Ông Trump căng với Iran, Trung Quốc và Triều Tiên ảnh hưởng thế nào?

Các nước châu Á có thể sẽ chịu tác động theo nhiều cách khác nhau, với các rủi ro kinh tế nhằm vào Trung Quốc và các thuận lợi chiến lược hướng đến Triều Tiên.

Quan hệ Mỹ - Iran rạn nứt mạnh đang khiến Trung Quốc đau đầu về mặt kinh tế nhưng lại tạo ra cho Triều Tiên nhiều cơ hội chiến lược. Đó là nhận định của các chuyên gia sau khi chứng kiến loạt diễn biến nóng bỏng những ngày đầu năm 2020 giữa Mỹ và Iran.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Trump không kích giết chết tướng Qassem Soleimani ở Baghdad đã dẫn tới đòn trả đũa của Iran phóng nhiều tên lửa vào các căn cứ có lính Mỹ ở Iraq. Thực tế này, theo báo Al Jazeera làm trầm trọng thêm nguy cơ bất ổn ở Trung Đông, khiến Trung Quốc – một khách hàng dầu lửa chính của Vùng Vịnh – lo ngại.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) thăm Bắc Kinh hồi tháng 8/2019. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) thăm Bắc Kinh hồi tháng 8/2019. (Ảnh: AP)

Các nguồn cung cấp dầu then chốt là Ảrập Xêút và Iraq – nước xuất 100.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho Trung Quốc kể từ tháng 10 như một phần của thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bắc Kinh cũng là khách hàng lớn nhất mua dầu thô Iran, dù nhập khẩu giảm mạnh kể từ khi các lệnh miễn trừ cấm vận của Mỹ hết hạn năm ngoái. Vào tháng 11, Trung Quốc mua hơn 500.000 tấn dầu thô từ Iran, thấp hơn nhiều so với con số 3,04 triệu tấn hồi tháng 4, theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc.

Đối với Bình Nhưỡng, vấn đề thiên về chính trị nhiều hơn. Chính quyền Kim Jong Un có thể nhìn nhận vụ không kích giết tướng Iran như dấu hiệu cho thấy Mỹ đang theo đuổi một sự thay đổi chế độ, và sẽ nối lại chương trình hạt nhân để tự vệ, theo các nhà nghiên cứu chiến lược.

Trong phiên bản tiếng Anh mới đây, tờ Global Times lên án hành động của chính quyền Trump, cáo buộc Washington lợi dụng khủng hoảng Iran để gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc.

"Mục đích là ngăn cản phát triển của Trung Quốc bằng cách lôi kéo, hoặc làm cho Trung Quốc vướng vào xung đột quân sự", tờ báo viết. "Xung đột Mỹ - Iran đúng với chiến thuật này, vì Trung Quốc phụ thuộc ngày càng lớn vào năng lượng từ Iran và các nước Trung Đông khác, khiến nước này dễ tổn thương trước những nhiễu loạn khu vực”.

Ít lựa chọn

Trung Quốc chỉ trích gay gắt hành động của Mỹ nhưng không làm được gì nhiều, theo giới phân tích.

"Trung Quốc muốn tránh né xung đột thêm trong quan hệ với Mỹ, vì đảm bảo sự ổn định khu vực và chấm dứt thương chiến hiện đang là ưu tiên hàng đầu về đối ngoại", Al Jazeera dẫn lời Kaho Yu – một nhà phân tích cấp cao của hãng tư vấn Verisk Maplecroft ở Singapore.

Kể từ năm 2018, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lao vào cuộc chiến thuế quan khiến nhiều ngành của Trung Quốc gặp khó. Mức tăng trưởng 6% của nước này trong 3 tháng cuối năm 2019 là thấp chưa từng có kể từ 1992 do xuất khẩu và sản xuất suy giảm.

Bắc Kinh có thể sẽ không còn đủ mạnh để tiếp tục cuộc chiến tranh thương mại, theo Tony Nash – người sáng lập hãng trí tuệ nhân tạo Complete Intelligence và cũng là một nhà quan sát Trung Quốc lâu năm. Yếu tố Iran có thể làm giảm đòn bẩy của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington.

"Ông Trump có thể sẽ dùng chuyện làm ăn của các công ty Trung Quốc với Iran như tấm thẻ mặc cả trong đàm phán thương mại", ông Kaho Yu nhận định.

Bình Nhưỡng

Hành động của Tổng thống Trump đối với Iran thường có xu hướng làm dấy lên lo ngại về Triều Tiên, và lần này cũng không ngoại lệ, theo các chuyên gia phân tích chiến lược. Năm 2018, khi nhà lãnh đạo Mỹ đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc thế giới năm 2015, nhiều người đã lo ngại Triều Tiên có thể sẽ rời xa con đường ngoại giao.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Cuối tháng 12/2019, Chủ tịch Kim Jong Un cảnh báo về một "vũ khí chiến lược mới", sau khi tiến hành một loạt vụ thử tên lửa kể từ khi hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 với Tổng thống Trump đổ vỡ. Một số ý kiến cho rằng, cái chết của tướng Iran càng tiếp sức cho tham vọng của Bình Nhưỡng.

"Mỹ giết một vị chỉ huy cấp cao của Iran có thể khiến Bình Nhưỡng nghĩ lại về quy mô hành động tiếp theo của mình", Leif-Eric Easley, một giáo sư chuyên về các nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ewha ở Seoul, nhận định. "Bình Nhưỡng có thể trông vào trường hợp của Iran để biện minh cho lập trường về phi hạt nhân hóa và mở rộng lá chắn chiến lược".

Vào ngày cuối cùng của năm 2019, ông Kim Jong Un tuyên bố không có cơ sở nào để đất nước ông tiếp tục giữ nguyên lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, theo hãng thông tấn KCNA. Người đứng đầu Triều Tiên biện hộ cho sự thay đổi đó là bởi "các yêu sách kiểu xã hội đen" và các chính sách "thù địch" của Washington, trong đó có cấm vận và các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Cái chết của tướng Soleimani cũng có nguy cơ làm chệch đường ray chính sách Triều Tiên của Tổng thống Trump, theo Anthony Rinna thuộc nhóm nghiên cứu SinoNK. Chuyên gia này cảnh báo, vì những rủi ro từ hành động đối ngoại của Mỹ mà nhiều nước có thể không muốn tiếp tục hợp tác với Washington.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/ong-trump-cang-voi-iran-trung-quoc-va-trieu-tien-anh-huong-the-nao-609189.html