OPEC vượt 'bão' giá dầu như thế nào?

Uy tín của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống mức chưa từng thấy hồi tháng 4 vừa qua khi tranh chấp giữa Saudi Arabia và Nga đã kích hoạt một cuộc chiến giá cả khốc liệt vào đúng thời điểm nhu cầu dầu thô trên toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Thế nhưng, OPEC đã vượt qua cuộc khủng hoảng giá dầu sụt giảm và ổn định thị trường.

OPEC+ nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ

OPEC+ nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ

Vào tháng 7, ba tháng sau khi cuộc chiến giá cả giữa OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối do Nga dẫn đầu (còn gọi là nhóm OPEC+) xảy ra, tổ chức này lại nổi lên như một hình mẫu về hợp tác xuyên quốc gia, sẵn sàng cùng nhau giảm sản lượng dầu ở mức chưa từng có trong lịch sử nhằm bình ổn giá cả thị trường.

Saudi Arabia, nước dẫn đầu tổ chức OPEC, rút lại quyết định đưa ra trước đó là "chạy đua" tăng thêm 20% sản lượng lên mức kỷ lục là 12 triệu thùng/ngày. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thuyết phục các nước cùng hợp tác hồi đầu tháng 4 góp phần giúp ngăn chặn phần nào cú sốc khủng hoảng dư cung do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến lượng dầu dự trữ toàn cầu tăng cao và giá dầu thô kỳ hạn Mỹ có thời điểm rơi xuống mức âm.

Sau khi tránh được cuộc khủng hoảng giá xảy ra, các nước OPEC+ giờ đây nhanh chóng lấy lại vị thế của mình, nhất trí cùng nhau hợp tác giảm sản lượng ở mức cao nhất từ trước tới nay. Kể từ lúc này, 23 nước thành viên OPEC không chỉ tuân thủ hạn mức mới đã được thống nhất mà còn giảm nhiều hơn mức quy định, ở mức 10,3 triệu thùng/ngày hồi tháng 6, cao hơn mức giảm đã thỏa thuận là 9,7 triệu thùng/ngày.

Lý do của động thái trên liên quan đến việc các nước phải thực hiện quy định do Saudi Arabia đặt ra. Các nhà hoạch định chính sách ở Riyadh, nhất là Bộ trưởng năng lượng và dầu khí, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, yêu cầu những nước nào giảm ít hơn hạn mức được OPEC quy định thì sẽ phải “bồi thường” cho những vi phạm của họ bằng nhiều lần giảm sản lượng khác trong tương lai.

Lúc đầu, các nước sản xuất nhiều hơn so với sản lượng cam kết, nhất trí phản bác lại quy định này. Đầu tháng 7, Angola từ chối giảm sản lượng và cũng không thay đổi chính sách sản xuất nhiều dầu hơn mức OPEC quy định. Tuy nhiên, nước này sau đó nhất trí tuân thủ việc giảm sản lượng theo kế hoạch đã thống nhất và chịu phạt bằng cách giảm thêm sản lượng trong tương lai. Thậm chí Iraq, một nước thường xuyên vi phạm hạn mức sản xuất, cũng nhất trí giảm sau khi Saudi Arabia đưa ra một thỏa thuận với những ưu đãi hấp dẫn, mà một trong số đó là việc Saudi Arabia sẽ bổ nhiệm Đại sứ Saudi Arabia tại Iraq và đầu tư khai thác mỏ dầu khí tự nhiên của Iraq.

Cùng với Saudi Arabia, Nga cũng tham gia vào nỗ lực đảm bảo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ phải được thực thi nghiêm túc bằng việc gây sức ép với Kazakhstan sau khi phát hiện nước này sản xuất quá hạn ngạch khai thác cho phép.

Với những nỗ lực của Nga và Saudi Arabia, thị trường dầu thô thế giới đã đạt được trạng thái cân bằng cung cầu, dù điều này hết sức mong manh. Tuy nhiên, để có được sự tuân thủ dài lâu, OPEC+ sẽ phải vượt qua một số trở ngại cam go, mà thách thức lớn nhất chính là nhu cầu dầu mỏ trên thế giới xuống rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thanh Hằng

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/opec-vuot-bao-gia-dau-nhu-the-nao-131161.html