Ông Trump lại đối mặt Thủ tướng Trudeau tại cuộc gặp thượng đỉnh NATO

Ngày 11.7 khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ), cũng là cuộc tái ngộ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Canada gặp nhau ở hội nghị G-7 - Ảnh: Reuters

Lần gặp gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo là tại hội nghị thượng đỉnh G-7 hồi tháng trước, mở đầu là hai ông bắt tay nhau nồng nhiệt, nhưng vài giờ sau, chủ nhân Nhà Trắng gọi Thủ tướng Canada là “kẻ yếu ớt” và cáo buộc ông Trudeau không trung thực.

Sau đó, hai nhà lãnh đạo có nói chuyện điện thoại, nhưng xích mích thương mại căng thẳng Mỹ-Canada vẫn còn đó. Tháng 7 này, Canada tung ra nhiều mức thuế trả đũa Mỹ, trong khi hôm 10.7, ông Trudeau tuyên bố Canada sẽ không tăng gấp đôi mức chi quân sự như ông Trump yêu cầu.

Trong chuyến thăm Latvia, Thủ tướng Trudeau tuyên bố quân binh Canada vẫn sẽ trú đóng ở nước này đến năm 2023 và “chúng tôi không có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng”.

Ông Trump đã yêu cầu các nước thành viên NATO tăng 2% GDP cho chi quân sự, tỷ lệ chi này được đề ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2002, đến năm 2014 thì lãnh đạo các nước ký cam kết sẽ tiến đến mục tiêu 2% từ năm 2024.

Theo số liệu mới nhất của khối liên minh phòng thủ NATO, Canada chi 1,23% GDP cho quân sự. Nước này không có ý định tăng chi quân sự lên 2% vì chính phủ đã có chính sách quốc phòng từ năm ngoái, và dự báo mức chi sẽ là 1,4% GDP từ năm 2024.

Ông Trudeau cho biết kế hoạch mua 88 chiến đấu cơ mới cho không quân và 15 tàu hộ vệ cho hải quân Canada.

Dù hai ngày thượng đỉnh NATO sẽ chú trọng về hoạt động của khối này, mỗi cuộc tương tác giữa hai ông Trump-Trudeau sẽ được diễn ra trong bối cảnh tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), theo luật sư thương mại Dan Ujczo của Công ty luật Dickinson Wright (Mỹ).

Đối với NAFTA, phần được nghiêng về Canada: 2/3 hàng hóa xuất khẩu qua Mỹ và 2,5 triệu việc làm tùy thuộc thương mại của Mỹ. Hồi đầu năm nay, Ngân hàng trung ương Canada cảnh báo về sự bấp bênh của NAFTA đã tác động xấu đến nguồn đầu tư thương mại ở Canada.

Luật sư Ujczo nói: “Tôi thật sự hy vọng Thủ tướng Canada sẽ không về phe với các đồng minh châu Âu cùng các nước khác để chống lại Mỹ. Chúng tôi dự báo việc này sẽ tạo nên tình hình rất sôi bỏng”.

Cách tiếp xúc với chính phủ Mỹ hiện nay của Canada là tìm sự cân bằng, giữa việc theo đuổi một giải pháp mang tính xây dựng cho các cuộc đàm phán, đồng thời bảo vệ các quyền lợi của Canada, theo Giáo sư Roland Paris của Đại học Ottawa (Canada) và là cố vấn chính sách đối ngoại trong những tháng đầu ông Trudeau làm Thủ tướng.

Ông Paris còn nói “rất khó làm việc với một đối tác dễ cáu ở Nhà Trắng, từng quốc gia trên thế giới đều phải dò tìm cách điều khiển người không thể lường trước này”.

Bích Ngọc (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ong-trump-lai-doi-mat-thu-tuong-trudeau-tai-cuoc-gap-thuong-dinh-nato-92213.html