Ông Sơn Khiển, người có uy tín đóng góp nhiều cho phum sóc đồng bào Khmer

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vận động bà con chấp hành, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào xây dựng Nông thôn mới, sự đóng góp tích cực ấy, ông Sơn Khiển người dân tộc Khmer được người dân ở ấp Trà Do, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng chọn là người có uy tín tại địa phương.

Từ đó, ông tiếp tục phát huy vai trò của mình, cùng với chính quyền địa phương xây dựng phum sóc ngày càng khởi sắc, văn minh, giàu đẹp.

Ông Sơn Khiển (bên trái) là người có uy tín có nhiều đóng góp cho phum sóc

Chỉ tay về cánh đồng lúa vụ Đông Xuân sớm đang ở giai đoạn trổ bông, dự kiến sẽ cho năng suất cao, ông Sơn Khiển chia sẻ, những vụ gần đây, nhờ lúa có giá nên lợi nhuận rất cao. Nói tới đây, ông Khiển khoe về kỹ thuật canh tác lúa của ông và người dân địa phương, đó là không còn canh tác theo truyền thống lạc hậu như trước nữa mà hầu hết đều chuyển sang sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, từ lâu bà con đã biết áp dụng phương pháp trồng lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, giúp năng suất luôn đạt cao, khoảng 7 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất, cùng với thời điểm này, lúa đang có giá cao, nên người dân càng thêm phấn khởi. Ông Khiển cho biết: "Gia đình tôi có tham gia tập huấn các kỹ thuật trồng lúa do ngành nông nghiệp tổ chức, hướng dẫn gieo sạ lúa thì giảm lượng giống. Trước đây mình thường gieo sạ trên 20kg giống, giờ giảm chỉ còn khoảng 15kg giống. Khi làm thấy hiệu quả, lúa sinh trưởng tốt, khi thấy có năng suất, lợi nhuận khá cũng rủ bà con làm theo bởi ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo làm như vậy để đạt hiệu quả cao nhất.

Đã 60 tuổi, nhưng ông Sơn Khiển rất tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa và chăn nuôi. Với tinh thần là người tiên phong trong áp dụng quy trình mới, sử dụng công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, khi thấy hiệu quả, ông liền chia sẻ, vận động người dân làm theo.

Ông cũng là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương

Hiện nay, ông Khiển sản xuất 3ha lúa với mỗi năm làm 3 vụ. Trong vụ vừa rồi, ông trồng giống lúa chất lượng cao, gồm các giống OM và Đài Thơm 8, cho năng suất trên 7 tấn/ha. Ông bán với giá 8.000 đồng/kg lúa tươi, trừ chi phí xong, lợi nhuận gần 25 triệu đồng/ha.

Là nông dân cần cù, chịu khó nên ngoài trồng lúa, ông còn làm thêm nghề nuôi bò và muôi heo hơi. Trong 2 loại vật nuôi này, nuôi heo được xem là nghề truyền thống của gia đình, khi đã gắn bó với ông từ lâu với mỗi năm gia đình nuôi 3 lứa, lời nhuận trên 40 triệu đồng. Riêng chăn nuôi bò, ông đã phát triển được 6 con, đây là vật nuôi mà ông dự định cho kinh tế lâu dài và sẽ tiếp tục nhân đàn trong thời gian tới. Ông Hứa Ngọc Tâm, công chức văn hóa-xã hội xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ về ông Sơn Khiển: "Chú Khiển thường xuyên vận đồng bào con, tham gia sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi để làm sao đạt hiệu quả năng suất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đặc biệt chú rất tích cực tham gia trong vận động mạnh thường quân các phần quà để tặng cho người dân nghèo nhân dịp lễ, tết".

Ông Sơn Khiển còn phát huy tích cực trong vai trò là người có uy tín tại địa phương, luôn gương mẫu, đi đầu tại phum sóc, đồng hành cùng địa phương hoàn thành tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong những năm qua, ông Khiển đã cùng với chính quyền địa phương tham gia thực hiện hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong bà con nhân dân, góp phần giúp ấp Trà Do luôn đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội ổn định, chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đoàn kết, tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, vận động bà con trồng hoa, cây xanh hai bên đường, đóng góp và vận động kinh phí lắp hệ thống đèn chiếu sáng tạo cảnh quan đường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp...

Ông Sơn Khiển chia sẻ thêm: "Nhận thức được bản thân mình là người có uy tín tại địa phương. Vì vậy, tôi luôn phát huy vai trò đó, đầu tiên là vận động gia đình mình trước, chấp hành thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phải giữ gìn môi trường sạch đẹp. Vận động bà con tham gia bảo vệ môi trường để vùng nông thôn luôn được xanh-sạch-đẹp, tránh được các dịch bệnh pháp sinh.

Ông rất tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội

Sóc Trăng hiện có trên 600 người có uy tín. Thời gian qua, những người có uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người có uy tín còn kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; tham gia giải quyết các vụ mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, giải phóng mặt bằng để xây dựng, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội... hay vận động đóng góp nguồn lực để cùng chính quyền thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên 127 tỷ đồng.

Ông Lý Rotha, Trường Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: "Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò trong hoạt động cộng đồng. Cụ thể tham gia hòa giải tại cơ sở, tham gia vận động bà con đồng thuận thực hiện một số chủ trương lớn của Trung ương, cũng như triển khai một số chủ trương của tỉnh. Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng được Trung ương đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, khi mặt giải tỏa mặt bằng người có uy tín tham gia triển khai rất tốt và đảm bảo thời gian đã cam kết với chính phủ.

Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc của tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết, “hạt nhân” tích cực và là “điểm tựa” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ong-son-khien-nguoi-co-uy-tin-dong-gop-nhieu-cho-phum-soc-dong-bao-khmer-post1064905.vov