Ông Tây mê đắm…Bru-Vân Kiều

Ông Tây ấy là Giáo sư, Nhà nhân học văn hóa-xã hội người Hungary Vargyas Gábor. Sau 30 năm trở lại Quảng Trị, Vargyas Gábor đã mang theo món quà vô giá để tặng huyện rẻo cao Hướng Hóa, nơi ông nhận là quê hương thứ 2 của mình với cuộc trưng bày ảnh 'Thần linh, tổ tiên và thầy cúng người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn'.

Trong buổi trưng bày ảnh tại Hướng Hóa, Giáo sư Vargyas Gábor luôn bên cạnh vợ chồng Pả Toàn, Pỉ Toàn-những người từng giúp đỡ ông trong công tác nghiên cứu từ 30 năm trước

Đó là 75 bức ảnh và cuốn sách “Bất chấp định mệnh” lột tả vẻ đẹp sinh động về các phong tục, nghi lễ, nghi thức cổ xưa của người Bru-Vân Kiều do chính Vargyas Gábor dày công thực hiện trong 24 tháng. Ông cùng sinh sống với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị bằng niềm đam mê nghiên cứu cháy bỏng và tình yêu mãnh liệt với mảnh đất, con người nơi đây.

NGÔI NHÀ ẤM HƯỚNG LINH

Vargyas Gábor là Giáo sư chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á lục địa và Papua New Guinea. Ngoài những chuyến thực địa ngắn ngày, ông có những chuyến nghiên cứu sâu, kéo dài hằng năm trời. Tiêu biểu trong đó, từ năm 1985-1989, Vargyas Gábor đã dừng chân tại vùng núi trung du Việt Nam, cụ thể là xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa để nghiên cứu về cuộc sống và văn hóa của cộng đồng người Bru-Vân Kiều. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Nesprajzi Múzeum (Bảo tàng Dân tộc học) tại Budapest. Thời gian này, mặc dù chiến tranh đã kết thúc, song ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Hungary nên Vargyas Gábor có thể thực hiện việc nghiên cứu của mình một cách tốt đẹp tại Quảng Trị.

Hướng Linh ở giữa đại ngàn Trường Sơn là điểm chọn dừng chân nghiên cứu của vị giáo sư người Hungary. Ông ở lại trong một ngôi làng heo hút của người Vân Kiều trong suốt 24 tháng. Vargyas Gábor bảo, ấn tượng ban đầu khi ông đặt chân đến Hướng Linh là khung cảnh núi rừng ở đây như trong truyện cổ tích, rất lãng mạn. Ông được gia đình Pả Toàn và Pỉ Toàn, người Vân Kiều ở bản Coóc cho tá túc dài ngày và trở thành thành viên của gia đình họ. Ông đã sống, ăn, ngủ và làm việc, chia sẻ cùng họ niềm vui và nỗi buồn. Ông học ngôn ngữ của họ và dành tất cả thời gian, sức lực để tìm hiểu về văn hóa Bru-Vân Kiều với góc nhìn của người trong cuộc. Để tới được ngôi làng này, ông phải đi bộ cả ngày đường rừng và vượt qua sông trên những chiếc cầu treo rất nguy hiểm. Ở đó không có điện, đài hay tivi, cửa hàng, bưu điện hoặc trạm y tế, nhưng kỳ thú thay, ông đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của đồng bào nơi đây và ngày càng gắn bó với họ.

Trong suốt thời gian ở Hướng Linh, Vargyas Gábor bám sát mọi hoạt động sinh hoạt văn hóa dân tộc của người Bru-Vân Kiều, tỉ mẩn ghi chép, chụp lại những bức ảnh quý về đề tài thần linh, tổ tiên, thầy cúng mà hiếm ai có thể thực hiện được. “Với tôi, những năm tháng ở Hướng Linh, chung sống với người Bru-Vân Kiều, được hòa mình vào thiên nhiên là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời nghiên cứu của mình”, Giáo sư Vargyas Gábor bộc bạch.

