Ðộng thái bất ngờ

Sau cuộc gặp cấp cao lịch sử giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và người đồng cấp Nga V.Putin vừa qua, giới phân tích đã kỳ vọng về một trang mới trong quan hệ Mỹ - Nga. Tuy nhiên, những ngày gần đây Washington lại quyết định áp đặt lệnh trừng phạt chống Moscow và hai bên không ngừng chỉ trích lẫn nhau, đẩy quan hệ song phương Nga - Mỹ quay trở lại trạng thái căng thẳng.

Tổng thống Trump (bên trái) và Tổng thống Putin bắt tay nhau tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, tháng 7-2018. (Ảnh: Reuters)

Sau cuộc gặp cấp cao giữa hai nguyên thủ Nga - Mỹ cách đây không lâu, quan hệ song phương đã có những tín hiệu khởi sắc. Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo đã điện đàm với người đồng cấp Nga S.Lavrov để cụ thể hóa những cam kết tại cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ trước đó. Theo đó, hai bên đã thảo luận tình hình ở Syria, cách thức phối hợp chống khủng bố và thiết lập kênh đối thoại giữa các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức phi chính phủ của hai nước. Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước cũng thảo luận về sự cần thiết của việc Nga tiếp cận ngoại giao cân bằng và tương hỗ đối với Mỹ. Triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ còn "rộng mở" hơn khi điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã nhận được lời mời tham dự một hội nghị cấp cao với Tổng thống Mỹ Trump tại Washington vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, "ngày vui ngắn chẳng tày gang", quan hệ Mỹ - Nga đã trở lại tình trạng căng thẳng trong những ngày gần đây sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga với cáo buộc Moscow liên quan vụ cựu điệp viên Nga được cho là bị đầu độc tại Anh. Những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 22-8 tới và được thực thi thành hai đợt, trong đó có việc cấm cấp giấy phép xuất khẩu các hàng hóa an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga.

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước căng thẳng, ngày 10-8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo và người đồng cấp Nga Lavrov có cuộc điện đàm, nhưng thay vì bàn nội dung hợp tác, họ chủ yếu thể hiện lập trường cứng rắn hoặc chỉ trích đối phương. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đã khẳng định lập trường của Moscow phản đối các biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt nhằm vào Nga. Trước đó, Tổng thống Nga V.Putin trong cuộc thảo luận với các thành viên Hội đồng An ninh Liên bang Nga về lệnh trừng phạt mới của Mỹ, đã chỉ trích động thái này là "hoàn toàn bất hợp pháp", đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Việc quan hệ Nga - Mỹ "nóng lạnh bất thường" đã gây bất ngờ với cộng đồng quốc tế. Giới phân tích nhận định, việc Washington lấy cớ vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc để trừng phạt Nga khó có thể khiến Moscow "tâm phục khẩu phục", bởi không đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh Nga đứng sau vụ đầu độc. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trừng phạt Nga là biện pháp "cực chẳng đã" mà Tổng thống Mỹ Trump phải áp dụng nhằm xoa dịu những dư luận phản đối từ nội bộ chính giới Mỹ rằng ông đã không thể hiện lập trường cứng rắn với Moscow. Sau cuộc gặp được cho là hữu nghị và mềm mỏng với Tổng thống Nga tại Phần Lan, ông Trump đã hứng không ít "búa rìu dư luận" trong chính giới Mỹ vì đã không hề nhắc tới các lệnh trừng phạt Nga hay vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh hồi đầu năm nay. Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã không hài lòng về kết quả cuộc gặp cấp cao này, vì cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ" để quy trách nhiệm cho Nga trong nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, hệ lụy của đòn trừng phạt lần này là ông Trump có thể đã đóng lại cánh cửa cải thiện quan hệ với Nga mà chính ông vừa mở ra. Các nhà phân tích dự báo rất khó có thể tổ chức cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ lần hai trong tương lai gần. Một hệ lụy nữa với nước Mỹ khi gia tăng trừng phạt Nga là các biện pháp này không những không ngăn được Moscow phát triển, mà còn có nguy cơ khiến Liên hiệp châu Âu (EU) xa lánh Mỹ. Việc Washington trừng phạt Moscow sẽ khiến sự rạn nứt trong EU gia tăng và cũng làm mối quan hệ của Mỹ với các đối tác châu Âu trở nên xấu đi. Hiện, các nước EU đã chia làm hai phe, một số nước ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi số còn lại phản đối điều này, bởi ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ. Trên thực tế, một bản báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc công bố mới đây cho thấy, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế EU mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD. Bởi vậy, Mỹ gia tăng trừng phạt Nga sẽ càng khiến EU gánh chịu thiệt hại.

Những diễn biến nêu trên và mối tương tác quan hệ "tay ba" Mỹ - Nga - EU đang cho thấy sự phức tạp trong những chính sách điều chỉnh quan hệ song phương giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga. Với việc ông Trump bày tỏ thiện chí rồi lại trừng phạt Nga, có thể thấy quan hệ giữa hai cường quốc này vẫn trong tình thế bấp bênh, khó đoán và điều này hoàn toàn không có lợi cho ổn định, phát triển ở châu Âu cũng như toàn cầu.

ÐÔNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37308802-%C3%B0ong-thai-bat-ngo.html