Oscar lần thứ 96: Chiêu trò và thông điệp chính trị

Rating tăng 4% trên đài ABC, kỷ lục mùa giải có lượng truy cập trên mạng xã hội cao nhất trong lịch sử là loạt thành tích ấn tượng của Lễ trao giải Oscar lần thứ 96 đạt được, sau khi chủ nhân các tượng vàng lộ diện.

Giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật điện ảnh năm nay tập trung vào sứ mệnh tôn vinh các ứng viên. Song, Oscar năm nay tiếp tục khép lại một mùa giải không mấy bất ngờ cả về kết quả và những chiêu trò để câu kéo khán giả.

Rating kỷ lục

Theo Variety, Lễ trao giải Oscar 2024 tại nhà hát Dolby, thành phố Los Angeles (Mỹ) diễn ra vào sáng 11/3 (giờ Việt Nam), đã thu hút 19,5 triệu lượt khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp. Theo đài truyền hình ABC, số lượt khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá này tăng năm thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, chương trình bắt đầu sớm hơn một tiếng so với chương trình các năm trước. TheoThe Wrap, đây là chiến lược giữ chân khán giả Bờ Đông (gồm các bang như New Jersey, New York, Delaware, Maryland, Virginia, South Carolina, North Carolina, Georgia và Florida).

Emma Stone thắng giải nữ chính xuất sắc nhờ diễn xuất thăng hoa trong “Poor Things”.

Còn nhớ, ở thời kỳ huy hoàng vào cuối những năm 1990, rating của Oscar luôn là tâm điểm chú ý của công chúng và truyền thông. Sự kiện từng thu hút cao nhất 55 triệu khán giả vào năm 1998. Năm đó, siêu phẩm kinh điển “Titanic” của đạo diễn James Cameron được 14 đề cử và chiến thắng 11 tượng vàng. Đến những năm 2000, rating có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn dao động ở mức 35-45 triệu khán giả.

Năm nay, lượng khán giả tăng 4% so với năm ngoái và tăng gần gấp đôi so với năm 2021, thời điểm giữa đại dịch COVID-19, khi lượng khán giả chỉ đạt 10,5 triệu. Năm 2022 ghi nhận lượng người xem là 15,3 triệu lượt và 2023 là 18,7 triệu lượt. Trên mạng xã hội, sự kiện điện ảnh lớn nhất năm được xếp hạng là chương trình số 1 vào chiều sáng 11/3 tạo ra 28,5 triệu lượt tương tác, cũng cao hơn khoảng 4% so với năm ngoái. Không những vậy từ khóa #Oscars là chủ đề xu hướng hàng đầu ở Mỹ trên mạng xã hội trong suốt chương trình truyền hình trực tiếp lễ trao giải và là từ khóa được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới vào ngày diễn ra sự kiện, theo ABC.

Một năm sau khi Hollywood lao đao với cuộc đình công kép và những suy thoái kinh tế cũng như mối đe dọa từ công nghệ mới AI buộc kinh đô điện ảnh phải đối mặt một tương lai đầy khó khăn, Oscar được kỳ vọng là một chất xúc tác giúp Hollywood tìm lại ánh hào quang đã mất. Như Naver nhận định, lượng khán giả theo dõi lễ trao giải tăng lên là tín hiệu đáng mừng đối với các chương trình truyền hình trực tiếp, vốn đã giảm trong những năm gần đây do khán giả chuyển sang hình thức xem trực tuyến hay qua mạng xã hội.

Song, về tổng thể, Oscar năm nay vẫn bị đánh giá là nhàm chán với “những câu chuyện cười nhẹ nhàng, những người chiến thắng được mong đợi, những bài phát biểu buồn tẻ, chúng quá chung chung đến mức gây buồn ngủ - 90% thời lượng phát sóng có thể diễn ra tại bất kỳ Lễ trao giải Oscar nào trong bất kỳ năm nào”, USA Today đánh giá. Tờ báo tiếc nuối bày tỏ: “Lẽ ra họ phải biết cách trình diễn và thu hút khán giả hơn”. Dẫu vậy, USA Today thừa nhận: “Một giải Oscar nhàm chán còn hơn là một giải Oscar tồi tệ”.

Chiêu trò vẫn là đặc sản

Không riêng Oscar, các lễ trao giải khác cũng đang rơi vào thực trạng bị khán giả Mỹ lạnh nhạt. Rating có xu hướng tăng phần nào được ghi nhận bởi sự nỗ lực cứu Oscar khỏi tình trạng ảm đạm của ban tổ chức. Trong đó, chiêu trò ngoài lề dần trở thành đặc sản không thể thiếu tại mỗi mùa trao giải. Tiêu biểu nhất phải kể đến năm 2022, khi hàng loạt những sự kiện, điều mới lạ xảy ra trên sân khấu lễ trao giải hấp dẫn sự quan tâm của công chúng.

