'Ông Xuân Quỳnh' và những nhầm lẫn dở khóc dở cười với môn Văn

Vụ thí sinh nhầm 'ông Xuân Quỳnh' khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng trên thực tế, với Ngữ văn, không ít lần, giáo viên bắt gặp những lỗi sai dở khóc dở cười như vậy.

Chia sẻ với Zing, cô Hà Thị Thu Thủy, giáo viên dạy Văn ở Hà Nội, cho hay khi chấm bài thi, giáo viên không ít lần bắt gặp các lỗi sai kiến thức cơ bản trầm trọng như Xuân Quỳnh là nam, Xuân Quỳnh là "bà chúa thơ Nôm"...

"Thậm chí, nhiều giáo viên Ngữ văn còn trêu nhau khi chấm bài, phải bật nhạc thiền để tĩnh tâm và rộng lượng hơn với lỗi sai của học trò", cô Thủy nói.

 Phương Mỹ Chi là một trong số những thí sinh từng phân vân Xuân Quỳnh là nam hay nữ. Ảnh: Phương Lâm.

Phương Mỹ Chi là một trong số những thí sinh từng phân vân Xuân Quỳnh là nam hay nữ. Ảnh: Phương Lâm.

Sai kiến thức về tác giả

Theo tổng kết của cô Thu Thủy, sai kiến thức về tác giả là những lỗi sai phổ biến. Học sinh rất hay nhầm lẫn tác giả bài này với bài khác, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như “Vợ chồng A Phủ” của Kim Lân, “Vợ nhặt” của Tô Hoài, “Tắt đèn” của Nam Cao…

Hoặc dưới ngòi bút của các em, nhà văn bỗng chốc trở thành nhà thơ và ngược lại. Cô từng đọc bài làm văn của học sinh viết "Tố Hữu là nhà văn xuất sắc của nền thơ ca Việt Nam".

Thậm chí, với sự nhầm lẫn của học sinh, nhiều ca sĩ còn trở thành nhà thơ, như “Bánh trôi nước” của Hồ Quỳnh Hương.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đề thi đợt 1 hỏi về đoạn trích “Đất Nước”, trong khi tác giả Nguyễn Khoa Điềm vẫn còn sống, nhiều thí sinh đã viết "Dù nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đi xa nhưng những vần thơ của ông vẫn còn mãi".

Ngoài ra, việc nhầm tác giả là nam hay nữ cũng rất hay xảy ra như Nguyễn Minh Châu là nữ nhà văn, Xuân Quỳnh là đàn ông...

"Đôi khi, các em chỉ cần thấy tên gần giống nhau là bỗng cho các nhà văn, nhà thơ có họ hàng như Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là anh em…", cô Hà Thị Thu Thủy nói thêm.

Khi chấm bài, giáo viên Ngữ văn bắt gặp không ít lỗi dở khóc dở cười của học sinh. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Hiểu nhầm nội dung văn bản

Theo cô Thu Thủy, khi chấm bài Ngữ văn, không ít lần giáo viên bắt gặp tình trạng học sinh suy diễn lung tung do không nắm được nội dung bài giảng.

Cô nhớ với đề cảm nhận bài Việt Bắc, trong đó co câu “Nhớ gì như nhớ người yêu/ Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”, học sinh viết rất dài về tình yêu lứa đôi của những người yêu xa. Em này không biết đoạn thơ nói về nỗi nhớ của người chiến sĩ cách mạng dành cho đồng bào Việt Bắc, thể hiện tình quân dân bền chặt.

Hay như trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, Tràng mời thị ăn và thị ăn liền “bốn bát bánh đúc”, nhiều học sinh chuyển ngay thành “bốn bát bánh khúc” hay “bốn bát bánh giò”.

Với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, việc nhầm lẫn giữa hai nhân vật A Phủ và A Sử cũng thường xuyên xảy ra. “Mị bị A Sử trói vào cột” thì ghi thành “Mị bị A Phủ trói vào cột”…

Thậm chí, một số học sinh còn bịa thêm chi tiết như “Nghĩ là làm, Mị quyết định ra ngoài chơi, Mị mặc lên một chiếc váy tuyệt đẹp, chỉnh lại đầu tóc cho thật xinh đẹp để ra ngoài nô đùa, ca hát. Thế nhưng sự thật phũ phàng, A Sử xuất hiện đúng lúc, vả cho Mị một phát nổ đom đóm mắt rồi trói Mị vô cột nhà. Bị trói, Mị chùng xuống, sự hăng hái để chuẩn bị vô cuộc chơi đã giảm…”.

Cô Thủy nói thêm khi phân tích hình tượng Sông Đà hung bạo dữ dội trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”, có em còn ghi “Như những 'bad girl' sáng nắng chiều mưa, sông Đà có lúc thơ mộng, có lúc hung dữ. Sóng sông Đà không phải như sóng âm của Lee Sin, không phải như những loại sóng có bước sóng, nút sóng, bụng sóng, không phải như sóng dọc sóng ngang truyền trong môi trường rắn, lỏng, khí mà là những con sóng nước cực mạnh”.

Sự quá đà của học sinh còn thể hiện trong đề phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Với chi tiết “mụ rỗ mặt”, học sinh thậm chí viết "Cuộc sống nghèo khổ, suốt ngày lênh đênh trên biển khiến người đàn bà không thể có tiền mua sữa rửa mặt, toner, serum, kem chống nắng, kem chống nẻ hay thậm chí cả Decumar làm mờ sẹo, thêm tự tin…".

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-xuan-quynh-va-nhung-nham-lan-do-khoc-do-cuoi-voi-mon-van-post1237829.html