Ông Putin sẵn sàng đối thoại, Ukraine ứng phó thế nào?

Nga khẳng định sẵn sàng đối thoại nào với Ukraine với bất kỳ định dạng nào nhưng có một điều kiện: tôn trọng thỏa thuận Minsk.

Tổng thống Nga trong cuộc nói chuyện với báo giới ngày 11/7 cho biết ông luôn sẵn sàng tiến hành bất kỳ dạng đôi thoại nào về vấn đề Ukraine với Tân Tổng thống Vladimir Zelensky.

Đồng thời, nếu có những đề xuất về việc cùng tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu liên quan đến Ukraine, nước Nga cũng không từ chối. Tuy nhiên, có một điều kiện nhỏ mà các bên sẽ phải đáp ứng với Nga: tất cả những cuộc thương lượng cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cũng trong ngày 11/7, Điện Kremlin cũng phát đi thông báo cho biết ông Putin và ông Zelensky đã có cuộc điện đàm ngắn. Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Ukraine tuyên thệ nhậm chức hôm 20/5.

Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng khẳng định nước Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Cuộc khủng hoảng giữa hai bên kéo dài đến bao lâu tùy thuộc vào quyết tâm hành động từ phía Kiev chứ không xuất phát từ ý định của Moscow.

Tổng thống Ukraine Zelensky mang đến luồng gió mới trong phong cách đối ngoại với Nga

Những tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau khi Tổng thống Zelensky hôm 8/7 đề nghị muốn được gặp ông Putin ở Minsk (Belarus) để tiến hành các cuộc thương lượng, bao gồm cả các cuộc gặp liên quan đến lãnh đạo của Đức, Pháp, Anh, Mỹ.

Như vậy để thấy, nhà lãnh đạo nước Nga tiếp tục chìa ra bàn tay hữu nghị đối với nước láng giềng Ukraine. Nếu Kiev muốn có các cuộc đàm phán, Moscow sẵn sàng dành cho họ những cuộc tiếp xúc. Chỉ có điều, những cuộc gặp gỡ ấy phải có nội dung và mục đích cụ thể.

Qua tuyên bố của ông Putin cũng cho thấy rằng Moscow đang hoàn toàn nắm thế chủ động trên bàn đàm phán, nếu diễn ra. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà ông Putin nhắc đến có thể hiểu như việc Kiev đã thay đổi quan điểm chính trị của mình, tự nhận thức được việc đối đầu với Nga không mang lại bước đột phá nào.

Kiev cần nhận thức được rằng tiếp tục duy trì đường lối chống Nga cũng như cách tiếp cận bạo lực với miền Đông Donbass như thời kỳ Tổng thống tiền nhiệm Poroshenko sẽ là "sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng" và tất nhiên, không mang lại hiệu quả.

Nga khẳng định quan điểm của mình: tôn trọng thỏa thuận Minsk, đàm phán trên cơ sở thiện chí hòa giải, thay vì các động thái đối đầu với nhau.

Ví dụ đầu tiên, trước khi có cuộc chính biến năm 2014, Nga và Ukraine có thỏa thuận thương mại tự do, thị trường hai nước không có ràng buộc, tạo lợi nhuận kinh tế cho cả hai bên. Sau cuộc chính biến để dựng lên một chính quyền thân phương Tây, Ukraine đánh mất hoàn toàn thị trường Nga. Nhưng đổi lại, họ không được tiếp cận thị trường EU.

Các thỏa thuận thương mại giữa EU và Kiev cho phép hàng hóa liên minh này tràn vào Ukraine không khoan nhượng, nhưng ở chiều ngược lại, EU đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn chất lượng mà phải nhiều năm tới, ngành sản xuất của Kiev mới có thể đạt được.

Tổng thống Nga có cách tiếp cận mềm mại hơn với Ukraine thời Zelensky so với thời Poroshenko trước đây

Tiếp đến, EU không cho Ukraine chỗ dựa về năng lượng, điều mà Nga vẫn đang cung cấp cho nước này. Bằng nỗ lực đối thoại, Kiev đã câu giờ lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu năng lượng của Nga từ tháng 6/2019 đến tháng 1/2020. Như vậy, nếu không có hành động phá băng, Moscow sẽ cắt nguồn năng lượng của Kiev. Đây gần như là án tử cho nền kinh tế và an sinh xã hội của quốc gia này.

Chưa kể đến việc Ukraine đang là nước tham nhũng nhất châu Âu, tỉ lệ thất nghiệp cao và nạn chảy máu lao động, chảy máu chất xám hoành hành. 5 năm chính biến, Ukraine đủ tỉnh táo để nhận ra rằng phương Tây không hoàn toàn là màu hồng.

Yuriy Boyko, lãnh đạo đảng Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống Ukraine, một trong 4 ứng cử viên dẫn đầu bầu cử vòng 1 vừa qua tại Ukraine đã thẳng thắn nhận định: "Kết quả bầu cử Tổng thống đã thể hiện rõ ràng sự bất mãn của người dân với chính sách cũ của chính quyền thân phương Tây. Đây là cái giá phải trả cho chính quyền ấy, quốc hội với những nghị sĩ chỉ biết đi vay tiền ấy".

Nhưng ngược lại, chính quyền Kiev hiện tại được dựng lên từ bạo loạn đường phố, từ cuộc cách mạng Euromaidan với tư tưởng bài Nga sâu sắc. Nếu không muốn một cuộc cách mạng màu tương tự nổ ra, tân Tổng thống Zelensky buộc phải cân đối quan hệ với cả phương Tây.

Như vậy, thế khó của ông Zelensky lúc này là tung hứng giữa Nga và Mỹ, giữa phương Đông với phương Tây. Sự cởi mở của chính quyền mới tại Kiev đã mang lại cho họ cách tiếp cận mềm mỏng hơn từ phía Nga. Nhưng câu chuyện cân bằng lợi ích thế nào giữa hai thái cực sẽ là bài toán chính trị cực khó giải của ông Zelensky.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-putin-san-sang-doi-thoai-ukraine-ung-pho-the-nao-3383683/