Ông Trump dè bỉu chương trình cải cách ruộng đất của Nam Phi

Từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump viết Twitter mang tính 'gây hấn' với chương trình cải cách ruộng đất của Nam Phi, chính phủ nước này cùng Trung Quốc đã tăng cường quan hệ quân sự.

Tổng thống Nam Phi- Mỹ khẩu chiến - Ảnh : Getty Images

Ngày 23.8, thiếu tướng Triệu Thần Minh, Phó chánh văn phòng Quân ủy Trung ương Trung Quốc chủ trì cuộc gặp Tổng tham mưu trưởng quân đội Nam Phi Solly Shoke ở Bắc Kinh.

Sau đó, hai nhà lãnh đạo quân sự ký những thỏa thuận đào sâu quan hệ liên quan vấn đề an ninh khu vực châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương và an ninh toàn cầu, xây dựng quân đội và quốc phòng ở Trung Quốc, Nam Phi, cùng các quan hệ hợp tác quân sự song phương.

Trung Quốc nói không đến châu Phi vơ vét tài nguyên rồi bỏ chạy

Châu Phi là một trong những địa bàn mà Bắc Kinh muốn mở tầm ảnh hưởng, chú trọng lập quan hệ ngoại giao với các nước châu lục đen. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào mảng năng lượng, cơ sở hạ tầng và an ninh ở châu Phi.

Các hoạt động này trong dự án Vành đai - Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm mở rộng các tuyến thương mại và quyền lợi kinh tế cho Trung Quốc ở châu Á, châu Phi, châu Âu và thậm chí ở châu Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã gọi BRI là “phô trương cơ bắp kinh tế” và Trung Quốc có thể chiếm chủ quyền lãnh thổ của các nước ký tham gia BRI.

Mỹ và phương Tây còn mô tả sự trỗi dậy về chính trị, quân sự-kinh tế của Trung Quốc là “nham hiểm”, nhưng Trung Quốc phản ứng.

Ngày 22.8, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, ông Lâm Tùng Thiên nói nguồn tài nguyên mỏ ở châu Phi đã bị phương Tây thời đô hộ kiểm soát và khai thác độc quyền cho đến nay, Trung Quốc là “người mới đến” nhưng chưa bao giờ lập lại hoặc theo đuổi các hành động bóc lột của thời đô hộ.

Theo báo The Times (Nam Phi), vị đại sứ nói: “Chúng tôi đến đây hợp tác để đôi bên cùng có lợi, và chúng tôi sẽ không bao giờ đến đây để khai thác rồi bỏ chạy. Tổng thống Trump ưng khiến nước Mỹ vĩ đại, nhưng ông ấy không thể bắt toàn thế giới hy sinh, vì không chỉ Trung Quốc sẽ bị tổn thất vì chuyện đó, mà còn vì không ai có thể tồn tại”.

Nam Phi phản đối “quan điểm hẹp hòi” của Tổng thống Mỹ

Cuộc gặp thứ 8 của lãnh đạo quân sự Trung Quốc-Nam Phi diễn ra lúc các quan chức Nam Phi bày tỏ sự phẫn nộ với sự bóng gió của ông Trump, rằng kế hoạch cải cách ruộng đất của Nam Phi là một âm mưu thanh trừng chủng tộc, chống lại nông dân da trắng gồm tịch thu đất ruộng của họ.

Cùng ngày 23.8, ông Trump viết Twitter, cho biết ông đã ra lệnh cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “theo dõi kỹ việc tịch thu, chiếm đoạt ruộng đất và trang trại cùng những vụ giết người da trắng hàng loạt ở Nam Phi”.

Cùng ngày 23.8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa viết xã luận trên báo Financial Times: “Đây không phải cướp đất, cũng không là tấn công vào chủ đất tư nhân”. Ông còn viết rằng bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ không tác động xấu đến sức phát triển kinh tế cùng an ninh lương thực của toàn thể dân Nam Phi, và chính phủ sẽ không phạm cùng sai lầm của các nước khác, nhưng ông tránh đề cập nạn tịch thu đất rất bạo lực từng xảy ra ở Zimbabwe láng giềng.

Người phát ngôn Khusela Diko của Tổng thống Ramaphosa nói ông Trump bị thông tin sai về chương trình cải cách ruộng đất mà Quốc hội Nam Phi đã thông qua hồi tháng 2.

Chính phủ Nam Phi viết Twitter, chỉ trích Tổng thống Mỹ gây chia rẽ và có “quan điểm hẹp hòi” về chương trình cải cách ruộng đất của Tổng thống Ramaphosa.

Đoạn Twitter viết: “Nam Phi cực lực bác bỏ quan điểm hẹp hòi chỉ muốn gây chia rẽ nước ta, và nhắc nhớ chúng ta về quá khứ nước ta bị thực dân đô hộ. Chính phủ sẽ tăng tốc cải cách ruộng đất một cách cẩn trọng để không gây chia rẽ dân tộc”.

