Ông Putin không lùi bước, OPEC thất bại trước Nga?

Moscow không có ý định 'rút lui' trong cuộc chiến dầu mỏ và người thua cuộc sẽ không phải là Nga mà là các nước trong OPEC.

Hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không bao giờ yêu cầu chính quyền Riyadh “đình chiến” trong cuộc chiến tranh dầu mỏ.

Trước đó, các quốc gia OPEC+ không thể thống nhất với nhau về việc thay đổi các thông số của thỏa thuận giảm sản lượng dầu hoặc gia hạn. Nga đã không đồng ý với đề xuất tiếp tục giảm khai thác. Nga đề xuất duy trì các điều kiện hiện có, ngược lại, Saudi Arabia nhấn mạnh vào việc giảm thêm sản lượng dầu.

Kết quả là, từ tháng 4, các quốc gia thành viên OPEC+ sẽ rút ra khỏi các nghĩa vụ đã ký kết trước đó. Đồng thời, Riyadh tuyên bố về kế hoạch tăng sản lượng và giảm giá của “vàng đen”, làm giá dầu lao dốc. Kể từ đầu năm, giá dầu đã giảm hơn một nửa.

Bloomberg trích dẫn nguồn tin từ các nhà phân tích cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải là người dễ để cho người khác gây áp lực.

Theo nguồn tin, Điện Kremlin vẫn sẵn sàng hợp tác với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (Organization of Petroleum Exporting Countries - OPEC) và sẵn sàng duy trì mô hình hợp tác OPEC +, nhưng với các điều kiện riêng.

Theo Bloomberg, Moscow đã sẵn sàng cho việc giảm giá dầu sau khi phá vỡ thỏa thuận với Saudi Arabia. Điện Kremlin coi lập trường của Riyadh là không chấp nhận được và lưu ý rằng Nga có thể trải qua cuộc khủng hoảng hiện tại trên thị trường tốt hơn Saudi Arabia.

Nga và OPEC không ai chịu nhân nhượng trong cuộc chiến dầu mỏ

Nga và OPEC không ai chịu nhân nhượng trong cuộc chiến dầu mỏ

Theo giới phân tích, nếu cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn lâu dài, Nga có đủ sức để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, trong khi chính các quốc gia “thấp cổ bé họng” trong OPEC sẽ là những nước thiệt hại nặng nề nhất.

Theo lời ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) trao đổi với CNBC trong một cuộc phỏng vấn, các đồng minh của Saudi Arabia trong OPEC là Iraq, Algeria và Nigeria sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá dầu sụt giảm mạnh.

Ông Birol phân tích, những nước có quy mô nền kinh tế nhỏ, ít đa dạng hóa, tiềm lực dự trữ kém, ngân sách phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Iraq, Algeria và Nigeria đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng và sẽ gặp nguy cơ lớn nhất.

Theo ông, các quốc gia này đang ở trong một “tình huống rất, rất khó khăn” và cần sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng thế giới.

Người đứng đầu IAEA lưu ý rằng, “cuộc chiến dầu mỏ” đưa đất nước Trung Đông Iraq vào vị trí dễ bị tổn thương nhất, vì nền kinh tế nước này ít đa dạng hóa nhất trong số các thành viên khác thuộc OPEC.

Không những thế, nhiều nước khác trong OPEC cũng bị sụt giảm nguồn thu ngân sách quốc gia, dẫn sẽ gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên khu vực công, phúc lợi xã hội và phải cắt giảm chi tiêu cho y tế và giáo dục; do đó, có thể tạo ra căng thẳng xã hội.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-putin-khong-lui-buoc-opec-that-bai-truoc-nga-3398954/