành trình bay thấp tầm xa không giới hạn phạm vi "Burevestnik" (sử dụng động cơ hạt nhân).

Các tuyến bay của tên lửa "Burevestnik" được bố trí theo cách có thể vượt qua tất cả các khu vực phòng thủ tên lửa. Để bao phủ toàn bộ lãnh thổ của mình, người Mỹ cần phải tạo ra trường radar liên tục ở độ cao thấp và hệ thống phòng không chặn mọi hướng.

Theo ông Murakhovsky, không thể tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn mọi hướng, hay nói đúng hơn là vẫn có thể thực hiện được, nhưng để làm được điều này, ngay cả 10 ngân sách quân sự của Mỹ cũng không đủ.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ong-putin-khong-he-thong-my-nao-chan-duoc-ten-lua-nga-3424530/