Ông Putin và lãnh đạo Nga có thể học gì từ Stalin?

Về 'nhảy vọt kinh tế' và đội quân bí mật 'những người không tham gia vào lực lượng lao động'.

Nhân đọc một số bài về kinh tế Nga, như “Người Nga chỉ cần làm việc 4 ngày một tuần” (DVO, 17/9/2019), xin được giới thiệu bài viết của Giáo sư Valentin Kasatonov có đề cập đến nội dung này đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 31/8/2019.

Xin giới thiệu rất ngắn về ông: Tiến sỹ kinh tế, Giáo sư Khoa tài chính quốc tế MGIMO (Trường Đại học Tổng hợp quan hệ quốc tế Matxcova trực thuộc BNG Nga), chuyên gia ngành kinh tế sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, phương thức chuyển dịch nguồn vốn quốc tế, kinh phí dự án, quản lý dự án, hệ thống tiền tệ- tín dụng, tài chính quốc tế, xã hội học kinh tế, lịch sử kinh tế và lịch sử các học thuyết kinh tế.

Sau đây là nội dung bài viết của V.Kassatonov:

Aleksandr Riumin//ТАSS (dòng chữ (tạm dịch) : Văn phòng giới thiệu(giao dịch) việc làm

Aleksandr Riumin//ТАSS (dòng chữ (tạm dịch) : Văn phòng giới thiệu(giao dịch) việc làm

Cái ngôn từ rất khó hiểu đối với những công dân Nga bình thường trong Sắc lệnh tháng Năm của Tổng thống Liên bang Nga (Sắc lệnh tháng Năm- Sắc lệnh của TT Nga V.Putin công bố ngày 7/5/2018):

“Về những mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ chiến lược phát triển LB Nga (giai đoạn đến năm 2024-ND) đã được chính quyền Nga “chuyển hóa” thành một loạt các câu khẩu hiệu nghe rất kêu. Một trong số đó- "Đất nước cần một bước đột phá". Đó được hiểu là “đột phá” về kinh tế và công nghệ.

Khái niệm “đột phá kinh tế” ở đây được giải thích là đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, đưa nước Nga lên vị trí thứ năm trên thế giới vào năm 2024 tính theo tiêu chí tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện giờ Nga đang đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng các quốc gia (theo tiêu chí này-ND)- giữa Đức (vị trí thứ năm) và Indonesia (thứ bảy).

Bất cứ một nhà kinh tế học ít nhiều có năng lực (thậm chí cả trong trường hợp anh ta được học theo các sách giáo khoa hiện đại “thấm đẫm” hệ tư tưởng kinh tế tự do) đều phải biết rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước, cần phải sử dụng đầy đủhiệu quả các nhân tố (nguồn lực) cơ bản của một nền sản xuất, đó là: 1) lực lượng lao động; 2) vốn (đầu tư vào nguồn vốn chủ yếu); 3) nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hiện tại, chính sách kinh tế của chính quyền Nga chỉ chăm chăm vào nhân tố cuối cùng trong ba nhân tố này– (khai thác) nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhưng thậm chí ngay cả những kết quả khiêm tốn đạt được từ khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng chảy qua ra nước ngoài dưới hình thức các dòng tiền (nên hiểu khái niệm nước ngoài ở đây là Phương Tây).

Nhưng còn vấn đề sử dụng hai nhân tố đầu tiên của nền sản xuất – lực lượng lao động và nguồn vốn – thì ở Nga, tình hình cực kỳ tệ. Hay nói một cách nhẹ nhàng nhất, - (Nga) đang không tận dụng hết hai nhân tố này.

Trong lịch sử kinh tế của thế kỷ trước, đã có một số nước đã hoàn thành được những “đột phá kinh tế” ngoạn mục. Những công trình nghiên cứu chi tiết tất cả các “đột phá kinh tế”, hoặc “những điều thần kỳ kinh tế” (ở Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, v.v.) đó chứng minh rằng nền tảng tạo nên những “đột phá”, “những điều thần kỳ kinh tế” như vậy chinh là chính sách “động viên kinh tế”, có nghĩa là tận dụng tối đa và hiệu quả cả ba nhân tố sản xuất.

