Ông Trần Công Thiện sẽ bị xử lý thế nào nếu vướng tội cố ý làm trái?

UBKT Thành ủy kiến nghị Ban cán sự Đảng chỉ đạo UBND TP.HCM, yêu cầu Thanh tra Thành phố làm rõ có hay không hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật và Thành ủy của ông Trần Công Thiện trong việc tham mưu đề xuất giá chuyển nhượng hơn 32 ha đất Phước Kiển, Nhà Bè. Vậy, nếu có dấu hiệu vi phạm tội danh trên, ông Thiện sẽ bị xử lý như thế nào?

Như Báo Người Tiêu Dùng đã thông tin, ngày 5/5, UBKT Thành ủy đã chính thức có thông báo kết quả kiểm tra vi phạm liên quan đến vụ Công ty Tân Thuận bán rẻ hơn 32 ha đất Phước Kiển, Nhà Bè cho Quốc Cường Gia Lai. Theo đó, UBKT Thành ủy đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với 5 cán bộ lãnh đạo của Công ty Tân Thuận liên quan đến vụ việc gồm: Trần Công Thiện - Bí thư chi bộ, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh; Nguyễn Hoàng Việt - Kiểm soát viên; Trần Tấn Hải - Phó Bí thư chi bộ, Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Xuân Tùng - Trường phòng Kinh tế tổng hợp; Nguyễn Thị Ngọc Bích - Kế toán trưởng.

Phi vụ bán hơn 32 ha đất trị giá hơn 2.500 tỷ với giá rẻ bèo 419 tỷ đồng cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong quản lý tài sản công (Ảnh: Hiếu CT)

Trong danh sách này, ông Trần Công Thiện được xác định là người chịu trách nhiệm chính trong những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến thương vụ chuyển nhượng hơn 32 ha đất, giá 419 tỷ đồng trong khi giá trị thực tế lên đến hơn 2.500 tỷ đồng. Vì vậy, UBKT Thành ủy đã quyết định cách hết chức vụ trong Đảng đối với cá nhân ông Thiện.

Đồng thời, kiến nghị Ban cán sự Đảng chỉ đạo UBND Thành phố, yêu cầu Thanh tra làm rõ có hay không hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật của ông Trần Công Thiện trong việc tham mưu đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Nếu có hành vi cố ý làm trái sẽ chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 165, luật hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Như vậy, nhiều khả năng ông Thiện sẽ vướng tội danh cố ý làm trái quy định của pháp luật. Tuy vậy, theo Luật sư Nguyễn Viết Giao - Đoàn Luật sư TP.HCM, BLHS mới năm 2015 lại không đề cập đến tội danh cố ý làm trái mà quy tội này thành 9 tội danh khác nhau, được thể hiện rất rõ tại mục 3 Chương 18 của BLHS năm 2015 (Điều 217 đến Điều 234).

9 tội danh thay thế tội cố ý làm trái gồm: Vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217); Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224), Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Điều 225).

Luật sư Giao nhận định, xét trong luật mới, trường hợp có ông Trần Công Thiện, có dấu hiệu vi phạm điều 219 hoặc 220.

Tuy nhiên, Luật sư Giao cũng nhấn mạnh: “Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội quy định đối với hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 165 của BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1.1.2018, mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý. Trường hợp này, nếu có vi phạm thì nhiều khả năng vẫn sẽ xử lý theo tội cố ý làm trái như BLHS năm 1999 và giống với đề xuất thanh tra toàn diện của UBKT Thành ủy, vì giao dịch chuyển nhượng giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai diễn ra trong năm 2017”.

Võ Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/ong-tran-cong-thien-se-bi-xu-ly-the-nao-neu-vuong-toi-co-y-lam-trai-d67788.html