OPEC+: Điều gì đang chờ đợi phía trước?

Phía Nga hiện không có khả năng làm rung chuyển cả liên minh trong thời gian tới. Sự phục hồi của thị trường hiện tại rất mong manh và vấn đề lớn nhất của OPEC+ hiện nay là giữ cho thỏa thuận đi đúng hướng.

Các vấn đề chính cần theo dõi của OPEC+

Thỏa thuận toàn diện vào ngày 6/6 vừa qua chắc chắn là một chiến thắng cho KSA và Nga. Cả hai đã làm việc đằng sau hậu trường để đạt được thỏa thuận trước cuộc họp về tất cả các điểm quan trọng trong chương trình nghị sự, đảm bảo phiên họp diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng.

Tuy nhiên, như trong quá khứ, vấn đề chính hiện nay là duy trì sự tồn tại của liên minh, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu dầu và giá dầu đang tăng lên nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện. Giá dầu cao có thể khiến một số nhà sản xuất ủng hộ các cam kết của họ trong những tháng tới.

Trước mắt, trọng tâm sẽ là vấn đề tuân thủ. Với cách tiếp cận chặt chẽ hơn về trách nhiệm cắt giảm do Bộ trưởng Năng lượng Saudi Abdulaziz bin Salman dẫn đầu, Ủy ban giám sát (JMMC) sẽ họp mỗi tháng một lần để kiểm tra dữ liệu sản xuất của mỗi thành viên.

Về lâu dài, việc giám sát sản lượng khai thác dầu tại Nga sẽ rất quan trọng. Khi thị trường dầu cải thiện, việc giữ cho Nga thực hiện tuân thủ sản lượng có thể là một thách thức. Nga bị tổn thương nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kép Covid-19 và giá dầu và hoàn toàn có thể rời thỏa thuận ngay bây giờ. Hiện việc tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm của Nga khá tốt, tuy nhiên nước này đang miễn cưỡng cam kết gia hạn cắt giảm sản xuất kỷ lục và coi đây là một phản ứng tạm thời cho một tình huống cụ thể. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, thời hạn của thỏa thuận có thể được rút ngắn nếu thị trường cho phép. Phía Nga đã bắt đầu đề xuất rằng, nhu cầu tiêu thụ sẽ trở thành thông số chính của quản lý thị trường và nếu nền kinh tế thế giới và nhu cầu toàn cầu bắt đầu hồi phục, OPEC+ nên phân chia thành hai nhóm: 50% thành viên thực hiện cắt giảm và 50% thành viên tăng sản xuất phù hợp.

Phía Nga hiện không có khả năng làm rung chuyển cả liên minh trong thời gian tới. Sự phục hồi của thị trường hiện tại rất mong manh và vấn đề lớn nhất của OPEC+ hiện nay là giữ cho thỏa thuận đi đúng hướng.

Tại sao OPEC+ đồng ý gia hạn một tháng chứ không phải dài hơn?

Việc gia hạn cắt giảm sản xuất theo mức của tháng 5 và tháng 6 ít nhất một tháng được coi là một sự thỏa hiệp tốt. Nó thỏa mãn cho những thành viên phản đối bất kỳ việc mở rộng cắt giảm nào cũng như đối với các thành viên hướng đến mục tiêu dài hơn. Việc JMMC xem xét thị trường và đưa ra các khuyến nghị hàng tháng cho đến khi kết thúc năm 2020 sẽ hỗ trợ liên minh đưa ra các quyết định điều chỉnh trong ngắn hạn trong trường hợp cần thiết. Bất kỳ hành động nào sẽ cần tham khảo ý kiến và sự đồng thuận giữa tất cả 23 thành viên. Cuộc họp đầu tiên của JMMC sẽ được tổ chức vào ngày 18/6 tới.

Điều gì xảy ra nếu một số thành viên vẫn không tuân thủ?

Trong thời gian tới, việc tuân thủ thỏa thuận sẽ vẫn là vấn đề gây tranh cãi nhất. Sau cuộc họp OPEC+, Arab Saudi tuyên bố không tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Điều này phản ánh quan điểm của Saudi là không tiếp tục ở vị trí gánh vác gánh nặng cắt giảm trong khi các thành viên khác của liên minh không tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm của mình như trước đây.