Và lực lượng lao động luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Nhưng thực ra chúng ta (Nga) cũng không cần phải đi đâu quá xa để nghiên cứu các kinh nghiệm của nước ngoài.

Chỉ cần nhắc lại lịch sử của chính chúng ta là đủ– sự nghiệp công nghiệp hóa Xô Viết bắt đầu từ chín mươi năm trước (năm 1929) và đã biến Liên Xô thành một cường quốc công nghiệp mạnh.

Nếu không có công nghiệp hóa và cuộc động viên kinh tế, chúng ta đã không thể đánh sập được xương sống của nước Đức Phát xít. Cũng có thể, chúng ta (Nga) đã không còn hiện diện trên thế giới này nếu không có công nghiệp hóa và động viên kinh tế.

I.V. Stalin cùng thường nói về công nghiệp hóa, cũng đã từng sử dụng những từ mang tính biểu tượng như ‘đột phá”, “nhảy vọt”, “tăng tốc” v.v.

Và đây là một ví dụ cụ thể: trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị toàn liên bang lần thứ nhất của đại diện công nhân công nghiệp XHCN ngày 4/2/1931, Stalin nhấn mạnh: “ ... hiện giờ, chúng ta đã lật đổ chủ nghĩa tư bản, và chính quyền đã ở trong tay chúng ta, trong tay nhân nhân dân, chúng ta đã có một tổ quốc và chúng ta sẽ bảo vệ nền độc lập của tổ quốc chúng ta.

Các đồng chí có muốn Tổ quốc XHCN của mình bị đánh bại và bị mất quyền độc lập không?

Nhưng nếu các đồng chí không muốn (chuyện đó xảy ra), chúng ta khắc phục bằng được sự tụt hậu kinh tế trong thời gian ngắn nhất và phải phát triển với một tốc độ Bolshevik thực thụ (rất nhanh) trong công cuộc xây dựng nền kinh tế XHCN.

Không có bất kỳ một con đường nào khác. [...] Chúng ta tụt hậu so với các nước tiên tiến từ 50-100 năm. Chúng ta phải lấp đầy khoảng cách này trong vòng 10 năm. Hoặc là chúng ta làm được, hoặc là họ sẽ bóp chết chúng ta".

Nhưng sau những phát biểu này và những phát biểu khác của Stalin bao giờ cũng là những việc làm rất cụ thể. Bản chất của các hành động đó (của Stalin) là huy động tối đa cả ba nguồn lực cho sản xuất.

Nếu nói về lực lượng lao động, thì đó là một cuộc động viên khổng lồ cả về lượng lẫn về chất. Vào những năm 1920, khi (Chính quyền Xô Viết) bắt đầu áp dụng chính sách kinh tế mới (NEP), nạn thất nghiệp đã ở mức rất cao.

Chính quyền đã mở các văn phòng tìm kiếm (giới thiệu) việc làm và các văn phòng này đã tổng hợp, thống kê số lượng người thất nghiệp qua các đơn xin việc của công dân.

Các số liệu cụ thể như sau: giữa năm 1924, số người thất nghiệp đăng ký chính thức lên tới 1.344.000, trong đó có 355.000 là công nhân công nghiệp, 418.000 người làm các ngành nghề khác, phần còn lại là những người lao động không có tay nghề (lao động phổ thông).

Rõ ràng, con số thất nghiệp trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều, bởi vì không phải tất cả những người thất nghiệp đều đến đăng ký tại các văn phòng giới thiệu việc làm.

Bắt đầu từ năm 1927, tỷ lệ thất nghiệp chính thức bắt đầu giảm, các sàn giao dịch lao động lần lượt đóng cửa. Ngày 13/3/1930, sàn giao dịch lao động cuối cùng của Liên Xô- sàn giao dịch Matxcova chấm dứt hoạt động.

