Pa Thơm hôm nay

Trong ký ức của những người già xã Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), trước đây, vùng đất giáp biên giới Lào - nơi 3 dân tộc Cống, Lào, Khơ Mú sinh sống vô cùng nghèo khó với những nóc nhà lụp xụp thưa thớt, những con đường đất nắng bụi mưa lầy. Thế nhưng, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, Pa Thơm đang 'thay da đổi thịt' từng ngày.Ai đã từng đến Pa Thơm khoảng 5 năm về trước hẳn chưa thể quên được những con đường đất đỏ quanh co, gấp khúc tay áo, một bên núi, một bên vực.

Một góc bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm hôm nay.

Một góc bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm hôm nay.

Những ngôi nhà tạm bợ không đủ che nắng che mưa; những cánh đồng, nương ngô xơ xác vì mất mùa... Ngày ấy, Pa Thơm được xem là một trong những địa phương có nhiều "không" nhất tỉnh: Không đường giao thông, không điện, không trường, không trạm... Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đến nay, từ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình 134/CP, 135/CP, 159/CP... diện mạo nông thôn xã Pa Thơm đã đổi thay khá rõ: Trụ sở UBND xã bề thế 2 tầng, trạm y tế, chợ trung tâm xã... được đầu tư đồng bộ, cùng nhiều ngôi nhà sàn bằng gỗ mái lợp ngói đỏ, vách ghép ván còn tươi nguyên màu sơn cánh gián của đồng bào các dân tộc.

Pa Thơm giờ đây đang khởi sắc, vươn mình trong nắng mới dưới ngọn cờ của Đảng. Để minh chứng cho sự đổi thay và phát triển của Pa Thơm cũng như đời sống nhân dân ngày càng sung túc, ông Lò Văn Không, Phó Chủ tịch UBND xã đã đưa chúng tôi đi thăm trường học, trạm y tế, hệ thống kênh mương thủy lợi... Ông Không hồ hởi chia sẻ: Những năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, bà con các dân tộc trong xã luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, lao động cần cù, sáng tạo. Vì vậy, kinh tế của xã ngày một tăng trưởng, văn hóa - xã hội luôn được duy trì và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2011, cả xã vẫn còn 145 hộ nghèo thì đến cuối năm 2013 chỉ còn 85 hộ (chiếm 36%). Từ nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, Pa Thơm được đầu tư các công trình thủy lợi tại các bản, giúp nhân dân mở rộng diện tích thâm canh lúa nước 2 vụ. Đến nay, diện tích trồng cây lương thực toàn xã đạt 210ha. Trong đó, diện tích lúa vụ mùa 57ha, năng suất 40 tạ/ha, vụ đông xuân 20ha, năng suất đạt 55 tạ/ha; diện tích trồng ngô đạt 44ha... Tổng sản lượng lương thực ước đạt 730 tấn/năm; lương thực bình quân đầu người 626kg/năm. Xã Pa Thơm hiện có tổng đàn trâu, bò 900 con, trên 700 con lợn... Thu nhập bình quân toàn xã ước đạt 4 triệu đồng/người /năm so với 2,5 triệu đồng/năm vào năm 2011.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu học tập của con em và phục vụ tốt hơn việc khám, chữa bệnh cho nhân dân trong xã. Hiện nay, 100% các bản có đường ô tô đi vào được. Con đường từ Noong Luống đến Pa Thơm dài hơn 10km được rải nhựa, góp phần thu hẹp khoảng cách về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Pa Thơm với trung tâm huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ. Các công trình thủy lợi được đầu tư khá quy mô, hệ thống kênh mương dẫn nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa ruộng. Hiện xã có 80% hộ có điện sinh hoạt, có ti vi và xe máy; 98% số hộ gia đình có nhà lợp ngói, prô-xi-măng. Hàng năm, xã có trên 98% số trẻ em trong độ tuổi mầm non đến lớp; 100% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1; số học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt từ 95%... Trường PTDT bán trú Tiểu học Pa Thơm được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ I năm 2012.

Minh chứng sinh động nhất về sự đổi thay ở Pa Thơm chính là bản Pa Xa Lào. Từ một vùng đất vốn là rừng núi hoang vu, Pa Xa Lào được quy hoạch hợp lý, khoa học, hệ thống nước sinh hoạt, điện, đường được đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện chương trình 135 giai đoạn II và chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con được hỗ trợ máy xay, máy tuốt lúa, máy nghiền, được hỗ trợ cây, con giống, tạo động lực lớn cho bà con đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Già làng Lò Văn Nhúng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: "Đời sống bà con dân bản có nhiều thay đổi nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến nếp nghĩ, cách làm, bỏ cái cũ, tiếp thu cái mới... Chuồng trâu, chuồng bò được đưa ra xa nhà, không nuôi dưới gầm sàn, bản làng được làm vệ sinh sạch sẽ. Được sự hướng dẫn của cán bộ, bà con từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi nên hiện nay, không còn lo đói. Bản có 46 hộ, năm 2009 có 9 hộ nghèo, còn lại là hộ trung bình, đến năm 2013, qua khảo sát chỉ còn 4 hộ nghèo, tập trung vào những gia đình neo đơn, không có nhân lực lao động.

Song song với phát triển kinh tế, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cũng được chú trọng phát triển. Phong trào xây dựng bản làng văn hóa được xã triển khai rộng rãi và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Hiện nay, xã có 2/6 bản đạt danh hiệu Bản văn hóa, trong đó có bản Pa Xa Lào đạt Bản văn hóa cấp tỉnh năm 2012. Bên cạnh đó, xã thành lập 6 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân trong xã mà còn sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Minh cho biết: Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Pa Thơm đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm rút ngắn lộ trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự. Mục tiêu đến năm 2015, xã phấn đấu giảm hộ nghèo từ 85 hộ xuống còn 55 hộ (trên tổng số 243 hộ, 1.164 nhân khẩu).

Chia tay Pa Thơm, chúng tôi trở về thành phố trong bóng chiều bảng lảng trên con đường nhựa phẳng lì. Những thửa ruộng, nương ngô hai bên đường xanh mướt đang căng tràn sức sống... Tất cả đều đọng lại trong chúng tôi một hình ảnh đẹp, một sự đổi thay của cuộc sống nơi biên giới.

Văn Tâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/pa-thom-hom-nay/