Bộ Ngoại giao Nam Phi đã triệu tập tùy viên sứ quán Mỹ Jessye Lapenn để phản đối.

Câu twitter của Tổng thống Mỹ được viết vài ngày sau thông tin vợ ông, bà Melania Trump sẽ thăm châu Phi vào tháng 10 tới. Đó là chuyến công du nước ngoài một mình đầu tiên của bà ở vị trí Đệ nhất phu nhân Mỹ.

Đầu năm 2018, Nam Phi đã phản ứng với Sứ quán Mỹ, sau những thông tin rằng trong một cuộc họp, ông Trump đã gọi các nước ở Mỹ Latinh và châu Phi là “toilets”.

Bộ Ngoại giao Nam Phi đã triệu tập tùy viên sứ quán Mỹ để phản đối, trong khi ông Trump phủ nhận rằng ông không phát biểu như thế.

Cộng đồng da trắng ở Nam Phi kêu gọi chấm dứt giết người - Ảnh: Online Nigeria

Nhà nước Nam Phi thu hồi đất đai mà không đền bù

Ngày 1.8, Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố đảng cầm quyền Đại hội dân tộc Phi (ANC) sẽ thúc đẩy kế hoạch này, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, để cho phép tịch thu ruộng đất mà không đền bù. Lúc đó, ông nói: “Nông dân da đen muốn thu hồi đất của họ”. ANC tuyên bố từ sau khi công bố chương trình, chưa có lô đất nào bị “tịch thu”.

Từ khi chấm dứt chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc apartheid, ANC đã theo đuổi mô hình “sẵn sàng bán, sẵn sàng mua”, tức chính phủ mua lại đất của chủ da trắng để tái phân bổ cho người da đen.

Nhưng chương trình này đạt tiến độ rất chậm và đa số người Nam Phi cho rằng cần phải làm điều gì đó để tăng tốc, với điều kiện không tác động xấu đến nền kinh tế hoặc kích động bất ổn.

Từ đó, chính phủ có chương trình thu hồi đất đai mà không đền bù. Nhà phân tích chính trị độc lập Nic Borain nói: “Cải tổ công tác phân bổ ruộng đất sẽ tốt cho Nam Phi. Sẽ có sự bất ổn và lo ngại về quyền sở hữu đất đai, không thể tránh được, nhưng chúng tôi không nghĩ chính phủ Nam Phi sẽ hành động theo cách gây bất an cho an ninh đầu tư”.

Theo Washington Times, quyền sở hữu đất đai là chuyện gây chia rẽ ở Nam Phi vốn có 56 triệu dân mà 8% là dân da trắng, nhưng 72% đất đai trong tay các nông dân da trắng.

Các đảng lớn ở Nam Phi đã nhất trí với kế hoạch cải cách ruộng đất của chính phủ. Theo Reuters, thủ lĩnh cực tả Julius Malema là người kêu gọi tịch thu đất ruộng của người da trắng, nói ông Trump chớ xen vào chuyện nội bộ Nam Phi: “Ông ta gây quá nhiều rắc rối ở châu Phi rồi”.

Đảng Chiến sĩ tự do kinh tế (cánh tả) cùng chính phủ Nam Phi thách đố các phát hiện của Diễn đàn châu Phi (AfriForum, tổ chức bảo vệ quyền lợi của cộng đồng da trắng ở Nam Phi) vốn gần đây đăng danh sách nhiều nông trại của người da trắng mà chính phủ Nam Phi tính thu hồi mà không đền bù.

Nhưng người phản đối kế hoạch cải cách ruộng đất, mô tả đó là nỗ lực gạt cộng đồng da trắng ở Nam Phi ra rìa, và nêu những nghi án giết chết nông dân da trắng.

Theo Hiệp hội Nông nghiệp Nam Phi (AgriSA), bạo lực đối với nông dân da trắng là một vấn đề nghiêm trọng ở Nam Phi, lên đỉnh điểm năm 1998 với 153 người bị giết.

Từ năm 2003 đến 2011, mỗi năm có khoảng từ 80 đến 100 người bị giết, và khoảng 80 người bị giết cho đến năm 2016.

Trong các năm 2017-2018 có 47 người bị giết, và xảy ra 478 vụ tấn công nông trại của người da trắng trong các năm 2016-2017, qua năm 2018 tăng lên 561 vụ.

Tổng giám đốc AfriForum, ông Kallie Kriel nói: “Mọi người ở Nam Phi nên hy vọng sức ép từ Mỹ, sẽ buộc ANC phải xem xét lại tiến hình thảm họa mà họ muốn đưa đất nước Nam Phi đi vào”.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek, Washington Times)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ong-trump-de-biu-chuong-trinh-cai-cach-ruong-dat-cua-nam-phi-95323.html