Ông Trump đẩy mạnh chiến lược 'các hợp đồng chính trị'

Ông Trump coi việc hiện diện quân sự tại các nước đồng minh trong và ngoài NATO là những 'hợp đồng chính trị' có lợi cho nước Mỹ.

Tổng thống Trump đã quyết định rút quân khỏi Đức

Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đã phê duyệt kế hoạch do Lầu Năm Góc đề xuất để rút 9.500 lính Mỹ ra khỏi nước Đức, theo phản ánh của kênh truyền hình Mỹ CNN.

Theo phát biểu của phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman, hôm 29/6 Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milli đã thông báo với Tổng thống Trump về kế hoạch điều động 9.500 binh sĩ Mỹ.

“Đề xuất đã được phê duyệt không chỉ tương ứng với chỉ thị của Tổng thống, mà còn tăng cường sức kiềm chế Nga, củng cố NATO, trấn an các đồng minh, cải thiện tính linh hoạt chiến lược của Hoa Kỳ và tính linh hoạt chiến dịch của Bộ chỉ huy châu Âu cũng như thể hiện sự chăm lo quan tâm dành cho các quân nhân của chúng ta và gia đình họ” - phát ngôn viên Hoffman tuyên bố.

Theo lời ông này, trong những tuần lễ tới, kế hoạch sẽ được trình ra Ủy ban Quân vụ của Quốc hội Hoa Kỳ (thuộc Thượng viện), sau đó giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ có những cuộc tham vấn với các đồng minh trong NATO về hành động kế tiếp.

Được biết, ông Trump đã phê duyệt kế hoạch cắt giảm đáng kể số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức, bất kể là giới quân sự lo ngại rằng, động thái như vậy sẽ làm suy yếu khả năng của quân đội Mỹ trong việc kiềm chế răn đe Nga, CNN thông báo.

Kênh truyền hình Mỹ lưu ý rằng, kế hoạch cắt giảm lực lượng Mỹ tại Đức đã khơi lên loạt chỉ trích từ cả đại diện của Đảng Dân chủ cũng như từ phía các thành viên của Đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ. Các đồng minh NATO của Hoa Kỳ cũng phê phán “bước đi thụt lùi” này của Mỹ ở châu Âu.

Chẳng hạn, mấy chục đảng viên Cộng hòa đã gửi cho Tổng thống Trump bản kiến nghị, yêu cầu xét lại quyết định rút quân. Còn tuần trước, trong cuộc gặp với người đứng đầu Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Ba Lan Andrzej Duda đã tuyên bố rằng việc rút chỉ một phần đội quân Mỹ ra khỏi châu Âu cũng sẽ gây phương hại cho an ninh của các nước ở châu lục này.

Binh sĩ Mỹ ở căn cứ không quân Ramstein của Đức

Đồng thời, chỉ vài giờ trước tuyên bố của Hoffman, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra nhận định rằng, “làm gì đã có chuyện thông qua quyết định về thời hạn và kế hoạch thực hiện rút quân”. Và ông này nói thêm rằng “còn quá sớm” để nói về việc liệu Hoa Kỳ có rút các quân nhân Mỹ về nước hay là chỉ điều động thuyên chuyển họ.

CNN nhắc nhở rằng, từ lâu nay Tổng thống Hoa Kỳ Trump đã thường xuyên chỉ trích Đức về hàng loạt vấn đề, đặc biệt là “thái độ thân Nga” và việc Berlin không tuân thủ lời hứa chung của các thành viên Liên minh NATO là phân bổ 2% GDP cho lĩnh vực quốc phòng.

Ông Trump ép đồng minh trả thêm “tiền bảo vệ”

Trước đây, Tổng thống Donald Trump thường xuyên chỉ trích Đức trong nhiều lĩnh vực và cam đoan sẽ giảm bớt số lượng quân Mỹ đóng tại Đức xuống còn 25 nghìn người.

Trump nói rằng, số lượng quân đồn trú tại Đức sẽ giảm gần một nửa, vì hiện tại ở Đức có khoảng 50 nghìn binh sĩ Mỹ.

Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng Berlin chỉ đóng góp cho NATO một phần trăm GDP nước này, trong khi số kinh phí cần đóng góp là 2% GDP, lại còn thường đóng muộn. “Như các vị biết đấy, Đức đã quá hạn đóng góp kinh phí cho NATO” - người đứng đầu Nhà Trắng nói.

Ông lưu ý rằng các binh sĩ Mỹ đang chi tiêu rất nhiều khi đóng quân tại quốc gia châu Âu này, giúp Đức bảo đảm an ninh quốc gia. “Nước Đức thịnh vượng ở tất cả mọi nơi có căn cứ [Mỹ] đồn trú” - ông Trump nhận xét.

Tổng thống Mỹ cũng đặt ra câu hỏi vì sao Washington lại phải giúp Berlin nếu như chính quyền Đức không định trả chi phí? “Tại sao Đức trả cho Nga hàng tỷ dollars tiền năng lượng, mà Mỹ lại phải bảo vệ họ khỏi nước Nga? Điều đó là không hợp lý” - Tổng thống nói thêm.

Tàu sân bay CVN-76 USS Ronald Reagan của Mỹ ở Căn cứ Hải quân Yokosuka của Nhật Bản

Người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa gọi Berlin là “kẻ quỵt nợ” và ông Trump nhấn mạnh, Đức cần phải đóng góp thêm “hàng tỷ dollars” cho ngân sách của NATO và sự hiện diện của các căn cứ quân sự và quân nhân Mỹ để được bảo vệ.

Việc ông Trump rút quân khỏi Đức sau khi chỉ trích nước này đóng góp ít tiền cho NATO và cho Mỹ không làm ai bất ngờ bởi thực ra, nó nằm trong một chiến lược nhất quán mà vị Tổng thống kiêm tỷ phú Mỹ đã nêu ra ngay từ khi còn đang tranh cử.

Theo quan điểm về chiến lược đối ngoại của “tỷ phú Trump”, một trong những giải pháp đưa nước Mỹ đi tới thịnh vượng phải là chính sách đối ngoại mới theo khái niệm “các hợp đồng chính trị có lợi”. Với tư duy của một nhà kinh doanh, ông này cho rằng, “các hợp đồng chính trị” phải cứng rắn, dứt khoát và hoàn toàn có lợi cho Hoa Kỳ.

Trong tư duy của ông Trump, vai trò “thủ lĩnh” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc phải tham gia làm một việc gì đó. Thủ lĩnh là người có khả năng rút ra những lợi tức nhiều nhất về kinh tế và quan trọng hơn hết là lợi nhuận tài chính, thực hiện các thương lượng cứng rắn, ký kết những thỏa thuận có hiệu quả.

Donald Trump khẳng định, chỉ có ông mới có khả năng thực hiện những cuộc đàm phán và thỏa thuận như vậy, mang lại cho đất nước nhiều lợi nhuận hơn nữa, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Ví dụ điển hình cho “hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh”, là việc ông Trump bắt đồng minh Riyadh phải trả lợi tức cho Mỹ, vì Hoa Kỳ đảm bảo sự an toàn cho nước này, bất kể Saudi Arabia là một cường quốc hàng đầu ở Trung Đông. Ở Trung Đông, các nước như Qatar hay UAE cũng phải chịu chung số phận với Saudi Arabia.

Ví dụ điển hình khác là việc ông Trump ép Nhật Bản và Hàn Quốc (có 28.000 binh sĩ Mỹ) phải trả toàn bộ chi phí cho lính Mỹ trên đất của họ, cộng thêm 50% hoặc cao hơn nữa cho đặc quyền được có lính Mỹ ở đó. Mặc dù Trump không đạt được mức 50% nhưng Tokyo và Seoul cũng phải chi trả thêm hàng tỷ USD cho sự hiện diện của binh sĩ Mỹ.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ong-trump-day-manh-chien-luoc-cac-hop-dong-chinh-tri-3409879/