OPEC+ và số phận của thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho hay Nga và Saudi Arabia đã gia hạn thỏa thuận cắt giảm khai thác dầu mỏ sau tháng 3/2018 (khi thỏa thuận hiện hành hết hạn).

OPEC+ và số phận của thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Ảnh: Reuters

Theo tờ báo này, tại cuộc gặp hồi tháng Bảy ở St Petersburg, Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksander Novak và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled Al-Faleh đã quyết định kéo dài thỏa thuận này thêm ít nhất 3 tháng nữa.

Chắc chắn các nước Venezuela, Kuwait và Angola sẽ ủng hộ một khi thông tin trên được khẳng định. Còn Nga và Mỹ thì chưa có bình luận.

Người đứng đầu công ty tư vấn Castle Private Solutions, ông Stanislav Verner, đánh giá rằng dù còn 7 tháng nữa thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mới kết thúc, song thực tế cho thấy mục tiêu giảm dự trữ dầu dư thừa (so với mức trung bình 5 năm qua) nếu có được hoàn thành thì cũng phải đến hết quý I/2018. Sau đó có thể nảy sinh tình huống tương tự mà đã dẫn đến thỏa thuận tại Vienna hồi năm ngoái.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là có hay không một “kế hoạch thoát hiểm”? Vấn đề này được đem ra thảo luận giữa hai thành viên chủ chốt là Nga và Saudi Arabia. Theo nguồn tin trên, phương án đang được xem xét là kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng thêm một quý nữa – đến cuối tháng 6/2018, song đây chưa phải quyết định cuối cùng.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ ( OPEC ) sẽ quyết định “số phận” của thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 11 tới tại cuộc họp ở Vienna.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Essam al-Marzouq cho biết nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC đang cho thấy hiệu quả, sau khi số liệu thống kê cho thấy các kho dự trữ dầu trong những tuần gần đây giảm mạnh hơn dự kiến. Kho dự trữ dầu của Mỹ hiện đã giảm xấp xỉ 13% so với mức đỉnh hồi tháng 3/2017 xuống còn 466,5 triệu thùng.

Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngại về tình trạng dư cung trên thị trường thế giới chưa kết thúc, sau khi OPEC thông báo rằng tổ chức này đã tăng sản lượng khai thác thêm 173.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, nâng tổng mức khai thác của OPEC lên 32,87 triệu thùng/ngày.

Sản lượng tăng chủ yếu là ở các nước Libya, Nigeria (hai nước không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ) và Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu OPEC và cũng là nước ủng hộ việc tiếp tục hạn chế khai thác.

Hồi tháng Năm vừa qua, các nước thành viên OPEC và một số quốc gia khác, trong đó có Nga, đã nhất trí duy trì cam kết cắt giảm sản lượng khai thác đến tháng 3/2018 nhằm giảm tình trạng nguồn cung dư thừa, một trong những nguyên nhân khiến dầu mỏ rớt giá.

Giới quan sát dự đoán cán cân cung cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ chịu nhiều tác động khó đoán định. Cụ thể như nhu cầu tiêu thụ trong mùa sưởi ấm, thiệt hại sau cơn bão Harvey đối với ngành khai thác và lọc dầu tại Mỹ, việc thực hiện cam kết giảm sản lượng tại OPEC có triệt để…

Siêu bão Harvey khiến các cơ sở chế biến dầu tại Texas và Lusiana bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo đánh giá của ngân hàng Goldman Sachs, thiệt hại có thể lên đến 1,4 triệu thùng/ngày. Bão Harvey đã khiến các chuyên gia cân nhắc lại triển vọng ngắn hạn của thị trường năng lượng.

Chỉ số giá dầu sẽ quay lại đồ thị giảm dần, và giá dầu có thể lặp lại mức đáy ghi nhận từ đầu năm (thấp hơn 45 USD/thùng đối với giá dầu Brent).

Một rủi ro lớn khác là đồng USD tăng giá. Chuyên gia Verner cho rằng các yếu tố tác động đến thị trường hối đoái có thể là vấn đề nâng trần nợ quốc gia và tài trợ cho chính phủ, các điều chỉnh về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) và kế hoạch phát hành một lượng trái phiếu lớn của Kho bạc Mỹ ./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/opec-va-so-phan-cua-thoa-thuan-cat-giam-san-luong/56390.html