Sau đó, Liên Xô tuyên bố mình là quốc gia đầu tiên trên thế giới giải quyết dứt điểm nạn thất nghiệp. Và sau đó, bắt đầu xuất hiện xu hướng ngược lại: thiếu lao động trong nước, đặc biệt là trong ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp.

Nhưng nhà phê bình khó tính và ác ý thường luôn gắng chứng minh rằng Liên Xô hoàn thành được công cuộc công nghiệp hóa là nhờ các lao động GULAG (hệ thống trại cải tạo lao động tại Liên Xô- ND).

Vâng, đúng vậy, các tù nhân đã được sử dụng, nhưng số lượng tù nhân tham gia các công trình xây dựng công nghiệp hóa được dẫn trong các ấn phẩm có chất lượng đáng ngờ nói trên đôi khi bị phóng đại lên hàng chục lần. Để có thể đánh giá một cách nghiêm túc, tôi đề nghị những ai quan tâm nên sử dụng những nguồn rất đáng tin như:

“Lịch sử GULAG của Stalin. Cuối những năm 20 - nửa đầu những năm 1950". Tuyển tập này có 7 tập / Tập 3 là “Kinh tế học GULAG”/ Chịu trách nhiệm xuất bản. O.V. Khlevnyuk. – Nhà xuất bản M: ROSSPEN, 2004.

Trong những tài liệu phân tích được dẫn trong tuyển tập này có đánh giá về vai trò của tù nhân Gulag trong nền kinh tế Liên Xô từ cuối những năm 1920 đến giữa những năm 1950.

Rất tiếc, không thể tìm thấy các số liệu tổng hợp trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1928-1932-ND). Nhưng có con số ước tính cho năm 1935, cụ thể: trong năm đó, khối lượng công việc xây dựng do các tù nhân các trại cải tạo thuộc NKVD (Bộ Nội vụ, tức GULAG - ND) chỉ chiếm 6,2% tổng khối lượng công việc xây dựng.

Một trong những phương tiện quan trọng nhất để giải quyết vấn đề thiếu lao động trên các công trình xây dựng khi thực hiện các kế hoạch năm năm và trong các xí nghiệp công nghiệp tại các thành phố thời kỳ đó là tập thể hóa nền sản xuất nông nghiệp,- nhờ vậy đã góp phần tăng năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp- cách làm này tạo ra sự chuyển dịch mạnh nguồn lực lượng lao động dư thừa từ nông thôn vào thành phố.

Kế hoạch năm năm lần thứ nhất gắn liền với quá trình đô thị hóa rất nhanh. Lực lượng lao động thành thị tăng lên 12,5 triệu người, trong đó có 8,5 triệu người di cư từ nông thôn.

Động viên (tăng cường) số lượng đi kèm với động viên (cải thiện) chất lượng lực lượng lao động. Có nghĩa là áp dụng các biện pháp tăng năng suất lao động. Kể cả các biện pháp khuyến khích về mặt tinh thần (như phát động các phong trào thi đua XHCN, phong trào Stakhanov (noi gương thợ khai thác Stakhanov tại Mỏ than Donhets khai thác than gấp 13 lần định mức-ND), phong trào noi gương những người đưa ra các sáng kiến hợp lý hóa “quy trình” sản xuất.... .

Nào, còn bây giờ thì hãy quay trở lại mặt đất đầy tội lỗi này của chúng ta, tức nước Nga hiện nay.

Một thực tế đã không còn chỉ dừng ở mức vấn đề nữa, mà thậm chí đã trở thành một thảm kịch đối với nước Nga hiện nay– đó là mọi người không thể thể hiện được chính mình trong đời sống kinh tế (nói cách khác- không có việc làm). Nếu xét từ quan điểm kinh tế vĩ mô, đây là một vấn đề.

Nhưng nếu xét từ góc độ riêng của từng cá nhân- thì đó là cả một bi kịch. Và những người như vậy không phải chỉ có hàng trăm hay hàng ngàn, mà là nhiều triệu người. Hãy nhìn vào các số liệu thống kê.

