Ông Trương Văn Phước: NHNN phải độc lập là tất yếu!

Trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, NHNN phải độc lập, phải mang theo sứ mệnh như một Ngân hàng Trung ương thế giới là điều tất yếu.

LTS: Tín dụng là mạch máu của nền kinh tế, vì thế, vận hành hệ thống tín dụng trơn tru, phân bổ nguồn lực đúng lúc, đúng chỗ được coi là một trong những chiếc chìa khóa vàng cho viễn cảnh kinh tế Việt Nam thịnh vượng. Những tâm huyết về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đã được ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ với báo Đất Việt. Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, điểm mốc đầu tiên của Việt Nam có vị thế trước năm châu, sánh vai cùng cường quốc, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi này.

Sứ mệnh của Ngân hàng Nhà nước

PV:-Theo Quyết định 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu nói trên?

Ông Trương Văn Phước:- Trước hết phải nói rằng, bất cứ một cấu trúc, một tổ chức bộ máy Nhà nước nào, một Chính phủ nào cũng đều mang tính đặc thù riêng của quốc gia đó.

Ở Việt Nam, NHNN là một bộ phận của Chính phủ, chịu sự quản lý của Chính phủ về cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, với độ mở của nền kinh tế lớn, Việt Nam buộc phải làm quen, thay đổi để tương thích dần với thông lệ quốc tế.

Vì lý do trên, nói rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải độc lập, phải có hướng đi, phải mang theo sứ mệnh như một Ngân hàng Trung ương thế giới là điều tất yếu. Vấn đề là, từ việc đặt ra mục tiêu cho NHNN VN tới khi nhìn thấy được kết quả cuối cùng thì chúng ta cần bao nhiêu thời gian? Chúng ta phải làm gì và phải làm thế nào?

Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ảnh: VnEconomy

Về việc này, trước hết, tôi cho rằng điều cần làm là đảm bảo NHNN có được sự độc lập tương đối với Chính phủ, có thể hiểu theo nghĩa độc lập trong thực thi chính sách tiền tệ. Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy một mô hình NHNN độc lập hơn sẽ giúp kiểm soát tốt lạm phát.

Như vậy, về tổ chức, NHNN vẫn là một bộ phận của Chính phủ, chịu sự quản lý của Chính phủ về cơ cấu tổ chức, nhưng về mô hình hoạt động phải được độc lập trong xác định lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và chủ động sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhắm tới mục tiêu lạm phát đề ra, giảm sức ép trong điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tiếp theo, cần nhìn vào sứ mệnh của NHNN là gì? Trong điều kiện của Việt Nam, để đưa ra áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu thành công thì cải cách về khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ là điều kiện tiên quyết, trong đó ổn định giá cả phải là mục tiêu hàng đầu.

Đây cũng là một trong những sứ mệnh quan trọng nhất, căn bản nhất của các Ngân hàng Trung ương thế giới. Chúng ta cần tập trung vào mục tiêu này. Mặc dù hiện nay, NHNN còn có những nhiệm vụ khác như ổn định hệ thống ngân hàng, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường vàng hay bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia...

Cuối cùng, về thời gian dài hay ngắn để tiệm cận với thông lệ quốc tế thì lại phụ thuộc vào mức độ phát triển của một thị trường tài chính, làm đủ chức năng phân định trách nhiệm trong tiếp cận vốn ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế.

PV:- Như vậy để NHNN trở thành một Ngân hàng Trung tâm thực sự thì phụ thuộc nhiều vào một thị trường tài chính phát triển, khi đó mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ được tách bạch, thưa ông?

Ông Trương Văn Phước:- Chúng ta phải biết rằng, mục tiêu tối thượng của chính sách tài khóa là cân bằng và tiến tới thặng dư ngân sách. Đây là yêu cầu rất quan trọng đối với nền tài chính quốc gia.

Trên thực tế, trong mấy chục năm gần đây, Việt Nam đã có được những đổi mới rất căn bản. Trước hết là thay đổi về cơ cấu nguồn thu, xuất khẩu của chúng ta ngày càng tăng lên, thu nội địa tăng, thu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng nhờ doanh nghiệp phát triển.

Dù vậy, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là ngân sách luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Trong cơ cấu chi, tỷ phần chi cho đầu tư hạn chế, ngược lại, chi thường xuyên, chi cho việc điều hành, quản lý bộ máy còn lớn. Chúng ta đang tích cực thực hiện tinh gọn bộ máy, chi thường xuyên ít hơn và dành cho đầu tư nhiều hơn.

Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách. Năm 2018, thâm hụt ngân sách của Việt Nam so với GDP theo kế hoạch là 3,7%, chúng ta đang phấn đấu giảm tỉ lệ này xuống dưới 3,5% trong một vài năm tới. Để đảm bảo cân đối thu chi thì phải vay trong nước và vay nợ nước ngoài, dĩ nhiên là phải tuân thủ một kỷ luật tài khóa chặt chẽ.

Nói thêm về chính sách tiền tệ, chúng ta phải thừa nhận, trong mấy chục năm nay chúng ta đang tập chung vào việc bảo đảm giữ ổn định giá cả. Đối với một nền kinh tế luôn phải chịu áp lực bởi lạm phát cao thì việc giữ được ổn định giá cả, không để lạm phát làm mất lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài là điều chúng ta đã làm được và phải tập trung làm. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ còn có nhiệm vụ nuôi dưỡng những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ong-truong-van-phuoc-nhnn-phai-doc-lap-la-tat-yeu-3364733/