OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm, giá dầu vẫn rớt mạnh

Các nhà sản xuất dầu mỏ có thể sẽ giảm quy mô sản xuất trong nỗ lực hạn chế giá dầu giảm sâu. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng để chống lại sự giảm nhu cầu do Covid-19 sẽ được đưa ra.

Các nhà đầu tư Phố Wall chờ đợi những thông tin chi tiết về việc cắt giảm sản lượng từ OPEC và các đồng minh, sau cuộc họp trực tuyến giữa các quốc gia sản xuất dầu mỏ ngày 9/4. Động thái này khiến giá dầu của Mỹ giảm hơn 9% so với mức tăng hơn 12% trước đó.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran nói rằng OPEC sẽ hạn chế sản xuất 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến cuối năm 2020 và 6 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Thỏa thuận sớm đạt được

Giá dầu đảo chiều khi các nhà giao dịch chờ các xác nhận cắt giảm cũng như các chi tiết cụ thể trong thỏa thuận, bao gồm cả cách cắt giảm giữa OPEC và các đồng minh, cũng như chi tiết về sản lưởng cắt giảm.

Ông Bjornar Tonhaugen, quản lý bộ phận phân tích dầu mỏ của Rystad Energy nói: "10 triệu thùng/ngày có thể giúp thị trường không lấp đầy kho trong thời gian ngắn, nhưng tình trạng dư nguồn cung dầu mỏ vẫn xảy ra".

Giá West Texas đã giảm 9,29%, hiện ở mức 22,76 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất là 28,36 USD/thùng. Dầu thô Brent giảm 4,14% xuống mức 31,48 USD/thùng, sau khi chạm mức 36,40 USD/thùng trước đó.

Tổng thư ký của OPEC, ông Mohammad Barkindo nói: "Dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế. Cung và cầu của dầu mỏ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo đánh giá từ 6/3 của chúng tôi".

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu để chống lại sự giảm nhu cầu do dịch Covid-19 sẽ đạt được. Ảnh: Reuters.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu để chống lại sự giảm nhu cầu do dịch Covid-19 sẽ đạt được. Ảnh: Reuters.

Các báo cáo trước đó cho rằng Saudi Arabia và Nga đang thảo luận về việc cắt giảm mức kỷ lục 20 triệu thùng/ngày sản xuất toàn cầu.

Trước khi cuộc họp đột xuất diễn ra, các nhà đầu tư Phố Wall đã theo dõi việc cắt giảm 10 đến 15 triệu thùng mỗi ngày sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga, Vladimir Putin và Hoàng tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman và mong họ sẽ công bố một thỏa thuận kích thước đó.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, ông Dan Brouillette trả lời CNBC: "Tôi nghĩ rằng OPEC và Nga có thể dễ dàng đạt tới thỏa thuận 10 triệu/thùng, thậm chí cao hơn và chắc chắn cao hơn nếu bao gồm các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác như Canada và Brazil...".

Cuộc họp diễn ra khi mối quan hệ giữa OPEC và Nga có sự phát triển mạnh mẽ, các nước này đã báo hiệu rằng bất kỳ sự cắt giảm nào cũng cần bao gồm hành động từ các quốc gia ngoài OPEC như Mỹ, Canada và Na Uy.

Theo ông Kilduff, OPEC+ đang cố gắng cùng nhau cắt giảm sản lượng khá lớn để tăng giá dầu. Hội nghị trực tuyến lần này sẽ quyết định tương lai của thị trường dầu mỏ.

"10 triệu thùng/ngày là mức cắt giảm tối thiểu cần thiết để ổn định tình hình dầu mỏ", ông nhấn mạnh.

Các bộ trưởng năng lượng của G-20 cũng sẽ triệu tập cho cuộc họp bất thường vào 10/4. Chủ tịch G-20 cho biết cuộc họp được tổ chức để thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn cầu để đảm bảo thị trường năng lượng ổn định và hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 8/4, Tổng thống mỹ, ông Donald Trump đã nói rằng "các nhà sản xuất đã cắt giảm sản lượng dầu trở lại". ông Brouillette đã lặp lại điều này trong cuộc phỏng vấn ngày 9/4, rằng sự suy giảm nhu cầu của người dùng đã dẫn đến việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Mỹ khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2020.

Helima Croft, trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của RBC cho rằng: "Một thỏa thuận khung để hạn chế sản lượng dầu có thể đạt được nhưng tình hình vẫn không ổn định".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng dù đạt được thỏa thuận, giá dầu vẫn ở mức thấp hơn trong thời gian dài do sự phá hủy cung cầu của dịch Covid-19. Nói cách khác, phía cung là một câu chuyện thứ yếu đối với nhu cầu hiện tại.

"Nếu đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, điều này chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng trong thời gian ngắn, nhưng sự tăng giá đó không kéo dài lâu do quy mô của sự mất cân bằng nhu cầu của thị trường", ông Tonhaugen đánh giá.

Nhu cầu giảm sút

Tại cuộc họp cuối cùng của OPEC vào đầu tháng 3, nhà lãnh đạo của Saudi Arabia đã đề xuất cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày để chống lại nhu cầu giảm. Nhưng phía Nga đã từ chối đề xuất này, gây ra cuộc chiến giá cả giữa 2 nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Saudi Arabia đã giảm giá dầu để giành thị phần, và cũng tăng sản lượng lên mức kỷ lục trên 12 triệu thùng/ngày.

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ. Ảnh: Getty.

Triển vọng về giá dầu đã thay đổi mạnh mẽ khi đại dịch lan rộng, khi nhiều nước trên thế giới yêu cầu công dân hạn chế di chuyển và tự cách ly tại nhà. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ. WTI và Brent đều giảm hơn 50% trong tháng 3, đây là mức tồi tệ nhất được ghi nhận. Tình hình quý I cũng là thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử, với WTI giảm 66%, trong khi Brent giảm 65%.

Trong bối cảnh suy giảm, Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tìm cách làm trung gian đàm phán cho một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Nga.

Các công ty dầu mỏ của Mỹ vẫn đang bơm gần mức kỷ lục khi thế giới đang đứng trước khả năng dự trữ dầu.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ bị chia rẽ giữa việc sẽ góp phần cắt giảm sản lượng trong nỗ lực ổn định giá dầu thế giới hay không.

Ngành Dầu khí Mỹ phản đối việc cắt giảm, nói rằng một động thái như vậy sẽ gây hại cho ngành công nghiệp nước này. Tuy nhiên, Ryan Sitton, một trong ba thành viên của Ủy ban Đường sắt Texas, đã nói rằng tiểu bang này sẽ xem xét tham gia vào một thỏa thuận.

Thanh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dau-giam-9-cac-nha-giao-dich-cho-quyet-dinh-cua-opec-post1071134.html