Thầy PHÙ THỦY

Sau 30 năm kể từ ngày rời xa Hướng Linh, Giáo sư Vargyas Gábor trở lại Việt Nam với kết quả đầu tư nghiên cứu về đời sống sinh hoạt của người Bru - Vân Kiều. Ông đem theo 75 tấm ảnh đủ kích cỡ được ông thực hiện trong thời gian ở Hướng Linh và trực tiếp tham gia bài trí ảnh tại gian phòng rộng rãi của Nhà Văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều-Pa Kô Hướng Hóa. Mỗi bức ảnh của vị giáo sư ghi lại mỗi khoảnh khắc của phong tục tập quán diễn ra của người Bru-Vân Kiều và được chú thích rõ ràng bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. “Những bức ảnh của Vargyas Gábor có nhiều sắc thái khác nhau, tạo nên một bức tranh sống động về đời sống tâm linh cũng như sinh hoạt thường nhật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Bru-Vân Kiều. Mặt khác, đây còn là một công trình nghiên cứu có ý nghĩa to lớn trong công cuộc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa di sản, các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều huyện Hướng Hóa nói riêng”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.

… Trở lại Hướng Hóa, động thái đầu tiên mà Vargyas Gábor làm là tìm gặp những ân nhân đã cưu mang mình ngày ấy ở Hướng Linh là gia đình Pả Toàn, Pỉ Toàn. Ngày khai mạc trưng bày ảnh về đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều tại Hướng Hóa, nhiều người ấn tượng khi thấy ông giáo sư Tây từ lúc xuất hiện đến khi xong buổi khai mạc chả lúc nào rời vợ chồng Pả Toàn, Pỉ Toàn. Đi đâu, làm gì Vargyas Gábor cũng dắt tay họ cùng trò chuyện với họ rất thân mật. “Dù lâu năm không gặp lại nhưng gia đình tôi và Vargyas Gábor vẫn không có cảm giác gì xa lạ. Ông ấy luôn thiện cảm, ân cần, chu đáo với mọi người như ngày xưa ở cùng nhà”, Pỉ Toàn cười, bảo. Những ngày ở bản Coóc dân bản luôn xem ông như một người Vân Kiều, sẵn sàng chia sẻ với ông những câu chuyện trong cuộc sống sinh hoạt, giúp ông nghiên cứu thuận lợi hơn. Chúng tôi thực sự xúc động bởi đến bây giờ khi gặp lại Vargyas Gábor vẫn còn nhớ rõ nhiều từ của người Vân Kiều. Ở bên ông, chúng tôi luôn có một niềm tin yêu về cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Những bức ảnh về “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn”, sau khi đã trưng bày nhiều nơi trên thế giới và ở 2 thành phố lớn Việt Nam là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ở huyện Hướng Hóa, Vargyas Gábor quyết định trao tặng toàn bộ số ảnh này để trưng bày tại một ngôi nhà đẹp của người Bru-Vân Kiều đó là Nhà Văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều- Pa Kô Hướng Hóa. Đây là món quà vô giá đối với địa phương. Tiến sĩ Óry Csaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary, Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội nói về Giáo sư Vargyas Gábor một cách đầy kính trọng như thế này: “Vargyas Gábor, chúng ta có thể gọi ông là một “thầy phù thủy” thực thụ. Ông đã giúp chúng ta hiểu được những điều tưởng như vô lí về cuộc sống con người. Với sự giúp đỡ của người Bru-Vân Kiều, ông đã kể cho chúng ta biết chúng ta là ai. Chúng ta thực sự trân trọng ông bởi điều đó”.

Những bức ảnh tiêu biểu về người Pako- Vân Kiều

Để quảng bá hình ảnh Hungary tại Việt Nam và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học giữa 2 nước, Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary đã quyết định tổ chức triển lãm ảnh tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị với chủ đề “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng người Bru - Vân Kiều ở dãy Trường Sơn” do tác giả Vargyas Gábor thực hiện.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ong-tay-me-dambruvan-kieu-1398072.tpo