Ông Trương Trọng Nghĩa: Không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng các đại biểu có quyền tranh luận, không đồng ý vì chưa đúng hoặc chưa chính xác nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác.

Chiều 31/10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã bấm nút tranh luận với đại biểu Lê Thị Thanh Xuân về văn hóa tranh luận ở nghị trường. Trước đó, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân và đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã tranh luận gay gắt trên nghị trường.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền và đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đã tranh luận gay gắt trên nghị trường.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền và đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đã tranh luận gay gắt trên nghị trường.

Sáng 31/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ sự lo lắng trước "năng lượng tiêu cực của xã hội trong thời gian qua mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mang đến". Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân không đồng tình và cho rằng ý kiến đó đã đưa ra góc nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành.

"Chúng ta, những người có mặt ở đây đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam. Tôi cho rằng, cần có những đánh giá tích cực về ngành Giáo dục, bên cạnh hạn chế để có cái nhìn khách quan, toàn diện.

Mặt khác, hiện nay, ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đã là đổi mới thì có tìm tòi, thử nghiệm nên đương nhiên có thiếu sót", đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nói.

Đại biểu Xuân cho rằng mong đại biểu có những ý kiến góp ý mang tính xây dựng, hiến kế cho ngành Giáo dục.

"Với quan điểm như trên của đại biểu tại hội trường có thể tác động đến dư luận xã hội, có cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành Giáo dục. Hơn nữa, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành giáo dục nước nhà. Tôi rất mong đại biểu lưu ý và chia sẻ với khó khăn của ngành Giáo dục", đại biểu Xuân tiếp tục nêu ý kiến.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Trước những ý kiến tranh luận gay gắt của 2 nữ đại biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định đại biểu Quốc hội đang làm việc hệ trọng là thay mặt cử tri chất vấn thành viên Chính phủ, dựa trên cơ sở kiến thức, nhận thức, quan sát và thông tin của mỗi người. Người trả lời là các vị Bộ trưởng và các vị này "đủ trình độ, năng lực, lực lượng, bộ máy và bản lĩnh để giải đáp chất vấn".

"Cử tri và các đại biểu muốn nghe Bộ trường trả lời chất vấn dù mỗi người một cách khác nhau, chúng ta nên tôn trọng quyền này", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa cho rằng, các đại biểu tranh luận lẫn nhau là chuyện bình thường (như dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã qua 3 kỳ họp vẫn tranh luận) nhưng "không nên lên gân, quy chụp lẫn nhau".

"Vừa rồi trên mạng xã hội có một số trường hợp quy chụp đại biểu. Tôi đề nghị chúng ta tuyệt đối tránh việc này, phải xây dựng văn hóa nghị trường, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết và tôn trọng lẫn nhau.

Các đại biểu có quyền tranh luận, không đồng ý vì chưa đúng hoặc chưa chính xác nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác. Điều đó tạo không khí không lành mạnh, cản trở hoạt động dân chủ của Quốc hội", ông Nghĩa bày tỏ.

Video Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: 'Quy định phạt sinh viên bán dâm do cán bộ ý thức kém đưa lên'

Minh Đức

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dai-bieu-truong-trong-nghia-khong-duoc-quy-chup-dong-co-cua-dai-bieu-nay-hay-dai-bieu-khac-d435896.html