Ông Trần Thủy Biển nói Đài Loan không nên kỳ vọng vào Mỹ

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 5.9, cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Trần Thủy Biển vừa có cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ 10 năm nay, với báo Sankei Nhật Bản.

Ông Trần Thủy Biển khi bị bắt - Ảnh: CNN

Nói về quan hệ Đài Loan - Mỹ, ông Trần nói nay là thời điểm tốt để đào sâu quan hệ, và Đài Loan có thể đạt lợi thế từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện tại.

Nhưng vị cựu lãnh đạo cũng cảnh báo xã hội Đài Loan chớ nên kỳ vọng quá nhiều vào chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chỉ xem Đài Loan như một chốt thí.

Vị cựu lãnh đạo nói: “Chính quyền Trump giả bộ thân thiện với Đài Loan, nhưng thực tế thì từ lâu Đài Loan chỉ là lá bài để Mỹ chống lại Trung Quốc”, và ông nói thêm rằng bà Thái “chớ nên kỳ vọng quá nhiều vào chính phủ Trump”.

Ông Trump đã ký Luật đi lại Đài Loan (cho phép trao đổi quan hệ cấp cao giữa Mỹ - Đài) trong khi Luật ủy quyền quốc phòng cho phép trao đổi quan hệ quân sự Mỹ - Đài, và Mỹ có thể bán nhiều vũ khí hơn cho Đài Bắc.

Ông Trần còn chỉ trích chính quyền bà Thái giữ khoảng cách với chính phủ Nhật Bản thời Thủ tướng Shinzo Abe, người có thiện chí với Đài Loan nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo Nhật nào khác.

Ông Trần còn chỉ trích chính quyền Mã Anh Cửu (một cựu lãnh đạo khác của Đài Loan, đã có chính sách đối ngoại quá nhu nhược trước Trung Quốc, vì Quốc dân đảng (ông Mã là thành viên) có quan điểm thân thiện với Bắc Kinh.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, ông Trần gợi ý chính quyền Đài Loan dưới quyền bà Thái Anh Văn nên tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tương lai với Trung Quốc, nhằm cho thế giới có cơ hội nghe được quan điểm của người dân Đài Loan.

Bà Thái là lãnh đạo Dân Tiến luôn tuyên bố muốn giữ tình hình nguyên trạng hiện nay, trong khi Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh, nếu cần thiết sẽ dùng vũ lực để thu hồi về Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã đưa tàu chiến, máy bay tập trận gần Đài Loan để hù dọa, và vận động các nước khác cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, yêu cầu lĩnh vực tư nhân - như các hãng hàng không, tổ chức quốc tế - xem Đài Loan như một phần của Trung Quốc.

Bài báo đăng ảnh ông Trần Thủy Biển vi phạm lệnh cấm tiếp xúc báo chí - Ảnh: SCMP

Ông Trần từng bị kết án 19 năm tù vì tội tham nhũng, nhưng sau 5 năm thụ án tù, ông được trả tự do với lý do sức khỏe suy yếu. Ông nói bản án này là kết quả của “một trò săn phủ thủy chính trị”, nhưng ông sẵn sàng “bị đóng đinh” vì nền dân chủ của Đài Loan.

Theo SCMP, việc ông Trần trả lời phỏng vấn của báo Nhật, có thể khiến ông bị buộc tội vi phạm điều kiện cấm tiếp xúc với giới báo chí, cấm phát biểu ở bất kỳ sự kiện chính trị nào. Đó là những điều kiện bắt buộc, khi ông Trần được tha tù sớm.

Theo báo Sankei, ông Trần “nói chuyện” với các kiều dân Đài Loan ở Nhật về, ở thành phố Cao Hùng (Đài Loan) và có sự hiện diện của một phóng viên báo Sankei.

Cơ quan tư pháp Đài Loan nói Nhà tù Taichung có quyền quyết định ông Trần có vi phạm các điều cấm hay không. Đó là nơi ông từng bị giam. Nhưng lãnh đạo nhà tù quyết định không xử lý gì đối với vị cựu lãnh đạo.

Nhưng một thành viên Quốc dân đảng cáo buộc chính quyền bà Thái làm ngơ cho ông Trần, người cùng đảng Dân tiến với bà.

Bích Ngọc (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ong-tran-thuy-bien-noi-dai-loan-khong-nen-ky-vong-vao-my-96039.html