Ông Trump tìm ra vũ khí thương mại mới chống Trung Quốc, DN Mỹ lại lo sợ

Nhìn rộng ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể trở thành 'chướng ngại vật' trên con đường đổi mới sáng tạo của Washington.

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump , đối với Trung Quốc cho đến nay vẫn tập trung vào tấn công hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng ông Trump có mặt trận mới, đó là “vũ khí hóa” hàng xuất khẩu từ Mỹ.

Kiểm soát xuất khẩu – vũ khí mới của ông Trump

Chính quyền Trump đang tìm cách ngăn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ chính bằng cách hạn chế việc bán các linh kiện quan trọng của Mỹ cho Tập đoàn Công nghệ Huawei. Theo đó, Mỹ cũng đang xem xét đưa ít nhất 5 công ty trong lĩnh vực giám sát công nghệ của Trung Quốc vào một danh sách đen.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các động thái này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm tăng cường kiểm soát xuất khẩu mà trong nhiều thập kỷ đã kiềm chế việc bán các công nghệ liên quan đến quốc phòng cho các đối thủ.

Một trong những lo ngại của các DN trước cuộc chiến thương mại là nó sẽ mở rộng thành cuộc xung đột theo hướng công nghệ diện rộng hơn với Trung Quốc. Và ngược lại, Mỹ có thể sẽ hủy hoại tương lai kinh tế của chính mình.

Trong các đàm phán kín, chính quyền Mỹ từ năm ngoái đã bàn bạc với DN và các nhóm ngành để cập nhật các sản phẩm thuộc danh sách kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ, dự kiến sẽ công bố trong vài tuần tới.

Những giới chức “diều hâu” đang thúc đẩy rộng rãi hạn chế các mặt hàng xuất khẩu liên quan đến công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot và in 3D. Các quy định mới cũng có thể hạn chế các công ty thuê kỹ sư và nhà khoa học nước ngoài làm việc trong các khu vực bị ảnh hưởng vì kiến thức họ có được được coi là một mặt hàng xuât khẩu “nhạy cảm”.

Điều đó phù hợp với “câu thần chú” của chính quyền Trump rằng an ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Cho đến nay, chính quyền Trump đã sử dụng điều đó để lấy cớ đánh thuế lên thép và nhôm, đồng thời đe dọa thêm thuế nhập khẩu đối với ô tô và link kiện từ EU và Nhật Bản. Nhìn rộng ra, Mỹ sử dụng các công cụ kinh tế như màng lọc an ninh quốc gia siết chặt đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và các biện pháp trừng phạt tài chính để theo đuổi các mục tiêu khác như bảo vệ chuỗi cung ứng của Lầu Năm Góc và cô lập chính phủ như Iran và Venezuela.

Nỗi sợ của DN Mỹ

Hôm 23/5, ông Trump mô tả tập đoàn Huawei là “rất nguy hiểm", dù nhận định vấn đề Huawei có thể đưa vào một số loại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

DN Mỹ lo ngại việc kiểm soát xuất khẩu nhiều hơn đòn thuế sang hàng nhập khẩu. Các ông lớn công nghệ như General Electric, Google và Microsoft lo ngại, việc kiểm soát có thể cản họ cạnh tranh trong các thị trường “béo bở”, mặt khác khả năng đổi mới sáng tạo của Mỹ cũng bị kéo tụt.

Trong đề xuất gửi Bộ Thương mại Mỹ, Microsoft cảnh báo rằng các biện pháp hạn chế có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập khỏi các sáng kiến nghiên cứu quốc tế phát triển công nghệ, từ đó cản trở lợi ích của chính nước này.

Đằng sau nỗi sợ hãi của các công ty Mỹ là mối lo ngại rằng một cuộc tranh luận để cập nhật danh sách xuất khẩu bị hạn chế có thể bị kéo vào cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng được dẫn dắt bởi chính quyền.

Quốc hội Mỹ năm ngoái đã thông qua một luật do Nhà Trắng yêu cầu, theo đó cập nhật quy định kiểm soát xuất khẩu mở rộng sang các sản phẩm công nghệ mới nổi và sáng tạo.

Cuộc tranh luận về việc làm thế nào để hạn chế xuất khẩu nên luôn luôn là một cuộc chiến giữa Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng.

Cân bằng giữa an ninh và phát triển

Hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ trong nhiều năm đã nhắm đến những thứ như vật liệu phân hạch, thiết bị liên lạc và an ninh mạng, laser và thậm chí cả phương tiện không gian. 14 danh mục công nghệ mới nổi được liệt kê bởi Bộ Thương mại được đề xuất vào tháng 11 năm ngoái bao gồm các lĩnh vực như công nghệ sinh học, hệ thống giám sát tiên tiến và robot bao gồm những thứ cụ thể như bụi thông minh, các cảm biến nối mạng có kích thước đốm.

Tóm lại, Mỹ thu hẹp trọng tâm kiểm soát vào ba công nghệ mới nổi: trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các tiến bộ và công nghệ cảm biến như in 3D.

Nhưng quá trình này cũng đã dẫn đến sự rạn nứt trong Bộ Thương mại và xung đột giữa các nhân viên sự nghiệp và nhà chính trị. Một số quan chức được coi là ôn hòa hơn gần đây đã rời ghế hoặc bị buộc phải ngồi ngoài các cuộc thảo luận. Các ủy viên chính trị đã nắm quyền kiểm soát đang thúc đẩy các hạn chế mới về xuất khẩu công nghệ nhanh chóng được thực hiện.

Theo Bill Reinsch, cựu quan chức giám sát chế độ kiểm soát xuất khẩu Mỹ, việc đạt được sự cân bằng đúng đắn giữa bảo vệ an ninh quốc gia mà vẫn đảm bảo đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ khó khăn.

Tú Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ong-trump-tim-ra-vu-khi-thuong-mai-moi-chong-trung-quoc-dn-my-lai-lo-so-343966.html