Ông Putin nói về tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ chống vũ khí siêu âm

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc tạo ra hệ thống phòng thủ chống lại vũ khí siêu âm là một trong những ưu tiên chính trong quá trình phát triển lực lượng hàng không vũ trụ Nga thời gian tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm nhà máy hàng không Kazan. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm nhà máy hàng không Kazan. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Putin cho biết, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu vũ khí siêu âm khi đề cập đến thử nghiệm thành công Avangard hồi đầu năm nay.

Người đứng đầu nước Nga cũng chỉ thị rằng các hệ thống phòng thủ siêu âm phải được phát triển và áp dụng trước khi bất kỳ quốc gia nào phát triển và sở hữu vũ khí siêu âm. Ông nói thêm rằng tầm quan trọng của lực lượng hàng không vũ trụ sẽ tăng lên trong tương lai gần.

"Chúng tôi biết chắc chắn rằng ngay bây giờ, chỉ có Nga sở hữu vũ khí siêu âm. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng các quốc gia hàng đầu thế giới sẽ sớm có được những vũ khí như vậy'", Tổng thống Putin nói.

Trong một cuộc họp cấp cao về sự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Nga, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng việc tăng cường kiểm soát không phận là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Lực lượng vũ trang của đất nước.

Tổng thống Nga chỉ ra những thành tựu mới nhất của Lực lượng Không quân vũ trụ Nga, như hoàn thành các thử nghiệm cho hệ thống phòng không S-350E "Vityaz" mới nhất. Ông Putin cũng lưu ý rằng các hệ thống hiện đại chiếm 82% tổng số vũ khí trong các lực lượng chiến lược của Nga.

Tổng thống nhấn mạnh thêm rằng trong quá trình phát triển, Lực lượng Vũ trang Nga sẽ tính đến những thay đổi trong lĩnh vực chính trị, cụ thể là quyết định của Washington rút khỏi hiệp ước INF, được công bố vào tháng 2/2019.

Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF vào tháng 2/ 2019 sau nhiều nỗ lực của Moscow để can ngăn Mỹ đưa ra quyết định như vậy. Washington tuyên bố Nga đã vi phạm một số điều khoản của hiệp định bằng cách thử tên lửa trong phạm vi bị cấm. Nga đã mời Mỹ đến dự trình diễn tên lửa đang được đề cập để cho thấy rằng nó hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF, nhưng sự kiện này không có sự tham gia của đại diện Mỹ.

Hiệp ước INF được Liên Xô và Mỹ ký kết năm 1987, cấm tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được trang bị vũ khí hạt nhân hoạt động ở cự ly từ 500 đến 5.500 km.

Thanh Huyền
Theo Sputnik, RT

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/ong-putin-noi-ve-tam-quan-trong-cua-he-thong-phong-thu-chong-vu-khi-sieu-am-1415343.tpo