OpenAI - điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của ngành đầu tư mạo hiểm

Theo báo cáo, trong 12 tháng qua, do suy thoái kinh tế đã kéo theo việc định giá công ty mới thành lập giảm xuống, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của các công ty này đã giảm hơn 50%.

Nếu không tính đến khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI, quý đầu tiên của năm 2023 sẽ là quý tồi tệ nhất đối với ngành đầu tư mạo hiểm trong hơn 5 năm. Ảnh minh họa/PL

Nếu không tính đến khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI, quý đầu tiên của năm 2023 sẽ là quý tồi tệ nhất đối với ngành đầu tư mạo hiểm trong hơn 5 năm. Ảnh minh họa/PL

Vốn khởi nghiệp toàn cầu giảm một nửa

Trên toàn cầu, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 76 tỷ USD vào công ty khởi nghiệp trong ba tháng đầu năm 2023, chưa bằng một nửa so với 162 tỷ USD cùng kỳ năm trước, theo nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase.

Trong khi lĩnh vực công nghệ đã chứng kiến hai vòng cấp vốn lớn trong năm nay, số lượng tài trợ nói chung đang giảm mạnh. Vào tháng 1, Microsoft đã đầu tư 10 tỷ USD vào công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI. Tháng 2/2023, Stripe - công ty thanh toán khổng lồ của Hoa Kỳ, đã hoàn thành vòng tài trợ trị giá 6,5 tỷ đô la.

Nếu không tính đến khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI, quý đầu tiên của năm 2023 sẽ là quý tồi tệ nhất đối với ngành đầu tư mạo hiểm trong hơn 5 năm.

Theo Gené Teare, biên tập viên dữ liệu cao cấp tại Crunchbase, sự sụp đổ vào tháng trước của Ngân hàng Thung lũng Silicon, một tổ chức tài chính liên quan đến việc phục vụ các công ty khởi nghiệp, càng làm suy yếu hệ sinh thái tài chính cho các công ty công nghệ mới nổi và gây ra sự siết chặt đối với những công ty dựa vào ngân hàng.

Hàng ngàn công ty khởi nghiệp đói vốn đang bị buộc phải đối mặt với việc định giá lao dốc, chấp nhận vay nợ với các điều khoản khắc nghiệt hoặc có nguy cơ mất tiền khi điều kiện kinh tế vĩ mô suy yếu kéo dài khiến các nhà đầu tư vào các tài sản rủi ro giảm niềm tin.

Sam Yagan, người sáng lập nền tảng hẹn hò trực tuyến OKCupid, hiện đang tập trung đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến môi trường kinh doanh tồi tệ nhất từ trước đến nay trước khi các ngân hàng ở Thung lũng Silicon sụp đổ.

Ông nói: "Hầu hết các doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm chưa bao giờ trải qua thời kỳ suy thoái. Chúng tôi nói với họ rằng, bạn không thể cho rằng sẽ có nhiều tiền hơn đang chờ bạn. Có một số công ty thực sự tốt hiện nay không nhận tài trợ."

Các quỹ đầu tư mạo hiểm "chùn tay"

Trong vòng 5 năm tính đến cuối năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã tăng gấp gần 4 lần. Tuy nhiên, kể từ đó, nhiều công ty khởi nghiệp từng là con cưng của các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon đã bị hạ giá mạnh. Stripe, được định giá 95 tỷ đô la vào năm 2021, qua vòng cấp vốn giá trị giảm đi gần một nửa, với mức định giá 50 tỷ đô la vào tháng 2/2023.

Xu hướng này cũng đã buộc một số quỹ đầu tư mạo hiểm phải ghi giảm giá trị của các công ty mà họ đầu tư vào. Đầu năm nay, Tiger đã giảm một phần ba, tương đương 23 tỷ đô la, giá trị cổ phần khởi nghiệp của mình, bao gồm Stripe và ByteDance.

Theo Crunchbase, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã nắm giữ một lượng tiền kỷ lục là 580 tỷ đô la, hoặc số tiền huy động được nhưng chưa được đầu tư, tính đến cuối quý đầu tiên. Thị trường IPO (chào bán lần đầu ra công chúng) phần lớn bị đóng băng cũng đã cắt đứt nguồn tài trợ chính cho các công ty ở giai đoạn cuối.

Điều đó khiến nhiều công ty khởi nghiệp phải lựa chọn huy động vốn với mức định giá thấp hơn, nhận nợ hoặc cắt giảm chi phí cho đến khi môi trường tài trợ được cải thiện.

Các nhà đầu tư thế giới lo ngại một làn sóng đóng cửa công ty vào cuối năm nay khi một số công ty khởi nghiệp hết tiền mặt.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/openai-diem-sang-trong-buc-tranh-am-dam-cua-nganh-dau-tu-mao-hiem-179230406170816695.htm