Khoảnh khắc John Cena không mảnh vải che thân ra sân khấu công bố giải thiết kế trang phục. ảnh: ABC News

Còn nhớ, tại Oscar lần thứ 94, nhóm nhạc BTS có màn xuất hiện không báo trước, dù không được đề cử hay có vai trò quan trọng gì trong lễ trao giải này. Dẫu vậy, sự góp mặt của nhóm nhạc nam nhà Big Hit được truyền thông nước ngoài liên tục đưa tin, kéo theo đó là lượng người xem, bình luận đáng kể từ lượng khán giả khổng lồ của BTS. Oscar lần thứ 95 cũng tràn ngập ồn ào nhờ "cú tát lịch sử" của Will Smith - chủ nhân tượng vàng Oscar hạng mục Nam chính xuất sắc dành cho nam MC Chris Rock. Năm nay đến lượt John Cena khỏa thân khi lên sân khấu công bố hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc (cho phim “Poor Things”). Nam diễn viên dùng bao thư chứa kết quả che vùng nhạy cảm nên không thể mở ra đọc đành phải chạy vào hậu đài choàng tấm màn cửa che thân để công bố kết quả.

Variety tiết lộ, chính John Cena và MC Jimmy Kimmel lên kịch bản cho màn "đinh" này nhằm gợi lại khoảnh khắc "điên rồ" tại Lễ trao giải Oscar 1974, khi một người đàn ông khỏa thân nhảy lên sân khấu trong khi David Niven đang giới thiệu ngôi sao Elizabeth Taylor. Màn xuất hiện gây sốc của John Cena nhận được ý kiến trái chiều. Bên cạnh bộ phận tỏ ra thích thú, một bộ phận khác chỉ trích hành động này phản cảm - nhất là trên một sân khấu trang trọng, lớn nhất hành tinh này.

Theo The Wrap, việc khiến lượng người xem tăng vọt cũng có không nhỏ thuộc về MC Jimmy Kimmel. Jimmy Kimmel có màn hài độc thoại nhắc tên ông Donald Trump - người từng gọi Oscar là rời rạc, nhàm chán và không công bằng. Jimmy Kimmel sau đó khiến các ngôi sao bên dưới và khán giả truyền hình bất ngờ khi chuyển sự chú ý đến Robert Downey Jr.. Nam MC gọi màn diễn xuất của anh trong “Oppenheimer” là đỉnh cao trong sự nghiệp, nhưng không quên “cà khịa” Robert sử dụng chất cấm trong quá khứ. Câu đùa này được đánh giá thiếu tinh tế, khiến Robert ủ rũ nhìn chằm chằm vào ống kính máy quay. Sau lễ trao giải, nhiều người đã chỉ trích Kimmel vô duyên.

MC Jimmy Kimmel cũng được cho là làm mất lòng nữ diễn viên Emma Stone khi đề cập tới những cảnh nóng của cô trong phim “Poor Things”. "Đó là tất cả những gì trong phim Poor Things mà chúng tôi được phép chiếu trên TV", nam MC nói khi hình ảnh ngắn về bộ phim được phát trên màn hình. Khi máy quay lia về phía Emma Stone, nhiều người nhận ra rằng, nữ diễn viên không mấy vui vẻ với những câu đùa của Jimmy.

Chiêu trò có thể gây tranh cãi, có thể cứu nguy mùa giải Oscar có nguy cơ ít người xem nhưng nỗ lực xây dựng một sự kiện ấn tượng của ban tổ chức là điều cần được ghi nhận. Giải Oscar năm nay đã làm hài lòng khán giả với những màn trình diễn âm nhạc đầy sắc màu. Diễn viên Ryan Gosling và Billie Eilish nằm trong số những nghệ sĩ đã khuấy động sân khấu với những bài hát đạt giải ca khúc nhạc phim hay nhất. Ca khúc "Wahzhazhe" trong bộ phim "Killers of the Flower Moon" của Martin Scorsese cũng đem lại ấn tượng đặc biệt với màn trình diễn mạnh mẽ của Scott George và Osage Singers. Các ca sĩ, vũ công và nhạc công chơi trống trong trang phục.