Lần đầu tiên, các thành viên OPEC+ đối mặt với áp lực trực tiếp phải tuân thủ hoặc đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm, tất cả đẩy thị trường vào cuộc chiến giành thị phần và có nguy cơ nảy sinh cuộc chiến giá mới. Các nhà sản xuất đã không tuân thủ hạn ngạch vào tháng 5 và đầu tháng 6 có nghĩa vụ phải trình bày kế hoạch hành động về cắt giảm sản lượng ngay lập tức. Mặc dù đây là thách thức không nhỏ song điều này được coi là một công cụ hiệu quả nhất để tăng kỷ luật tuân thủ cam kết trong OPEC+. Các thành viên chưa tuân thủ đầy đủ được cho là sẽ cắt giảm thêm sản xuất dầu trong quý III/2020 để bù đắp cho khối lượng mà họ sản xuất vượt mức hạn ngạch trong thời gian vừa qua. OPEC+ hiện chưa có chế tài cụ thể trong trường hợp các quốc gia vẫn không tuân thủ cam kết.

Tuy nhiên, ngoài nguy cơ bị nêu tên, hạ uy tín, kết quả cuộc họp còn phát đi tín hiệu rõ ràng: tính liên tục của thỏa thuận hiện tại tùy thuộc vào mức độ tuân thủ cam kết của tất cả các thành viên. Thành quả lớn nhất khi việc tuân thủ được cải thiện là sự phục hồi bền vững về giá, trong khi ở chiều ngược lại, việc thiếu tuân thủ bởi một số thành viên có thể đẩy thỏa thuận đến bờ vực sụp đổ.

Những quốc gia chưa tuân thủ đầy đủ thỏa thuận

Đối với Iraq, con đường tuân thủ đầy đủ cam kết trong OPEC+ sẽ không dễ dàng. Nước này sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của mình trong tháng 6 này, một phần vì chương trình khai thác tháng 6 đã được ban hành, một phần vì khả năng bồi thường hợp đồng cho các công ty dầu khí quốc tế đang hoạt động tại Iraq vì cắt giảm sản xuất bắt buộc. Một số thành viên khác chưa tuân thủ nghiêm túc cam kết như Nigeria, Angola, Kazakhstan và Azerbaijan cũng sẽ được JMMC theo dõi chặt chẽ.

Tại sao cuộc họp lần này diễn ra suôn sẻ hơn cuộc họp trước?

Nhờ vào các cuộc thảo luận hậu trường giúp tất cả thành viên đồng quan điểm vào thời điểm cuộc họp diễn ra ngày 6/6. Arab Saudi và Nga đã cố gắng để tất cả các thành viên chưa tuân thủ 100% hạn ngạch cắt giảm trình bày kế hoạch hành động của mình và đồng ý với cơ chế giám sát mới. Sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ và giá dầu cũng hỗ trợ cho cuộc họp.

Để đạt được quan điểm đồng thuận, các nhà sản xuất và Ban thư ký OPEC đã tiến hành một loạt các cuộc điện đàm, đi đến thống nhất 5 nguyên tắc:

(1) Xác nhận lại các cam kết hiện có theo thỏa thuận;

(2) Hỗ trợ cho kế hoạch bổ sung của các quốc gia chưa tuân thủ 100% cam kết trong tháng 5 và đầu tháng 6 bằng việc cắt giảm bổ sung vào quý III/2020;

(3) Gia hạn giai đoạn đầu điều chỉnh hạn ngạch 1 tháng;

(4) Tính liên tục của thỏa thuận hiện tại nên phụ thuộc vào việc thực hiện nguyên tắc (1) và (2);

(5) Việc thực hiện đầy đủ và kịp thời thỏa thuận trên cơ sở các điều kiện trên trong toàn bộ thời gian của nó là bất khả xâm phạm.

Sự trở lại của sản xuất trong G20, nhất là Mỹ có ảnh hưởng đến sự gắn kết trong OPEC+

Các công ty dầu khí Mỹ đang dần khôi phục sản lượng tại các trung tâm khai thác Permian và Bakken khi nhu cầu phục hồi, tuy nhiên sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ vẫn ở dước mức cao nhất 13 triệu thùng/ngày đã đạt được vào cuối năm 2019. Sản lượng khai thác dầu tại Mỹ sẽ từ dưới 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 tăng lên 10,5 triệu thùng trong tháng 7 và lên 11-11,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2020.

Sự phục hồi nhanh chóng sản xuất dầu đá phiến sẽ đòi hỏi OPEC+ phải duy trì tính kỷ luật của mình, nhưng không được phá hỏng những nỗ lực của khối. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận trong OPEC+, đặc biệt nếu tốc độ phục hồi của Mỹ nhanh hơn dự kiến. Theo Energy Intelligence, sản xuất dầu mỏ tại Mỹ cần giá dầu từ 70-80 USD/thùng để tiến lên một đỉnh cao mới.

Phạm TT

Theo: Energy Intelligence.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/opec-dieu-gi-dang-cho-doi-phia-truoc-572409.html