Cách đây vài năm, Rosstat (Cơ quan Thống kê Nhà nước LB Nga) đã đưa vào “sử dụng” một khái niệm (thuật ngữ) mới về cái gọi là “những người không tham gia lực lượng lao động”.

Để lấy ví dụ làm rõ hơn, chúng ta hãy sử dụng nguồn số liệu của chính Rosstat về nguồn lực lao động Nga năm 2017 (từ bản tài liệu của Rosstat được công bố chính thức: “Lao động, Việc làm và Thất nghiệp ở Nga. 2018”. Những người được tính trong bảng thống kê lực lượng lao động là các công dân Nga độ tuổi từ 15 đến 72.

Chúng ta (Nga) có 110,2 triệu người như vậy (tổng dân số cả nước năm đó là 144,5 triệu người, tức chiếm 76,3% dân số).

Trong số này, số người tham gia lao động là 72,1 triệu người (đúng một nửa tổng dân số). Còn 4,0 triệu người khác- đã chính thức đăng ký thất nghiệp (chiếm 2,8% dân số).

Còn một nhóm người nữa – nhóm “những người không nằm trong thành phần lực lượng lao động” (một cách đặt tên khác- “những người không tham gia lực lượng lao động”).

Và nhóm này có 34,1 triệu người (chiếm 23,6% tổng dân số). Hoàn toàn có cơ sở nếu cho rằng trong số những người được xếp vào nhóm này có cả những người đã về hưu nhưng chưa quá 72 tuổi.

Đối với nam giới - từ 60 tuổi trở lên, đối với nữ giới- từ 55 tuổi. Số lượng những người như vậy là 18,9 triệu người.

Nhưng vẫn còn tới 15,2 triệu người khác (10,5% dân số cả nước) vẫn đang trong độ tuổi lao động, nhưng vì những gì do nào đó nên không nằm trong thành phần lực lượng lao động. Trong nhóm này có 5,9 triệu sinh viên đang theo học.

Nhưng nếu thế (trừ 5,9 triệu sinh viên) thì vẫn có tới 9,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động nhưng không làm việc.

Các cuộc khảo sát do Rosstat tiến hành trong các đại diện của nhóm người không nằm trong thành phần lực lượng lao động cho thấy rằng đại bộ phận trong số họ không tìm kiếm việc làm và cũng không có nguyện vọng làm việc. Số lượng “những người không tham gia” kiểu như vậy tương đương với dân số của một số nước Châu Âu như Thụy Điển, Hy Lạp hoặc Bồ Đào Nha.

Vậy những người “không tham gia (thị trường lao động)” đó là ai? Có thể, đây chính là những người lao động tự do- tức thành phần mà các cơ quan thuế của chúng ta đang tìm mọi cách để “lôi họ từ trong bóng tối” ra rồi ép đăng ký và buộc cống nạp (thuế).

Ở đây hoặc là công việc làm ăn kinh doanh “xám” (bán hợp pháp), thậm chí là “đen” (bất hợp pháp). Và đây cũng toàn là các công dân có sức khỏe, có khả năng lao động. Có một số người sau khi kiếm được nhiều tiền trong các phi vụ làm ăn không hợp pháp lắm hoặc thậm chí hoàn toàn không hợp pháp trong những năm “90 tàn bạo” tự cho mình quyền được “hạ cánh an toàn” và nghỉ ngơi xứng đáng”.

Nhân tiện cũng bổ sung thêm một thông tin là mới đây Rosstat đã công bố các dữ liệu về nền kinh tế bóng tối (ngầm) của Nga trong năm 2017.

Theo tính toán của các chuyên gia, quy mô nền kinh tế ngầm Nga lên tới 11,7 nghìn tỷ rúp, tức tương đương với 12,7% GDP. Đây có lẽ là kết quả hoạt động của chính “những người không tham gia lực lượng lao động” nói trên.

