Ông Trump dùng nỗ lực cuối cùng hỗ trợ dầu khí Mỹ

Tổng thống Trump khởi động quy trình nhượng quyền khai thác dầu khí trong khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia ở Bắc Cực.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã chính thức khởi động quy trình nhượng quyền khai thác dầu khí trong Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia ở Bắc Cực, nơi sinh sống của gấu Bắc Cực và tuần lộc.

Khu vực 1002 sẽ là khu vực được cho thuê đất để khai thác dầu khí.

Trong trường hợp ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ thì thương vụ mua bán có thể sẽ bị chặn lại bởi ông là người đã hứa sẽ bảo vệ vùng ven biển phía Đông Bắc Alaska này.

Truyền thông Mỹ cho hay, sự kiên quyết của ông Trump đồng nghĩa là việc mua bán có thể diễn ra trước ngày 20/1, ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ.

Bộ Nội vụ Mỹ theo đó có kế hoạch công bố một tài liệu trên các Tạp chí chính thức vào ngày 17/11 (theo giờ Mỹ), kêu gọi các công ty quan tâm cho biết những mảnh đất nào trong khu vực tự nhiên được bảo vệ lớn nhất của đất nước mà họ có thể muốn nộp đơn xin khai thác.

Tài liệu này phù hợp với một văn bản được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối năm 2017, vốn đã cho phép chính quyền bán nhượng quyền khai thác dầu và khí đốt ở khu vực này.

Vào tháng 8, Bộ Nội vụ Mỹ đã phê duyệt một chương trình mở đường cho việc khoan ở một khu vực ven biển dọc theo Bắc Băng Dương, có tổng diện tích 6.500 km vuông. Hoạt động đầu tiên trong số các hoạt động này có thể liên quan đến 1.600 km vuông.

Bộ này cho biết, các công ty phải bày tỏ sự quan tâm của họ, nộp hồ sơ trước ngày 17/12. Một cuộc gọi thầu sau đó sẽ được đưa ra "ít nhất 30 ngày trước ngày mở bán".

Quần thể tuần lộc trên vùng đất trong tương lai sẽ là các nhà máy khai thác dầu khí Mỹ.

Theo báo chí Mỹ, bất kỳ giao dịch nào cũng cần phải thông qua sự xem xét của các cơ quan liên bang, bao gồm Bộ Tư pháp. Thủ tục này sẽ mất từ một đến hai tháng. Trong thời khắc chuyển giao chính quyền, rất có thể nỗ lực này sẽ bị ngăn lại.

Do vậy, chính quyền Mỹ cũng đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch này.

Chad Padgett, Giám đốc Cục Quản lý Đất đai Mỹ (BLM) tại tiểu bang Alaska cho hay, cơ quan này sớm sẽ đưa ra lời kêu gọi lựa chọn 31 lô đất sẽ được giao để cho thuê. 1.600 km vuông cho thuê sẽ được khai thác và đầu tư mang đến doanh thu từ 1-1,8 tỷ USD mỗi năm.

Tuyên bố được đưa ra khi Bộ trưởng Nội vụ Mỹ David Bernhardt tuyên bố, hợp đồng cho thuê ở đây có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm.

Ông lưu ý rằng bộ phận của ông đang thực hiện mong muốn các nhiệm vụ được Quốc hội thông qua vào năm 2017, khi cả Thượng viện và Hạ viện đều do đảng Cộng hòa kiểm soát.

"Quốc hội đã cho chúng tôi một chỉ thị rất rõ ràng ở đây, và chúng tôi phải thực hiện chỉ thị đó phù hợp với ý định mà họ đã đưa ra và nhất quán với các quy chế tố tụng. Tôi có một mức độ tin tưởng đáng kể rằng, điều này có thể được thực hiện theo cách có trách nhiệm, bền vững và thân thiện với môi trường" - Bộ trưởng Bernhardt nhấn mạnh.

Việc thúc đẩy việc khai thác tài nguyên năng lượng ở khu vực hoang dã cần được bảo tồn có thể là nỗ lực cuối cùng của chính quyền ông Donald Trump khi hỗ trợ các ngành công nghiệp năng lượng.

Ông Trump tích cực hỗ trợ ngành năng lượng Mỹ đến những thời điểm cuối cùng của nhiệm kỳ?

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã coi việc hỗ trợ các ông lớn ngành năng lượng để tạo ra việc làm là cơ sở chính cho việc thúc đẩy kinh tế Mỹ.

Kể từ năm 2012 và quá trình dân chủ hóa việc khai thác dầu và khí đá phiến của chính quyền Barack Obama, việc sản xuất hydrocacbon của Mỹ đã thực sự bùng nổ. Ngoài hàng trăm nghìn việc làm được tạo ra trong ngành dầu khí, bước nhảy vọt về sản xuất nội địa của Mỹ đã là một yếu tố thay đổi cục diện đất nước.

Mỹ đã không chỉ một lần nữa trở thành nhà xuất khẩu dầu ròng vào năm 2018, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai, Mỹ đã giành vị trí đầu tiên các nhà sản xuất hydrocarbon thế giới, vượt qua Saudi Arabia và Nga. Do đó, họ đã giành được độc lập về năng lượng.

Ngành dầu mỏ Mỹ năm 2020 chịu đựng hai cú sốc. Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia đầu tháng 3 đã chấm dứt sự bùng nổ trong ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ, đẩy giá dầu WTI về sát 20 USD một thùng. Sau đó, các lệnh phong tỏa được hàng loạt quốc gia áp dụng nhằm ngăn đại dịch lây lan, khiến nhu cầu nhiên liệu giảm chưa từng có.

Tháng 4, ông Trump bày tỏ ông muốn ngăn nguy cơ xảy ra làn sóng phá sản và sa thải trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Ông cho biết đã chỉ thị quan chức của Bộ Năng lượng, Bộ Tài chính Mỹ xây dựng một kế hoạch giúp doanh nghiệp xăng dầu "tiếp cận vốn".

Ông Trump khi đó không tiết lộ chi tiết mà chỉ khẳng định mục đích là "đảm bảo cho những công ty và việc làm rất quan trọng trong lĩnh vực này được bảo vệ trong dài hạn".

"Chúng tôi sẽ không bao giờ để ngành công nghiệp xăng dầu của Mỹ thụt lùi" - ông Trump khẳng định.

Khi giá dầu ở mức âm chưa từng thấy trong lịch sử thế giới, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cho thuê các chỗ trống trong Kho Dự trữ Dầu Chiến lược, chứa khoảng 77 triệu thùng. Bộ Năng lượng Mỹ cũng đang xây dựng kế hoạch trả tiền cho các hãng sản xuất để họ không tiếp tục khai thác dầu như một nỗ lực cứu ngành dầu mỏ Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cũng thúc đẩy các hợp đống khí hóa lỏng xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài, đặt biệt là ở châu Âu.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-trump-dung-no-luc-cuoi-cung-ho-tro-dau-khi-my-3422698/