Và hơn hết, Lễ trao giải Oscar dù tranh cãi, chiêu trò gây sốc nhưng vẫn có những khoảnh khắc xúc động và nhân văn. Đó là khoảnh khắc Paul Giamatti khóc khi hộ tống bạn diễn Da'Vine Joy Randolph trong phim “The Holdovers” lên sân khấu để trao giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho cô. Hay, việc Robert Downey, Jr. cảm ơn luật sư đã giúp anh ra khỏi tù trong thời điểm cuộc đời anh đang ở dưới đáy vực thẳm…

Cây bút Kevin Fallon của trang The Daily Beast thừa nhận: “Hóa ra những chiến thắng hoành tráng, những bài phát biểu đầy cảm xúc, giọng hát của Ryan Gosling và màn khỏa thân của John Cena là tất cả những gì bạn cần để tạo nên một Lễ trao giải Oscar hoành tráng”.

Oscar và chính trị

Hollywood và nghệ thuật thứ bảy vốn không biệt lập với chính trị nước Mỹ và chính trị thế giới. Yếu tố chính trị cũng là kim chỉ nam xuyên suốt lịch sử Oscar. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Oscar đã hướng tới việc cân bằng hai yếu tố thương mại và nghệ thuật. Đó là lý do giới mộ điệu không mấy bất ngờ khi bom tấn “Oppenheimer” của đạo diễn Christopher Nolan rinh về 7 tượng vàng trên tổng số 13 đề cử, bao gồm hạng mục quan trọng như: Phim truyện xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc. Trước đó, tờ Variety từng nhận định hiếm khi nào xuất hiện một ứng viên áp đảo như bộ phim của Nolan. Trước đó, tờ Deadline đánh giá, “Oppenheimer” là một bộ phim hiếm hoi mang chủ đề lịch sử cũng có thể gây tiếng vang lớn trong thời đại này. Thêm vào đó, bộ phim tiểu sử về “cha đẻ” tạo ra bom nguyên tử - nỗi ám ảnh khó quên của nhiều thế hệ còn kiếm được gần một tỷ USD trên toàn thế giới, điều chưa từng có đối với một bộ phim truyền hình dành cho người lớn dài ba giờ phát hành vào mùa hè.

Êkíp phim “Oppenheimer” nhận giải phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 96. Ảnh: AFP

Không hẹn mà gặp “Oppenheimer”, “The Zone of Interest” và bộ phim tài liệu “20 Days in Mariupol”, “The Boy and the Heron” giao nhau trong một dòng chảy kinh điển của điện ảnh thế giới: chiến tranh. Trong đó, cuộc xung đột ở Ukraine giữa Nga và Ukraine cũng như lần xung đột mới giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông cũng đều đến cả với Giải Oscar và hiện diện ở lễ trao giải. Phim “20 ngày ở Mariupol” được vinh danh ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất cũng được đánh giá là xứng đáng. Phim kể về những nhà báo quốc tế cuối cùng ở lại để đưa tin về thành phố cảng Mariupol của Ukraine bị bao vây, tấn công. Bất chấp những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, họ đã ghi lại những hình ảnh về cuộc chiến đang diễn ra, đem tới những rung động và thông điệp bên trong.

Bộ phim “The Zone of Interest” - kể về cuộc sống trong trại tập trung của chính quyền phát xít Đức được trao ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất. Trong bài phát biểu cảm ơn, đạo diễn Jonathan Glazer đã đề cập đến tình trạng hiện tại của người dân ở Dải Gaza bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Hamas với Israel và so sánh tình trạng ấy với việc chính quyền phát xít Đức tiến hành diệt chủng người Do Thái trong nửa đầu của thế kỷ trước.

Còn “The Boy and The Heron” - Phim hoạt hình xuất sắc nhất cũng đặt bối cảnh chiến tranh vào năm 1943 khi nước Nhật vẫn còn chìm trong đại chiến Thái Bình Dương. Bộ phim mang đến một câu chuyện ngụ ngôn đầy mê hoặc, khắc họa song song hành trình anh hùng của một cậu bé và lời tạm biệt của một cụ già.

Oscar 2024 vẫn “sặc mùi chính trị”. Song, những cái tên như “The Zone of Interest”, “Anatomy of a Fall”, “Past Lives” hay “Perfect Day” dường như không còn trông giống những kẻ ngoại lai trong cuộc đua tượng vàng khi đều có những giải thưởng của riêng mình. Tuy không mang về giải thưởng cao nhất, nhưng việc ghi nhận tác phẩm với các chủ đề khác nhau cho thấy Viện Hàn lâm đã có sự cởi mở và hứa hẹn các mùa Oscar đa dạng, nhân văn trong tương lai. Và hơn hết, kể cả khi Oscar có bị ngó lơ, ngành công nghiệp điện ảnh nhiều biến động thì có một điều chắc chắn là Hollywood vẫn luôn hào nhoáng, công chúng không thể ngừng xem phim và họ vẫn cần phải tạo ra những tác phẩm hay.

Bạch Dương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/oscar-lan-thu-96-chieu-tro-va-thong-diep-chinh-tri-i725644/