Tất cả các số liệu vừa dẫn ở trên cho thấy chúng ta (Nga) đang quá lãng phí một tiềm lực lao động khổng lồ: 4 triệu người chính thức thất nghiệp cộng với 9,3 triệu người “không tham gia (lực lượng) lao động” nhưng đang trong độ tuổi lao động. Tổng cộng là 13,3 triệu người.

Nếu như có thể thu hút họ vào các hoạt động kinh tế quốc dân hợp pháp, thì số lượng người chính thức làm việc ở nước ta sẽ đạt con số 85,4 triệu người. Có nghĩa là sẽ tăng 18,5% lực lượng lao động.

Việc thu hút một cách bài bản lực lượng lao động khổng lồ như vậy vào các hoạt động kinh tế quốc dân sẽ có thể đảm bảo tạo ra một “bước đột phá” như chính quyền Nga thường hay tuyên bố.

Từ tất cả những gì đã nói ở trên, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nghe xong phát biểu của một số nhà lãnh đạo và quan chức Nga. Cụ thể, chủ tịch đương nhiệm Cơ quan (Phòng) kiểm toán nhà nước LB Nga Alexei Kudrin (nguyên Bộ trưởng Bộ tài chính 2000-2011- ND) đã nhiều lần đưa ra luận điểm rằng nước Nga đang thiếu hụt lực lượng lao động.

Có cảm giác là Alexei Leonidovich (Kudrin, cách xưng hô trang trọng) không nắm được các số liệu của Rosstat về tình trạng thị trường lao động LBNga hiện nay và nói chung, hình như ông này đang không sống ở Nga.

Chúng ta (Nga) hoàn toàn không thiếu lực lượng lao động. Trái lại, chúng ta đang không sử dụng hết một nguồn lực lao động khổng lồ. Thêm nữa, nguồn lực này có chất lượng rất khác nhau. Cả lao động phổ thông và cả những lao động có trình độ rất cao.

Một điều rất đáng chú ý là theo chính các số liệu từ Rosstat thì trong đội ngũ khổng lồ những người “không tham gia thị trường lao động” đó có tới gần 40% là những người có trình độ đại học hoặc được đào tạo nghề bài bản.

Vậy hóa ra, các trường đại học và các cơ sở giáo dục đào tạo khác của Nga cứ tiếp tục cho ra lò hàng triệu chuyên gia, nhưng những người được đào tạo này sau đó ra nước ngoài hoặc biến mất trong cái xã hội bí ẩn "những người không tham gia lực lượng lao động".

Lẽ ra, người đứng đầu chính phủ của chúng ta nên giải thích với Alexei Leonidovich rằng ông ấy đã không đúng. Nhưng, có vẻ như, Dmitry Anatolyevich (Medvedev- cách gọi trang trọng-ND) còn quyết định đi xa hơn cả Kudrin.

Ở đây, ý tôi muốn nói tới là tuyên bố gây tiếng vang của ông về khả năng nước Nga có thể chuyển sang thực hiện chế độ một tuần làm việc bốn ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong sắc lệnh tháng Năm của mình đòi phải có một bước “đột phá kinh tế” và giao chính phủ chịu trách nhiệm giải quyết nhiệm vụ này.

Đúng ra, chính phủ nên bắt đầu bằng một cuộc chiến chống thất nghiệp chính thức, cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm thu hút đội quân khổng lồ của những "người không tham gia (thị trường) lực lượng lao động" để giải quyết các nhiệm vụ của Sắc lệnh tháng Năm.

Nhưng thay vào đó, chúng ta được chứng kiến những sáng kiến còn hơn cả kỳ lạ có bản chất hoàn toàn trái ngược (với những việc cần làm) từ phía chính phủ.

Sáng kiến kiểu trên (tuần làm việc bốn ngày) không phải là ‘động viên”, mà ngược lại- cho “xuất ngũ” nguồn lực lao động của đất nước. Toàn là các tạp âm trên thượng tầng quyền lực. Sự đổ nát trong đầu các quan chức của chúng ta có nguy cơ dẫn đất nước đến bờ vực sụp đổ.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ong-putin-va-lanh-dao-nga-co-the-hoc-gi-tu-stalin-3387852/